'Giai đoạn vàng' để hàn gắn tổn thương ở trẻ

Tuổi mới lớn có thể là thời điểm để thiết lập lại hệ thống, giúp mọi người đối phó với căng thẳng hiệu quả.

Trẻ em gần gũi với cha mẹ có hệ thống nội tiết thần kinh khỏe mạnh. Ảnh minh họa

Trẻ em gần gũi với cha mẹ có hệ thống nội tiết thần kinh khỏe mạnh. Ảnh minh họa

Hậu quả từ thiếu thốn tình cảm

Megan Gunnar - nhà tâm lý học phát triển tại Đại học Minnesota ở Minneapolis (Mỹ) và là người đã dành hai thập kỷ để nghiên cứu tác động của nghịch cảnh đầu đời ở những đứa trẻ được nhận nuôi, cho biết: “Trọng tâm của công việc này là: Những nghịch cảnh khắc nghiệt như mồ côi, thay vì những thử thách hằng ngày, có thể có khả năng phục hồi”.

Tuổi thơ thường xuyên gặp khó khăn hoặc bị lạm dụng cũng có thể thay đổi hệ thống nội tiết thần kinh. Qua đó, điều chỉnh cách cơ thể phản ứng với căng thẳng. Các vấn đề trong việc phản ứng với căng thẳng có thể khiến trẻ em đấu tranh hành vi, tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, tiểu đường và hàng loạt vấn đề về sức khỏe.

Tuy nhiên, nhà tâm lý Gunnar đã chỉ ra, phản ứng căng thẳng bị suy giảm có thể trở lại bình thường trong tuổi dậy thì. Nhờ đó, khả năng mất cân bằng do tổn thương sớm có thể được xóa bỏ.

Khi não bộ nhận biết được mối đe dọa - thậm chí là mối đe dọa tạm thời, chẳng hạn như kỳ thi, mức hormone adrenaline sẽ tăng lên, tạo ra phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy”. Nhịp thở và nhịp tim tăng vọt. Lòng bàn tay ướt mồ hôi. Thị giác và các giác quan khác cảm nhận rõ ràng. Trước đó, não sẽ gửi các sứ giả hóa học để kích thích các tuyến thượng thận tiết ra cortisol.

Cortisol đưa đường vào máu để tạo năng lượng nhanh chóng. Hormone này cũng làm chậm quá trình tiêu hóa, phản ứng miễn dịch, tăng trưởng và các quá trình khác được coi là không cần thiết trong tình huống chiến đấu hoặc bỏ chạy.

Khi mối đe dọa qua đi, phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy kết thúc, ít nhất là ở một người có phản ứng căng thẳng đang hoạt động như bình thường. Nồng độ adrenaline và cortisol giảm, nhịp tim chậm lại và các hệ thống khác hoạt động bình thường trở lại.

Các nhà nghiên cứu đã vạch ra những tác nhân chính trong phản ứng căng thẳng. Các tín hiệu thần kinh - nội tiết liên quan hình thành trục HPA. Đây là viết tắt của vùng dưới đồi - tuyến yên - thượng thận. Khi có thể đo cortisol từ các mẫu nước bọt thay vì phải lấy máu hoặc nước tiểu, bà Gunnar bắt đầu nghiên cứu cách trục HPA ảnh hưởng đến não và hành vi của con người.

Từ các thí nghiệm trên trẻ sơ sinh vào giữa những năm 1980, Gunnar nhận thấy, mối quan hệ an toàn giữa cha mẹ và trẻ là điều quan trọng đối với hệ thống nội tiết thần kinh khỏe mạnh. Từ đó, giúp trẻ sơ sinh đối phó với các tình huống căng thẳng, như tiêm chủng.

Do đó, chuyên gia này tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu cảm giác an toàn đó bị gián đoạn lâu dài. Một báo cáo được công bố vào tháng 11 năm ngoái bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã chỉ ra: So với các bạn cùng lứa, người trưởng thành từng trải qua chấn thương thời thơ ấu có nhiều khả năng hút thuốc, uống rượu, bỏ học, mắc bệnh tim và một loạt bệnh mãn tính khác.

Giữa những năm 1990, bà Gunnar đã cùng nhóm nghiên cứu đến một trại trẻ mồ côi ở miền đông Romania.

“Bạn bước vào những khu này, và đột nhiên những đứa trẻ nói “Mẹ, mẹ”, vươn tay lên để được bế”, Gunnar chia sẻ.

Bà Gunnar đã mang các lọ nhỏ chứa mẫu nước bọt của trẻ mồ côi tại đây về. Kết quả cho thấy, mức độ cortisol của trẻ em mồ côi thấp hơn mức trung bình của trẻ mới biết đi. Phát hiện đó là dẫn chứng của sự tác động từ tình trạng thiếu thốn tình cảm lâu dài đối với phản ứng căng thẳng.

Sự thay đổi ở tuổi dậy thì

Theo một khảo sát, nhiều cha mẹ ở Minnesota nhận con nuôi vào những năm 1990 nhận thấy, những đứa trẻ này có vấn đề về hành vi. Những đứa trẻ này có nồng độ cortisol thấp hơn bạn cùng lứa - người không có vấn đề về hành vi.

“Khi đối mặt với khó khăn kéo dài, có khả năng khuyến khích mức cortisol cao nguy hiểm, phản ứng căng thẳng yếu - tức là tạo ra ít cortisol hơn - có thể là “cách tự nhiên để bảo tồn não và cơ thể”, bà Gunnar suy đoán.

Theo thời gian nghiên cứu những người được nhận nuôi, bà Gunnar nhận thấy, những trẻ có cortisol thấp thường bước vào lớp mẫu giáo với các vấn đề về chú ý. Phản ứng căng thẳng dễ dàng kéo dài đến tuổi trung niên.

Nhóm của bà Gunnar đã mời 280 trẻ em từ 7 - 14 tuổi vào phòng thí nghiệm. Số này bao gồm 122 trẻ em được nhận nuôi từ các cơ sở và 158 trẻ em ở các gia đình bình thường. Trước và sau các nhiệm vụ nói và toán học, các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu nước bọt của mỗi đứa trẻ để đo mức cortisol.

Tình trạng dậy thì của những người tham gia được đánh giá theo thang điểm từ 1 - 5. Giai đoạn 1 là không có những thay đổi cơ thể đáng chú ý và giai đoạn 5 có nghĩa là sự trưởng thành về giới tính đã hoàn thành.

Kết quả là, những đứa trẻ được nhận làm con nuôi đã giảm mức cortisol trước và sau khi làm nhiệm vụ so với những đứa trẻ sống với cha mẹ ruột. Để xác nhận việc hiệu chuẩn lại HPA đã xảy ra trong cùng một đứa trẻ, thay vì chỉ so sánh giữa các nhóm tuổi, Gunnar và các đồng nghiệp đã đưa những người tham gia vào các bài kiểm tra giống nhau một và hai năm sau đó, tổng cộng ba phiên hằng năm.

Kết quả cho thấy, cơ thể có thể điều chỉnh lại phản ứng với các tác nhân gây căng thẳng trong tuổi dậy thì. Nói cách khác, điều gì đó xảy ra ở tuổi dậy thì - nhưng không sớm hơn ở thời thơ ấu, cho phép não bộ chuyển trở lại phản ứng căng thẳng bình thường, vốn bị sai lệch do chấn thương sớm.

Matthew Duggan - nhà trị liệu ở Long Beach, California cho rằng, những phát hiện này có thể áp dụng cho nhiều trẻ em gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc. Trẻ cũng có thể kết nối với những người khác, nếu từng tổn thương do bị lạm dụng hoặc thiếu sự quan tâm đầu đời.

Duggan nói rằng, nghiên cứu của Gunnar sẽ hữu ích hơn nữa nếu nó đánh giá sự thay đổi hành vi của những người tham gia - ví dụ: Bằng cách phỏng vấn cha mẹ, giáo viên hoặc thanh thiếu niên.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/giai-doan-vang-de-han-gan-ton-thuong-o-tre-HP5RewoMg.html