Giải mã bí ẩn nguồn gốc vật thể ngoài hành tinh 'gây bão' giới khoa học

Vật thể liên sao kỳ lạ này được quan sát lần đầu tiên bay qua hệ mặt trời vào tháng 10/2017. Các nhà khoa học đã luôn nỗ lực để giải mã nguồn gốc của nó.

Các nhà thiên văn học tại Đại học Bang Arizona (Mỹ) đã báo cáo rằng vật thể kỳ lạ dài 45m dường như được cấu thành từ nitơ đóng băng, giống với bề mặt của sao Diêm Vương và mặt trăng lớn nhất của Hải Vương tinh - Triton.

Hai tác giả của nghiên cứu - Alan Jackson và Steven Desch, cho rằng một tác động đã đánh bật một mảnh vỡ ra khỏi hành tinh được bao phủ bởi băng nitơ 500 triệu năm trước. Nó khiến mảnh vỡ này rơi ra khỏi hệ sao của chính nó, và bay về phía Trái Đất. Tàn dư màu đỏ được cho là một mảnh vụn của bản thể ban đầu, các lớp bên ngoài của nó bị bốc hơi bởi bức xạ vũ trụ và gần đây là mặt trời.

Theo AP, vật thể này được đặt tên là Oumuamua, để vinh danh đài thiên văn ở Hawaii đã phát hiện ra nó vào năm 2017.

Minh họa về vật thể liên sao Oumuamua

Minh họa về vật thể liên sao Oumuamua

Vật thể thứ hai và cũng là duy nhất còn lại từng quan sát thấy, được xác nhận rằng đã đi lạc từ một hệ sao khác là sao chổi 21 / Borisov, được phát hiện vào năm 2019.

Đã có nhiều tranh cãi xoay quanh Oumuamua. Nó không giống với những vật thể các nhà khoa học từng biết- nó trông giống một tiểu hành tinh có vận tốc như một sao chổi. Tuy nhiên, khác với sao chổi, nó không có chiếc đuôi quan sát được. Các suy đoán bị đảo lộn giữa sao chổi và tiểu hành tinh, thậm chí có ý kiến cho rằng Oumuamua có thể là một hiện vật của người ngoài hành tinh.

“Mọi người luôn quan tâm đến người ngoài hành tinh, và không thể tránh khỏi việc vật thể đầu tiên nằm ngoài hệ mặt trời này khiến mọi người liên tưởng tới người ngoài hành tinh” - Desch chia sẻ.

Dựa trên độ sáng bóng, kích thước và hình dạng của vật thể, Jackson và Desch đã nghĩ ra các mô hình máy tính giúp họ xác định được Oumuamua rất có thể là một khối băng nitơ đang dần bị xói mòn.

Hai bài báo cáo của họ đã được Liên minh Địa vật lý Hoa Kỳ xuất bản hôm 16/3 và cũng được trình bày tại Hội nghị Khoa học Hành tinh và Mặt trăng, thường được tổ chức ở Houston.

Tuy nhiên không phải tất cả các nhà khoa học đều đồng ý với lý giải này. Avi Loeb của Đại học Harvard đã đưa ra phản đối và lập luận rằng vật thể này có vẻ giống nhân tạo hơn là tự nhiên. Nói cách khác, ông cho rằng nó có lẽ là một thứ đến từ nền văn minh ngoài hành tinh, giống với một cánh buồm.

Khi Oumuamua ở gần Trái Đất nhất, nó dường như có chiều rộng lớn gấp sáu lần bề dày của nó, giống với tỷ lệ của một tấm bánh quy. Theo Desch, thời điểm vật thể này bắt đầu rời khỏi hệ mặt trời của chúng ta sẽ rơi vào khoảng năm 2040, khi đó tỷ lệ chiều rộng trên bề dày sẽ giảm xuống còn 10/1.

“Vì vậy, có thể Oumuamua sẽ giống như một chiếc bánh quy khi chúng tôi nhìn thấy nó, nhưng cũng sẽ sớm bị san phẳng như một chiếc bánh kếp”, Desch nói.

Minh Huyền

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/chuyen-la-bon-phuong/giai-ma-bi-an-nguon-goc-vat-the-ngoai-hanh-tinh-gay-bao-gioi-khoa-hoc-102879.html