Giai đoạn mới đòi hỏi giải pháp mới

Phát triển xanh/ phát triển hợp sinh thái đang là xu hướng được nhiều quốc gia lựa chọn, nhằm duy trì sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, và được các nhà khoa học khuyến nghị nên áp dụng ở Việt Nam càng sớm càng tốt, trong bối cảnh mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào lợi thế của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ như hiện nay đang chạm mức giới hạn.

Phát triển xanh/ phát triển hợp sinh thái đang là xu hướng được nhiều quốc gia lựa chọn, nhằm duy trì sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, và được các nhà khoa học khuyến nghị nên áp dụng ở Việt Nam càng sớm càng tốt, trong bối cảnh mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào lợi thế của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ như hiện nay đang chạm mức giới hạn.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hữu Ninh (trong ảnh), người đã có nhiều nghiên cứu, đóng góp ở tầm quốc tế và khu vực về phát triển bền vững, quanh chủ đề này.

- Thưa ông, thời gian gần đây, các nhà khoa học bắt đầu đề cập một khái niệm mới: phát triển hợp sinh thái. Ðiều này có gì khác so với mục tiêu "phát triển bền vững" mà Việt Nam đã theo đuổi từ hơn 30 năm qua?

- Phát triển bền vững là mục tiêu đề ra tại Hội nghị cấp cao Trái đất do Liên hợp quốc tổ chức tại Rio de Janeiro năm 1992 mà Việt Nam là một trong các nước tham dự. Nội hàm của phát triển bền vững gồm ba yếu tố: bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội và bền vững về môi trường. Từ đó đến nay, nhiều khái niệm cũng được đưa ra như kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, nền kinh tế phát thải các-bon thấp, nền kinh tế các-bon zero, kinh tế tuần hoàn, v.v. Tựu trung mục tiêu của tất cả những cố gắng đó là làm sao có thể phát triển kinh tế bền vững với hiệu quả cao nhất trong việc sử dụng nguyên vật liệu, giảm tối đa phát thải khí nhà kính cũng như rác thải ra môi trường. Ở điều kiện bình thường thì làm được điều đó cũng phải rất cố gắng, tuy nhiên trong tình hình hiện nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu (BÐKH), chúng ta phải cố gắng hơn rất nhiều.

Phát triển hợp sinh thái, nếu tôi hiểu không nhầm, ý bạn muốn nhắc tới "ecological economy" và sự phát triển mà chú ý tới "ecological footprint". Trước tiên, tôi phải khẳng định đây không phải một khái niệm mới. Các khái niệm phát triển liên quan tới hệ sinh thái đã được đề cập từ những năm 2005 bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng của lượng giá giá trị của hệ sinh thái. Về sau, các khái niệm phát triển hợp sinh thái trở nên hoàn thiện hơn khi chúng ta xem xét mọi sự phát triển trong mối tương quan với hệ sinh thái tự nhiên, sinh thái nhân văn liên quan. Ðó là sự phát triển có thể tận dụng tối đa lợi thế của hệ sinh thái cũng như có thể tuần hoàn tối đa năng lượng và nguyên liệu cho hoạt động của hệ sinh thái. Như vậy nó cũng có phần tương đồng với kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp. Trong bối cảnh chịu sự ảnh hưởng gia tăng của BÐKH, trong ngành nông - lâm nghiệp, thời gian gần đây, bên cạnh nông nghiệp thông minh với khí hậu (climate-smart agriculture), chúng ta còn quan tâm tới sinh cảnh thông minh với khí hậu (climate-smart landscape) trong đó chúng ta chú ý tới việc sử dụng đất và xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp thông minh với khí hậu và phù hợp sự biến đổi của hệ sinh thái.

- Trong điều kiện của xã hội Việt Nam hiện nay, thực hiện phát triển xanh sẽ gặp những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

- Chúng ta sẽ có rất nhiều việc phải làm để thực hiện phát triển xanh. Trong phạm vi bài phỏng vấn này tôi chỉ đưa ra một số vấn đề nổi cộm cần giải quyết.

Trước hết, chúng ta phải thấy rằng doanh nghiệp là đầu tàu phát triển nền kinh tế, nhưng cũng là chủ thể gây ra ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính, vì vậy áp dụng các công nghệ mới, thông minh với khí hậu để tăng năng suất lao động và giảm tác hại đến môi trường là một việc bắt buộc phải thực hiện. Nhưng trong một nền kinh tế có tới hơn 95% số doanh nghiệp là nhỏ, siêu nhỏ và vừa thì việc đổi mới công nghệ là một việc không dễ dàng bởi giới hạn về tài chính và quản lý của các doanh nghiệp này.

Tiếp theo là những bất cập về chính sách không đồng bộ của các cơ quan liên quan trong chiến lược phát triển bền vững, đặc biệt là rào cản các thủ tục giấy tờ đối với các doanh nghiệp. Tháo gỡ những bất cập này không thể làm được trong thời gian ngắn hạn vì vướng mắc về cơ chế. Do sự thiếu sót về chính sách, tăng trưởng xanh vẫn chưa được nhìn nhận như cơ hội phát triển với nhiều doanh nghiệp.

Trong thời đại hiện nay khi nhân loại đã bước vào nền kinh tế số thì tiềm lực khoa học công nghệ là yếu tố quyết định cho sự thành công của mỗi quốc gia. Mặc dù Việt Nam đã thành công trên nhiều lĩnh vực kinh doanh, nhưng nhìn chung, trình độ khoa học công nghệ cũng như phương thức quản lý của chúng ta còn nhiều hạn chế, cho nên, để thực hiện được mục tiêu phát triển xanh chúng ta phải cố gắng rất nhiều.

- Ðể có thể thực thi thành công mục tiêu phát triển xanh, chúng ta cần tiến hành những giải pháp như thế nào?

- Chúng ta cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền về phát triển bền vững để nâng cao nhận thức của cộng đồng và các bên liên quan về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cũng như nâng cao nhu cầu tiêu dùng xanh, sản xuất xanh.

Tiếp tục cải tiến hệ thống chính sách pháp luật và thông tin truyền thông để tạo điều kiện cho tăng trưởng xanh cũng như tạo điều kiện cho các bên liên quan, nhất là các doanh nghiệp tham gia tăng trưởng xanh.

Hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ để phục vụ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

- Trong cuộc hội thảo quốc gia lần thứ tư với chủ đề Môi trường và phát triển bền vững, ông đã phát biểu nhấn mạnh: Trong giai đoạn phát triển tới, cần đặt trí thức vào vị trí trung tâm. Ông có thể lý giải cụ thể ý kiến này?

- Chúng ta đã biết rằng cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng kinh tế tri thức. Trước thách thức của BÐKH và các yếu tố môi trường khác, nhiệm vụ của khoa học công nghệ là phải giải quyết các thách thức này, nói cách khác phải đưa trí thức vào vị trí trung tâm, tạo môi trường khai phóng để họ sáng tạo công nghệ mới tháo gỡ các vấn đề môi trường hết sức khó khăn và phức tạp hiện nay.

Chúng ta đang nhìn thấy sự suy giảm đáng kể của vốn tự nhiên cho hoạt động phát triển do ảnh hưởng của BÐKH và việc sử dụng thiếu bền vững tài nguyên thiên nhiên của con người. Ðể có thể phát triển bền vững, chúng ta cần gia tăng các nguồn vốn khác như vốn con người (human capital), nâng cao vai trò của tri thức trong hoạt động phát triển, vốn sản xuất (manufactured capital) nhờ cải tiến khoa học công nghệ - cũng là một kết quả đi kèm của một nền kinh tế tri thức.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Luân Vũ (thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/giai-doan-moi-doi-hoi-giai-phap-moi-630434/