Giai đoạn khó khăn của ông Shinzo Abe

Trong gần 2 tháng trở lại đây, tỷ lệ ủng hộ của người dân Nhật Bản đối với chính quyền ông Shinzo Abe liên tục sụt giảm mạnh. Những biện pháp của chính quyền để ứng phó với đại dịch COVID-19 nhận được đánh giá trái ngược từ hai phía dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế.

Trong khi cộng đồng quốc tế đánh giá cao Nhật Bản về phòng chống dịch do nước này đã kiểm soát hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh mà không phải phong tỏa quy mô lớn, thì ở trong nước lại dấy lên làn sóng chỉ trích của người dân, dư luận và đảng phái đối lập.

Cuối tháng 5, sau khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tình hình dịch bệnh của Nhật Bản đã bước vào thời kỳ ổn định tạm thời. Tuy nhiên, đến tháng 7, dịch bệnh bắt đầu bùng phát trở lại và liên tục lây lan mạnh, tâp trung ở các thành phố lớn như Tokyo, Osaka... với số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng tăng lên vùn vụt.

Theo số liệu thăm dò dư luận gần đây của Jiji Press, tỷ lệ ủng hộ đối với chính quyền ông Shinzo Abe tiếp tục giảm 2,5 điểm phần trăm so với trước đó, tiệm cận ngưỡng 30%. Đây là mức thấp đáng báo động kể từ khi ông Abe nhậm chức thủ tướng cuối năm 2012. Nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ này sụt giảm xuất phát từ những biện pháp ứng phó với dịch bệnh được cho là không hiệu quả, không nhận được sự đánh giá tích cực của người dân Nhật Bản.

Vấn đề sức khỏe của ông Shinzo Abe là một chủ đề được quan tâm tại Nhật Bản gần đây.

Vấn đề sức khỏe của ông Shinzo Abe là một chủ đề được quan tâm tại Nhật Bản gần đây.

Về mặt khách quan, so với các quốc gia châu Âu, tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản diễn biến không quá nghiêm trọng và cũng không xảy ra hiện tượng quá tải về y tế. Tuy nhiên, việc cộng đồng quốc tế đánh giá cao đối với công tác phòng, chống dịch của Nhật Bản không phù hợp với phản ánh thực tế về tình hình dịch bệnh ở trong nước.

Một loạt chính sách do chính quyền ông Shinzo Abe đưa ra được cho là triển khai hời hợt và thiếu hiệu quả, thậm chí có một số biện pháp còn trở thành chủ đề đàm tiếu của người dân Nhật Bản, đồng thời trở thành tiêu điểm để đảng đối lập chỉ trích chính quyền. Chẳng hạn, chính sách phát khẩu trang cho người dân cả nước trong thời kỳ đầu xảy ra dịch bệnh được cho là đã không mấy phát huy tác dụng, ngược lại còn tiêu hao không ít nhân lực, vật lực và tiền của.

"Abenomask" - khẩu trang do chính phủ phát cho người dân theo sáng kến của ông Shinzo Abe, một cách chơi chữ bắt nguồn từ tên gọi chính sách kinh tế hỗn hợp Abenomics - mà người dân Nhật Bản nhận được dường như đã trở thành một vật lưu niệm và có giá trị sưu tập hơn là một vật dụng chống dịch.

Sau khi Nhật Bản chấm dứt tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính sách thúc đẩy du lịch (GO TO Travel) được ban hành với mục đích hồi sinh ngành du lịch trong nước lại trở thành cái cớ để đảng đối lập chỉ trích chính quyền. Theo đó, đảng đối lập cho rằng chính sách này đã trực tiếp làm cho dịch bệnh lây lan với tốc độ nhanh hơn. Ngay bản thân phương án hỗ trợ du lịch của chính phủ cũng bị người dân và ngành du lịch phàn nàn do các quy định thực hiện không rõ ràng, trùng lặp.

Chẳng hạn, Chính phủ Nhật Bản đưa ra phương án hồi sinh ngành du lịch trước một tháng nhưng lại vội vàng loại trừ Tokyo khiến nhiều người Tokyo phải tạm thời hủy bỏ lịch trình, làm phát sinh rất nhiều chi phí và cuối cùng chính phủ phải đứng ra chi trả... Do đó, nga cả trong nội bộ đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền cũng đã xuất hiện không ít lời dị nghị.

Đối với chính phủ cầm quyền và bản thân Thủ tướng Shinzo Abe, một vấn đề quan trọng nhất luôn thường trực trong tâm trí chính là Thế vận hội Tokyo. Trong thời gian đầu dịch COVID-19, nhằm đảm bảo cho Thế vận hội có thể vẫn được tổ chức thuận lợi theo đúng kế hoạch, Chính phủ Nhật Bản đã không tổ chức xét nghiệm trên quy mô lớn đối với những người có khả năng nhiễm virus và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng lây nhiễm trên toàn Nhật Bản được công bố tương đối ít.

Cho đến khi đã xác định lùi thời gian tổ chức Olympic Tokyo lại 1 năm, Chính phủ Nhật Bản mới mở rộng quy mô xét nghiệm, nâng cao hiệu suất xét nghiệm nhưng lúc này tỷ lệ lây nhiễm tiềm ẩn đã tăng theo cấp số nhân và đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến số ca lây nhiễm của Nhật Bản tăng vọt ở mức cao.

Theo dự báo, thiệt hại kinh tế do việc trì hoãn Olympic Tokyo gây nên có thể lên đến 29.000 tỷ yên. Ngoài thiệt hại trực tiếp về mặt kinh tế, đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành đã tác động mạnh đến tâm lý của người dân xứ mặt trời mọc. Một kết quả khảo sát cho thấy tạm thời chưa nói đến việc liệu năm 2021 Olympic Tokyo có được tổ chức bình thường hay không nhưng hiện nay đã có nhiều người Nhật Bản cho rằng nên từ bỏ việc tổ chức kỳ thế vận hội này.

Tuy nhiên, mặc dù các chính sách của chính quyền đưa ra được cho là không mấy hiệu quả nhưng thái độ tận tâm tận lực của Thủ tướng Shinzo Abe trong thời gian xảy ra dịch bệnh lại được ghi nhận và nhắc đến nhiều. Theo thống kê của giới truyền thông Nhật Bản, kể từ khi dịch bệnh xảy ra cho đến nửa cuối tháng 6, ông Shinzo Abe đã làm việc 147 ngày liên tục. Làm việc không ngừng nghỉ khiến sức khỏe của ông không đảm bảo, 2 lần kiểm tra sức khỏe trong tháng 6 và tháng 8 đã làm gia tăng sự nghi ngờ của dự luận bên ngoài đối với tình trạng sức khỏe của Thủ tướng Shinzo Abe.

Bên cạnh các yếu tố gây khó ở trên, đầu tháng 9-2020 này cũng là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch LDP của ông Shinzo Abe, khiến những thông tin đồn đoán về tương lai của ông Abe càng có cơ hội bung ra và người ta không thể không nghĩ đến một thời kỳ "hậu Shinzo Abe" của nước Nhật Bản.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/giai-doan-kho-khan-cua-ong-shinzo-abe-609635/