Giai đoạn mới trong quan hệ của Mỹ với ICC

Ngày 2/4, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Trưởng công tố Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) Fatou Bensouda, đồng thời kêu gọi cải thiện mối quan hệ hợp tác với tổ chức phân xử hàng đầu thế giới này.

Trước đó, các lệnh trừng phạt được áp đặt dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Trụ sở ICC tại Hà Lan. Ảnh: ejiltalk

Trụ sở ICC tại Hà Lan. Ảnh: ejiltalk

Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Washington sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Trưởng công tố Bensouda vì cuộc điều tra của bà liên quan đến cáo buộc các lực lượng Mỹ phạm tội ác chiến tranh ở Afghanistan. Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng đưa ông Phakiso Mochochoko - người đứng đầu Ban xét xử, hỗ trợ và hHợp tác của ICC - ra khỏi danh sách Các công dân bị chỉ định trừng phạt đặc biệt (SDN).

Tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken xác nhận Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bãi bỏ chính sách riêng rẽ được ban hành năm 2019 về hạn chế thị thực đối với một số quan chức ICC, đồng thời nêu rõ "các quyết định này phản ánh đánh giá của chúng tôi rằng những biện pháp được thông qua không thích hợp và không hiệu quả".

Ông cũng thừa nhận Mỹ vẫn bất đồng với những nỗ lực của ICC nhằm "khẳng định quyền xét xử của tòa đối với công dân các nước không phải là thành viên ICC như Mỹ và Israel". Tuy nhiên, ông cho rằng những mối quan ngại này nên được giải quyết thông qua sự phối hợp của tất cả các bên trong tiến trình của ICC, thay vì áp đặt các lệnh trừng phạt. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng cho rằng ICC nên được cải tổ theo hướng "ưu tiên nguồn lực của mình và đạt được sứ mệnh nền tảng là phục vụ như một tòa án cuối cùng trong việc trừng phạt và ngăn chặn tội ác tàn bạo".

ICC đã hoan nghênh quyết định trên của Mỹ, cho rằng điều này báo hiệu về một kỷ nguyên hợp tác mới với Washington. Bà Silvia Fernandez de Gurmendi, người đứng đầu Hiệp hội Các quốc gia thành viên ICC, nhấn mạnh quyết định trên góp phần củng cố hoạt động của tòa án, cũng như thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên các luật lệ. ICC luôn chào đón sự tham gia của Mỹ trong việc đảm bảo công lý đối với các tội ác chiến tranh.

Tháng 6 năm ngoái, cựu Tổng thống Trump đã cho phép thực hiện các biện pháp trừng phạt như đóng băng những tài sản hoặc bất động sản trên đất Mỹ của mọi cá nhân từ ICC tham gia hoặc hỗ trợ hoạt động điều tra hoặc truy tố binh lính Mỹ mà không được sự đồng thuận của Washington. Những người này cũng như người thân trong gia đình sẽ bị cấm tới Mỹ. Washington cho rằng ICC đe dọa vi phạm chủ quyền của Mỹ.

Sau quyết định này, ICC chỉ trích đây là những "đòn tấn công" gây căng thẳng và là "một nỗ lực không thể chấp nhận được" can thiệp vào nguyên tắc thượng tôn pháp luật và các quy trình xét xử của ICC. Tòa án có trụ sở tại Hà Lan cũng cho rằng các lệnh trừng phạt "chưa từng có tiền lệ" làm suy yếu những nỗ lực đấu tranh đảm bảo những bên gây tội ác chiến tranh đều phải chịu trách nhiệm.

ICC được thành lập theo Quy chế Rome và có trụ sở La Haye của Hà Lan, ICC là tòa án hình sự quốc tế thường trực, độc lập đầu tiên của cộng đồng quốc tế. Số thành viên của ICC luôn dao động và gần đây nhất là 123 nước.

Phương Oanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/giai-doan-moi-trong-quan-he-cua-my-voi-icc-20210403112004757.htm