Giải đáp nỗi sợ hãi... xương mọc lại sau gọt mặt

Đẹp đâu chưa thấy mà rất nhiều người đã phải nhận trái đắng từ việc gọt hàm thay đổi cấu trúc xương.

Phẫu thuật thay đổi cấu trúc gương mặt, khuôn hàm không còn xa lạ trong mấy năm trở lại đây. Với những ai có gương mặt góc cạnh, xương hàm không được thon gọn hoặc mặt chữ điền thường tìm đến phương pháp này như một cứu cánh.

Vì tiêu chuẩn của vẻ đẹp thay đổi, từ gương mặt vuông chữ điền hay bầu bĩnh đã không còn hợp mốt thay vào đó là những gương mặt Vline, trái xoan lên ngôi. Hòa mình vào trào lưu đó, rất nhiều người đã bỏ tiền, bỏ sức khỏe và thậm chí là tính mạng của mình để chạy theo xu hướng làm đẹp mới.

Gọt hàm đang là phương pháp làm đẹp khá phổ biến trong mấy năm trở lại nay.

Không đơn giản như các phương pháp tiểu phẫu khác, gọt xương hàm là một cuộc phẫu thuật phức tạp. Vì nó tác động trực tiếp vào cấu trúc xương, dùng loại dao chuyên dụng gọt những đường viền hàm thô cứng, tạo khung xương hàm mới.

Cấu trúc chính tạo nên khuôn mặt là bởi các xương: Xương hàm dưới, xương gò má, xương cằm, xương trán, xương hàm trên. Sự kết hợp hài hòa giữa các xương này tạo nên một khuôn mặt hài hòa, cân đối. Ngược lại, nếu có bất thường về kết cấu hay sự phát triển quá mức của một trong các xương trên sẽ tạo khuôn mặt góc cạnh, khuôn mặt thô.

Mỹ nhân Lee Da Hae sở hữu góc hàm thô và kém thanh thoát trước khi phẫu thuật.

Thông thường, phẫu thuật gọt hàm có 2 phương pháp chủ yếu đó là: gọt hàm đường viền ngoài và gọt hàm đường viền trong. Cả hai đều có những ưu, nhược điểm khác nhau tuy nhiên, việc gọt hàm đường viền trong vẫn được xem là tân tiến hơn khi không để lại sẹo và đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Tuy nhiên, vì vết rạch trong khoang miệng khá lớn nên khả năng vệ sinh, sát trùng cũng gặp chút khó khăn.

Ngoài ra, giá thành cho một cuộc phẫu thuật gọt xương hàm cũng rất được nhiều người quan tâm. Một con số không hề rẻ, từ 60-100 triệu đồng cho một lần phẫu thuật.

Rất nhiều người thắc mắc, việc gọt xương hàm như thế liệu sau này xương hàm có mọc lại như cũ không? Trao đổi về vấn đề này, bác sỹ thẩm mỹ Nguyễn Phan Tú Dung cho rằng: “Quan niệm và nỗi lo sợ xương sẽ mọc lại sau phẫu thuật là hoàn toàn không có cơ sở. Vùng xương sau khi cắt đi sẽ liền lại và trở nên bình thường. Tuy nhiên, có những biến chứng có thể xảy ra như: vùng da quanh phẫu thuật dễ bị lão hóa, chảy xệ do da thường bám vào mô cơ trên xương; dễ bị méo mặt vì trong quá trình phẫu thuật tác động vào dây thần kinh; để lại sẹo nếu phẫu thuật gọt hàm viền ngoài…"

"Mỹ nữ thẩm mỹ" xứ Han Lee Ah Joong với gương mặt cứng đơ sau phẫu thuật gọt hàm.

Chưa kể, bệnh nhân có thể mắc phải các biến chứng như tai biến do gây mê, chảy máu sau phẫu thuật, thiếu xương, hụt xương gây dị dạng gương mặt, nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh vùng mặt… thậm chí còn có thể bị liệt dây thần kinh vùng mặt. Điều này gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến vẻ đẹp của khuôn mặt, hoạt động của các giác quan trên khuôn mặt và nhất là sức khỏe của cơ thể.

Và trước đây, có bệnh nhân T.T.Đ (38 tuổi) trú tại Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh đã nhập viện trong tình trạng giảm oxy máu, suy hô hấp, vùng sàn miệng phù nề, được bác sĩ mở nội khí quản tại giường do biến chứng trong quá trình phẫu thuật gọt hàm tại một cơ sở thẩm mỹ.

Hay nặng nề hơn, như người đẹp Vương Bối (sinh năm 1986)- một ngôi sao giải trí Hoa ngữ từng đã nhận cái kết đau lòng khi gọt xương quai hàm. Theo một số nguồn tin, trong lúc Vương Bối thực hiện ca phẫu thuật gọt cằm, máu bất ngờ trào ra, thông qua thanh quản mà chảy vào khí quản dẫn đến nghẹt thở.

Nguyên Bảo (Tổng hợp)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dep/giai-dap-noi-so-hai-xuong-moc-lai-sau-got-mat-917626.html