Giải đáp kiến nghị cử tri: Ngành Tài chính thẳng thắn, không né tránh vấn đề 'nóng'

Thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất trái thẩm quyền, cho phép ghi nợ sử dụng đất tràn lan, tình trạng thu các Quỹ ngoài ngân sách nhiều,… là những vấn đề gây bức xúc trong dư luận và cử tri nhiều năm qua. Bộ Tài chính đã có những giải đáp thấu đáo và thẳng thắn về vấn đề này.

Có tình trạng các hộ dân không chịu nộp tiền sử dụng đất để lấy Giấy chứng nhận. Ảnh: ST

Có tình trạng các hộ dân không chịu nộp tiền sử dụng đất để lấy Giấy chứng nhận. Ảnh: ST

Phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất

Một vấn đề được cử tri ở Yên Sở, Tuyên Quang phản ánh là bất cập trong thực hiện thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất trái thẩm quyền và trường hợp công nhận quyền sử dụng đất được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất.

Tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn còn 845 hộ đã lập hồ sơ nhưng nhân dân không thực hiện, còn 143 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp nhưng không nhận vì không chấp nhận nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện phức tạp tại địa phương.

Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho hay: Nguyên tắc của việc tính thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất (cấp Giấy chứng nhận) phải căn cứ vào nguồn gốc sử dụng đất; cụ thể: có giấy tờ, không có giấy tờ, được giao đất đúng thẩm quyền hay giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật, thời gian bắt đầu sử dụng đất,…

Vì vậy, Nghị định số 45 đã quy định cụ thể về thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất đã sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993 mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất đã sử dụng ổn định từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004 mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất ở có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 (Điều 8). Trong đó tại Điều 8 quy định thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất và trường hợp không có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất,… Quy định này đảm bảo công bằng giữa các trường hợp sử dụng đất, nghĩa vụ với Nhà nước của người sử dụng đất.

Thu hẹp đối tượng để tránh ghi nợ dàn trải

Cũng liên quan đến tiền sử dụng đất, cử tri Bình Dương đề nghị Chính phủ xem xét nới rộng đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất bởi năm 2019, Chính phủ đã sửa quy định, trong đó thu hẹp diện đối tượng. Theo cử tri, quy định này gây nhiều khó khăn cho các hộ gia đình, nhất là những hộ tuy không phải là hộ nghèo nhưng còn nhiều khó khăn.

Theo Bộ Tài chính, để giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện Điều 16 về ghi nợ tiền sử dụng đất tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất mà các địa phương, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân phản ánh như: Còn tình trạng cho ghi nợ tràn lan tại các địa phương, không xác định được cụ thể thế nào là có khó khăn về tài chính, lạm dụng chính sách để được hỗ trợ trước hạn,… Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26/10/2019 sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP với quy định đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất là những hộ gia đình, cá nhân thực sự có khó khăn về tài chính. Đó là người có công với cách mạng; hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Việc xác định người có công với cách mạng được thực hiện theo quy định của pháp luật về người có công. Việc xác định hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số hoặc hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bộ Tài chính cho rằng quy định nêu trên được đa số các địa phương, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân đồng tình vì đã khắc phục những bất cập tại Nghị định số 45.

Hầu hết Quỹ ngoài ngân sách là đóng góp tự nguyện

Một vấn đề khác được cử tri Đà Nẵng nêu ra là xem xét bỏ những khoản thu mang tính chất vận động tại khu dân cư như: Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ vì người nghèo, Quỹ chăm sóc người cao tuổi... bởi lẽ, so với sự phát triển kinh tế hiện nay thì khoản thu này không đáng kể, không công bằng, người đi thu cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Giải thích rõ về các Quỹ này, Bộ Tài chính cho hay: Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, được thành lập trên cơ sở Luật Phòng, chống thiên tai; Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai. Nguồn thu của quỹ là khoản đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế và công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên; mức đóng theo quy định tại Nghị định 94; mục đích thành lập quỹ để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai. Hiện nay, quỹ được thành lập ở nhiều địa phương. Nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 10 của Luật Phòng, chống thiên tai, do đó, việc bãi bỏ khoản thu này trên phạm vi cả nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Chia sẻ thêm, Bộ Tài chính cho hay, ngày 22/10/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết trong đó yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và xem xét, sáp nhập để giảm đầu mối. Triển khai chỉ đạo này, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng nghĩa rằng, Đà Nẵng nói riêng và các địa phương nói chung sẽ tự đánh giá thực tế hoạt động của Quỹ và xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Các Quỹ khác như Quỹ vì người nghèo, Quỹ chăm sóc người cao tuổi ở địa phương là các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, nhân đạo hoạt động theo quy định của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Về nguyên tắc, các khoản đóng góp cho các quỹ này trên tinh thần tự nguyện, không mang tính bắt buộc; tùy theo quy mô, phạm vi hoạt động của Quỹ sẽ do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cấp giấy phép hoạt động.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/giai-dap-kien-nghi-cu-tri-nganh-tai-chinh-thang-than-khong-ne-tranh-van-de-nong-127201-127201.html