Giải mã bí ẩn những tình tiết viễn tưởng trong "Mật mã Da Vinci” (phần 1)

Trong phần Sự thật (Fact) mở đầu cuốn tiểu thuyết ly kỳ Mật mã Da Vinci bán được trên 80 triệu bản trên toàn cầu, nhà văn Dan Brown đã viết: "Tu viện Sion, một hiệp hội bí mật được thành lập năm 1099 tại châu Âu là một tổ chức có thật. Một số thành viên của tu viện này đã được xác định trong cuộn giấy da Les Dossiers Secrets được phát hiện tại thư viện quốc gia Pháp vào năm 1975, trong số đó có cả Isaac Newton, Botticelli, Victor Hugo và Leonardo da Vinci".

Trong phần Sự thật (Fact) mở đầu cuốn tiểu thuyết ly kỳ Mật mã Da Vinci bán được trên 80 triệu bản trên toàn cầu, nhà văn Dan Brown đã viết: "Tu viện Sion, một hiệp hội bí mật được thành lập năm 1099 tại châu Âu là một tổ chức có thật. Một số thành viên của tu viện này đã được xác định trong cuộn giấy da Les Dossiers Secrets được phát hiện tại thư viện quốc gia Pháp vào năm 1975, trong số đó có cả Isaac Newton, Botticelli, Victor Hugo và Leonardo da Vinci".

Rất nhiều độc giả đã thắc mắc các tác phẩm nghệ thuật, các tình tiết lịch sử, tôn giáo, các hội kín bí ẩn mà Dan Brown miêu tả có phải là sự thật hoàn toàn như ông cam kết không. Hay tất cả chỉ là một sự ngụy trang khéo léo để lôi kéo độc giả ngay từ những dòng đầu tiên?

Mời bạn đọc cùng tìm hiểu chủ đề lý thú này qua loạt bài hai phần dưới đây. Loạt bài dựa theo nguyên bản tiếng Anh Da Vinci Code, bài báo của nhà văn Amy Welborn đăng trên website trung tâm nguồn lực giáo dục Công giáo (Catholic Education Resource Center) và một số tư liệu khác.

Phần 1: Các bí ẩn về Chén Thánh, mối quan hệ giữa Chúa Jesus và Nữ Thánh Magdelene

Holy Grail có phải là "nữ thánh"?

Holy Grail (chén thánh) nghĩa đen là chiếc ly mà chúa Jesus dùng để uống rượu trong bữa tối cuối cùng (Last Supper) trước khi chịu tội và bị đóng đinh, một thánh tích thiêng liêng với các tín đồ Công giáo.

Lịch sử huyền thoại chén thánh có nhiều câu chuyện khác nhau nhưng hầu như Grail luôn được xem là chiếc ly của chúa Jesus trong Last Supper. Ý tưởng xem Grail là "nữ thánh" gắn với dòng dõi hình thành từ cuộc hôn nhân của Jesus và Mary Magdalene chỉ là một lý giải trong cuốn tiểu thuyết kỳ bí đáng chú ý xuất bản năm 1982 The Holy Blood and the Holy Grail (Dòng máu Thánh, Chén Thánh) của 3 tác giả: sử gia hội Tam Điểm Michael Baigent, nhà văn Richard Leigh và nhà biên kịch Henry Lincoln.

Hội kín "Tu viện Sion" có thật không?

Tài liệu củng cố cho sự tồn tại của hội kín Sion đã được Dan Brown nhắc tới trong phần Fact đầu sách là Les Dossiers Secrets từ lâu đã được xem là giả mạo. Người ta cho là nó được Pierre Plantard, một người ủng hộ chính sách bài Do Thái của chính phủ Vichy (Pháp) thời thế chiến 2 đặt vào kho lưu trữ.

Chính phủ Vichy là chính phủ nền cộng hòa thứ ba của Pháp từ tháng 7/1940 đến tháng 8/1944 do Marshal Philippe Pétain đứng đầu.

The last supper của Leonardo da Vinci có ẩn giấu mật mã nào không?

The last supper là một bức tranh miêu tả bữa tối cuối cùng của chúa Jesus với 12 tông đồ trong lịch sử của thiên tài hội họa Leonardo da Vinci. Các sử gia nghệ thuật đã phủ định mọi loại mật mã trong tranh liên quan đến các vấn đề mà Dan Brown đặt ra trong Da Vinci Code của ông.

Còn về nữ thánh Mary Magdalene, trong chương 58, nhà sử học hoàng gia Leigh Teabing đã nói với Sophie rằng hình tượng trước nay được cho là thánh John trong tranh thật ra là Mary Magdalene.

(Sophie Neveu là chuyên gia giải mã người Pháp, bạn đồng hành của nhân vật chính, nhà biểu tượng học Robert Langdon trên hành trình truy tìm tung tích chén thánh thật sự trong tiểu thuyết.)

Ở trung tâm bức tranh, khoảng trống giữa hai nhân vật Jesus và Mary cùng với cơ thể họ tạo thành một chữ M (xem ảnh dưới)

Ảnh: Bức tranh The last supper của thiên tài hội họa Leonardo da Vinci, cảm hứng chính để Dan Brown sáng tác nên Mật mã Da Vinci. Trong tranh, khoảng trống giữa hai nhân vật Jesus và Mary cùng với cơ thể họ tạo thành một chữ M.

Theo đó "chén thánh" mà họa sĩ Da Vinci ẩn giấu trong tranh (vốn không có chiếc ly nào có cốc!) chính là nữ thánh Mary Magdalene.

Với các sử gia trong đời thực, việc vẽ thánh John đầy nữ tính chỉ là một phong cách hội họa bình thường trong thời Leonardo.

Ngoài ra, Last Supper là một cách nghệ thuật hóa một đoạn trong phúc âm thánh John mà người kể chuyện thậm chí không được nhắc đến và trọng tâm của bức tranh này nhấn mạnh đến sự phản bội hơn là lễ ban thánh thể. Vì vậy, việc không có chén thánh nào trong bối cảnh này cũng không có gì bất hợp lý.

(lễ ban thánh thể là buổi lễ mà các tín đồ ăn bánh và uống rượu để tưởng nhớ bữa tối cuối cùng của chúa Jesus trước khi chết, theo MacMillan)

Nữ thánh Mary Magdalene là ai?

Ảnh: Một bức tranh minh họa biểu tượng thánh nữ Mary Magdalene được xem là người loan báo tin mừng với dòng chữ Hy Lạp nghĩa là "Chúa sống lại" ở đầu tranh (Ảnh: Wikipedia)

Theo Kinh thánh (Tân Ước), thánh Mary Magdalene được nhắc tới 12 lần trong các phúc âm: được Jesus chữa lành bệnh quỷ nhập hồn (Luke 8:2), có mặt lúc Jesus bị đóng đinh, tại lăng mộ và được Jesus sau khi phục sinh gửi đến các thánh tông đồ để thông báo tin mừng chúa Jesus sống lại. Ngày lễ thánh của bà là ngày 22-7 hàng năm.

(phúc âm là những văn bản về cuộc đời và những lời dạy, những phát ngôn của chúa Jesus)

Vẫn ở chương 58 Mật mã Da Vinci, Leigh Teabing nói tiếp với Sofie về thân thế Mary Magdalene vốn là hậu duệ của dòng dõi hoàng tộc Benjamin, một chi tộc lớn ở Israel. Bà cũng chính là vợ của Jesus. Sau khi Jesus bị đóng đinh, Mary với bào thai con của Jesus đã tới Pháp và trở thành bà tổ của gia đình hoàng gia Pháp Merovingian. Điều đáng tiếc nhất là ý định để Mary làm người đứng đầu nhà thờ của Jesus đã không thành. Thánh Peter đã giành lấy quyền lực từ bà. Từ đó, thuyết âm mưu hủy hoại hình ảnh của Mary trong mắt các tín đồ đã kéo dài đến 2000 năm qua.

Trong thực tế, nhà thờ Công giáo tôn vinh Mary Magdalene là nữ thánh nhưng danh tánh thật sự của bà vẫn là điều gây tranh cãi giữa các nhánh Công giáo khác nhau.

Giáo hoàng Gregory vĩ đại trong thế kỷ 6 xem bà là hình ảnh kết hợp của người phụ nữ sám hối trong phúc âm Luke 7 và con gái của Martha và Lazarus. Giáo hoàng tuyên bố rằng trước khi sửa đổi mình, Mary từng là gái điếm hoặc phụ nữ thông dâm.

Những người đứng đầu nhà thờ như các thánh Ambrose và Thomas Aquinas chưa quyết định được điều này, còn Chính Thống giáo Đông phương xem ba hình tượng mà giáo hoàng Gregory đề cập là 3 người khác nhau.

Tuy câu hỏi về thân thế của Mary Magdelene chưa có được một câu trả lời thống nhất giữa các bên nhưng vấn đề này chưa bao giờ bị chôn vùi mà vẫn tiếp tục được các tín đồ đặt ra để tìm kiếm sự thật từ các lãnh đạo Công giáo, theo Dan Brown.

Dan Brown là ai?

Dan Brown là một cựu giáo viên tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha tại Hampton Falls ở Mỹ. Năm 1996, ông xin nghỉ dạy để dành toàn thời gian viết các tiểu thuyết mới.

Dan Brown không có bằng cao cấp nào về tôn giáo.

Cơ sở hình thành quan điểm của Brown về Mary Magdalene và sự cạnh tranh quyền lực giữa bà và thánh Peter?

Quan điểm này là do Brown tham khảo 2 nguồn tài liệu: Holy Blood, Holy Grail (đã nêu trên) và Gnostic Gospels hay phúc âm của những người theo thuyết Ngộ đạo.

Thuyết Ngộ đạo hay còn được dịch là Ngộ giáo (Gnosticism) là một học thuyết theo chủ nghĩa nhị nguyên phổ biến rộng rãi trong thời kỳ Cơ đốc giáo sớm. Ảnh hưởng của thuyết Ngộ đạo không chỉ giới hạn trong phạm vi Cơ đốc giáo. Gnostic Gospels là những tác phẩm phản ánh quan điểm của những người Ngộ đạo về Cơ đốc giáo. Một số trong đó chỉ được biết tới khi người ta phát hiện cuộn giấy da Nag Hammadi ở Ai Cập vào năm 1945.

Chủ nghĩa nhị nguyên cho rằng trong tự nhiên và trong mỗi con người có hai lực lượng tốt và xấu với quyền lực ngang nhau tượng trưng cho quỷ satan và chúa trời chống đối nhau. Những tín đồ của Ngộ giáo tin tưởng việc sở hữu kiến thức hoàn hảo là cách duy nhất để trở về với bản thể tinh thần-tinh túy thật sự của Thượng Đế, cái vượt lên cả hai mặt tốt-xấu. Mọi sự cầu nguyện, thờ phụng, nghi lễ đều không cần thiết. Điều này trái ngược với triết lý trong kinh thánh tôn sùng một thượng đế quyền năng duy nhất trong vũ trụ, không chấp nhận tính hai mặt của mọi vấn đề, chỉ coi Kinh Thánh là chân lý và các tín đồ phải thực hiện một số nghi thức để tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa, để được cứu rỗi.

Các đoạn khác nhau trong Gnostic Gospel đã được một số học giả và nhà văn tôn giáo hiện đại sử dụng để ám chỉ yếu tố coi phụ nữ là trung tâm và sự tranh giành quyền lực trong Cơ đốc giáo sớm. Đặc biệt nhất chính là một đoạn trong Phúc âm Mary miêu tả Jesus hôn Mary và các tông đồ ghen tỵ với tình yêu của ông dành cho bà. Ý kiến này đã được sử gia Leigh Teabing nói đến trong chương 58.

Tuy nhiên, theo nhà văn Amy, giống như nhiều người khác, Brown đã bỏ qua một đoạn văn chống phụ nữ sâu sắc từ một phúc âm Ngộ đạo khác là Phúc âm của thánh Thomas. Trong phúc âm thánh Thomas, Jesus đã nói "Mọi người phụ nữ làm cho mình biến thành đàn ông sẽ được bước vào Vương quốc Thiên đường."

Thuyết Ngộ đạo bị các tín đồ Cơ đốc chống đối không phải vì vấn đề giới tính mà đơn giản là vì quan điểm nhị nguyên không nhất quán với quy tắc của đức tin được truyền lại từ các tông đồ.

Các phúc âm hợp lệ xuất hiện từ giữa đến cuối thế kỷ một sau công nguyên, trong khi các phúc âm Ngộ đạo không thể ra đời sớm hơn giữa thế kỷ thứ hai. Một lý thuyết từng chỉ trích và xem các phúc âm chính thống là không đáng tin cậy trong hàng ngàn năm nay lại tin vào những chỉ dẫn về ý định của Jesus trong các phúc âm trễ, đây quả là điều đáng mỉa mai mà sử gia James Hitchcock đã chỉ ra.

Nhà sử học James Hitchcock nguyên là giáo sư lịch sử đại học Saint Louis (Mỹ), tác giả nhiều sách về tôn giáo, nhà thờ Công giáo.

Chúa Jesus và nữ thánh Mary Magdelene đã kết hôn với nhau?

Vẫn ở chương 58, sử gia Leigh cho rằng cuộc hôn nhân giữa chúa Jesus và nữ thánh Mary Magdelene có thật hay không là "vấn đề của hồ sơ lịch sử". Đây là điều mà không có học giả khoa học đích thực nào dám tuyên bố. "Hồ sơ lịch sử" mà Brown nói tới chính là các sách theo thuyết âm mưu trong thế kỷ 20, hoàn toàn không phải là hồ sơ lịch sử về Cơ đốc giáo sớm.

Albert Trần(tổng hợp)

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/2191922/giai-ma-bi-an-nhung-tinh-tiet-vien-tuong-trong-mat-ma-da-vinci-phan-1