Giải đáp nhiều vấn đề 'nóng' trong lĩnh vực giáo dục của Thủ đô

Chiều 7-7, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, nhiều vấn đề nóng đã được quan tâm, giải đáp như: Tuyển sinh lớp 10 THPT; chất lượng dạy học sau dịch Covid-19; áp dụng SGK mới…

Học sinh được đào tạo nghề sớm, giảm áp lực kỳ thi

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ thi xét tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 trên địa bàn Hà Nội dự kiến xét tốt nghiệp THCS khoảng hơn 104 nghìn học sinh. Trong đó, số học sinh đăng ký dự thi là 88.928 học sinh.

Vấn đề báo chí đặt ra là còn 15 nghìn học sinh không được tuyển vào hệ công lập sẽ đi đâu? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Kỳ thi xét tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 trên địa bàn Hà Nội dự kiến xét tốt nghiệp THCS khoảng hơn 104 nghìn học sinh. Trong đó, số học sinh đăng ký dự thi là 88.928 học sinh, còn khoảng 15 nghìn học sinh không đăng ký dự thi THPT, tăng gần 5 nghìn học sinh so với năm học vừa rồi.

Những học sinh này đã đăng ký xét tuyển vào dân lập theo phương án xét tuyển từ kết quả học tập rèn luyện từ THCS. Đây là phương án rất đúng đắn của ngành GD&ĐT Hà Nội giúp học sinh được tiếp cận với các nhà trường, giảm đi áp lực của kỳ thi, tạo điều kiện, cơ hội học tập rất lớn cho học sinh vào các trường THPT.

Bên cạnh đó, có khoảng 7% các em có nguyện vọng dự xét tuyển vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tại Hà Nội (29 trung tâm). Số còn lại là 38 trường trung cấp chuyên nghiệp có tuyển học sinh học hết THCS đào tạo nghề đồng thời liên kết giảng dạy văn hóa với trung tâm giáo dục thường xuyên.

“Như vậy các em được đào tạo nghề sớm, khi nhận bằng nghề các em cũng được đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT. Đây là chủ trương lớn không chỉ của TP mà của ngành giáo dục cả nước, phân luồng đối tượng học sinh tham gia đào tạo nghề trên cả nước. Con số sẽ vào công lập của Hà Nội theo chủ trương chung của TP sẽ đáp ứng khoảng trên 62% tốt nghiệp THCS sẽ vào trường công lập khoảng 64 nghìn học sinh chưa tính trường THPT công lập tự chủ tài chính”, ông Phạm Quốc Toản nhấn mạnh.

Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội trả lời báo chí tại Hội nghị. Ảnh: V.H

Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội trả lời báo chí tại Hội nghị. Ảnh: V.H

Đảm bảo chất lượng đầu ra

Về chất lượng dạy và học sau dịch Covid-19, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ngay sau khi học sinh nghỉ học thực hiện giãn cách xã hội, theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Sở đã tham mưu và xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trên truyền hình, internet với tất cả các cấp học trên địa bàn Hà Nội. Đến ngày 9-3 đã phát sóng chương trình dạy học trực tiếp trên đài PTTH Hà Nội của Sở GD&ĐT Hà Nội. Cùng đó, chia sẻ nội dung dạy học trên truyền hình cho 12 tỉnh.

Đội ngũ giáo viên được lựa chọn là cán bộ có năng lực, uy tín, kinh nghiệm và là giáo viên giỏi tiêu biểu. Việc chuẩn bị cho các bài giảng trên truyền hình công phu, kỹ càng, đón nhận được sự tham gia của đông đảo các em học sinh và các thầy, cô giáo. “Chúng tôi xác định đây là hình thức học tập rất hiệu quả trong quá trình thực hiện dạy trực tuyến cho các em học sinh”.

Song song đó, hệ thống Hà Nội Study được hoàn thiện, cung cấp toàn bộ nội dung bài học, nội dung câu hỏi ôn tập để cung cấp cho các em học sinh từ lớp 2-12 tham gia học trực tuyến trên hệ thống này. Đây là một trong những hình thức học rất hữu hiệu, cung cấp cho học sinh từng bài học, từng chương, từng học kỳ và cả năm học để học sinh tiếp nhận chương trình học thường xuyên, không bị giãn cách.

Khi thực hiện giãn cách xã hội, lần lượt cán bộ giáo viên vẫn đến Đài PTTH Hà Nội để thực hiện ghi âm, phát sóng. Đồng thời, chỉ đạo 100% trường phổ thông xác định xây dựng bài giảng từ giáo viên để tổ chức dạy học trực tuyến với tất cả học sinh ở các cấp học, giúp học sinh không bị gián đoạn trong quá trình học. “Đến thời điểm các em quay lại trường các em vẫn đảm bảo chương trình dạy và học theo quy định của Bộ GD&ĐT”, ông Minh nhấn mạnh.

Để kết hợp học trực tuyến với học trực tiếp, Sở đã chỉ đạo sau khi học sinh quay trở lại trường thì rà soát lại toàn bộ quá trình học trực tuyến từ dạy trên truyền hình, dạy online, học qua Hà Nội Study xem học sinh từng khối, từng lớp còn yếu, còn thiếu ở đâu thì các thầy cô có trách nhiệm phụ đạo, bồi dưỡng để đảm bảo khi kết thúc học kỳ 2 đảm bảo kiến thức với từng cấp. “Chúng tôi khẳng định, kết thúc năm học 2019-2020 học sinh của TP Hà Nội vẫn đảm bảo chuẩn đầu ra theo khối lớp quy định về chương trình của Bộ GD&ĐT sau khi đã thực hiện tinh giảm”, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông nói.

Nếu tình hình dịch có thể diễn biến bất ngờ thì với kinh nghiệm và nền tảng có sẵn thì toàn bộ hệ thống bài giảng trên Hà Nội Study, bài giảng trên truyền hình đang tiếp tục được củng cố vẫn có thể cung cấp cho học sinh đạt yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình.

Về việc thực hiện Luật Giáo dục với 5 bộ SGK, để đảm bảo học sinh tiếp nhận nội dung hiệu quả, Sở đã phối hợp tổ chức tập huấn SGK cho cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp dạy lớp 1. Các nhà xuất bản tập huấn để giáo viên nắm vững toàn bộ yêu cầu về nội dung, kiến thức, chuẩn kiến thức kỹ năng của SGK với từng bài, từng chương, từng nội dung kiến thức trong bộ SGK đó để thực hiện dạy và học theo SGK mà các thầy cô, học sinh đã lựa chọn.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/giai-dap-nhieu-van-de-nong-trong-linh-vuc-giao-duc-cua-thu-do-200826.html