Giải Đặc biệt cuộc thi âm nhạc Quốc tế Phan Trung Kiên: Chiến thắng có trong kế hoạch

Giọng bass Phan Trung Kiên vừa bất ngờ giành giải Đặc biệt cuộc thi âm nhạc Quốc tế mang tên Kyushu music concour 2018 tổ chức tại Nhật Bản, tháng 3/2018. Có một điều đặc biệt hơn, Phan Trung Kiên đã nén nỗi buồn khi biết tin ông nội mất ngay trong những ngày thi này.

Ca sĩ 9x Phan Trung Kiên (ảnh nhân vật cung cấp).

Vượt qua hơn 1.000 thí sinh

Khá bất ngờ với công chúng khi nhận tin Phan Trung Kiên đoạt giải một cuộc thi âm nhạc Quốc tế tại Nhật Bản...

- Thực ra đây là kế hoạch đã có từ năm trước, sau khi Phan Trung Kiên tham dự cuộc thi “Festival châu Á - Thái Bình Dương 2017” tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc) cuối tháng 8/2017 và đoạt Cúp Vàng. Cũng từ thành công ở cuộc thi này mà sau đó Phan Trung Kiên được giới thiệu tới một giáo sư Nhật Bản thông qua Trung tâm âm nhạc PPS (Piano for Primary School), một trung tâm âm nhạc uy tín với sự tham gia của nhiều thầy cô Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ khi biết đến Concour, Phan Trung Kiên đã xác định tham dự chỉ để học hỏi nên cũng chỉ đi trong âm thầm (cười). Bởi đây là một cuộc thi tổ chức tại một trong những nước có nền âm nhạc hàn lâm phát triển nhất châu Á, hơn nữa đây là concour mang đậm tính hàn lâm chứ không phải một cuộc thi âm nhạc thông thường.

Phan Trung Kiên có chia sẻ thêm về cuộc thi Kyushu music concour?

- Concour được tổ chức hằng năm tại Kumamoto, Nhật Bản, dành cho các tài năng nghệ thuật âm nhạc hàn lâm thuộc các lứa tuổi. Concour được chia thành nhiều bảng như: Piano, thanh nhạc... Đồng thời chia thành nhiều lứa tuổi khác nhau như dưới 18 tuổi và từ 18 đến 25. Năm nay có tất cả hơn 1000 thí sinh tham dự các bảng thi, các thí sinh đến từ nhiều nơi trên thế giới, nhiều nhất là các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Concour năm nay tổ chức trong khoảng 10 ngày tại nhiều phòng hòa nhạc khác nhau trong thành phố Kumamoto. Với các tài năng trẻ nhiều nước châu Á, concour đã là một cái tên quen thuộc vì đây là lần thứ 20 concour được tổ chức.

Giọng bass mặc dù được đánh giá là quý và hiếm so với đặc điểm tiếng nói và giọng hát của người Việt Nam chúng ta. Nhưng dường như, cũng không có nhiều tác phẩm thanh nhạc viết cho giọng bass mà hội tụ đủ các yếu tố để “khoe” hết kỹ thuật của người hát?

- Cũng không hẳn như vậy. Đúng là so với các loại giọng như tenor (nam cao), soprano (nữ cao), thì các loại giọng trung trầm không có nhiều tác phẩm bằng, trong khi phần khoe kỹ thuật của giọng hát cũng không nhiều bằng. Tuy nhiên, nếu nói về các tác phẩm thanh nhạc cổ điển, các aria trong các vở nhạc kịch dành cho giọng bass cũng tương đối phong phú, vấn đề là làm sao để hoàn thiện phần kỹ thuật để có thể thể hiện được những tác phẩm đó thôi. Bản thân Phan Trung Kiên vẫn đang nỗ lực phấn đấu để có thể chinh phục được nhiều những tác phẩm như vậy.

Điều gì tạo nên bất ngờ khiến cho các vị giám khảo lại có ấn tượng với Phan Trung Kiên trong buổi thi quyết định?

- Hội đồng giám khảo có 4 giáo sư uy tín của Nhật Bản. Ngay từ khi theo học thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với NSƯT Đỗ Quốc Hưng, Kiên đã được thầy hướng tới những tác phẩm có thể phát huy được lợi thế của giọng nam trầm đầy đặn, kịch tính và trữ tình nội tâm. Tại Concour lần này, thầy đã chọn tác phẩm “Dormiro sol nel manto mio regal” của nhà soạn nhạc Giuseppe Verdi, một tác phẩm thiên về nội tâm để thể hiện trong buổi thi mang tính quyết định. Rất may mắn là cả 4 vị giám khảo đều có cảm tình với phần thể hiện của Phan Trung Kiên, có lẽ như vậy nên chung cuộc ngoài giải Nhất - Cúp Vàng được trao cho 7 thí sinh thì riêng chỉ có mình Kiên được trao giải Đặc biệt.

Vừa thi vừa nhớ ông nội

Gia đình vẫn luôn là những người ủng hộ Phan Trung Kiên theo dòng nhạc hàn lâm này nhất?

- Vâng, đúng thế. Theo học thanh nhạc đồng nghĩa với việc phải chấp nhận khó khăn, thử thách mà có thể sẽ không mang lại kết quả như mong muốn. Bởi hát thanh nhạc đòi hỏi người học phải kiên trì với những yếu cầu ngày càng cao trong các bài tập rèn luyện giọng hát cũng như nhiều kỹ năng khác. Trong khi nếu có thành công thì cơ hội được biểu diễn, được đông đảo mọi người, nhất là khán giả trẻ biết đến là điều rất khó đạt được trong nghệ thuật mang tính hàn lâm này. Vì vậy, nếu không được gia đình ủng hộ Phan Trung Kiên nghĩ người học sẽ rất có thể bị lung lay tư tưởng và thậm chí sẽ khó theo đuổi đến cùng sự đam mê của mình. Phan Trung Kiên may mắn vì có được gia đình, ông bà nội ngoại và cả bố mẹ, các bác các cô chú đều ủng hộ. Luôn sát cánh bên Kiên, động viện khích lệ Kiên trong từng bước đi.

Được biết chuyến đi tham dự Concour lần này của Phan Trung Kiên hết sức đặc biệt, vì ngoài vinh quang mà Kiên đạt được thì còn có chuyện buồn của gia đình?

- Vâng. Hôm Kiên ra sân bay để lên đường sang Nhật Bản dự thi thì cũng là hôm ông nội của Kiên mất. Cả nhà đã dấu không cho Kiên biết. Hôm đó theo lịch cả bố mẹ sẽ đưa Kiên ra sân bay vào lúc 5 giờ chiều, nhưng rồi bố mẹ có việc phải về Lạng Sơn gấp. Mãi khi Kiên đã đến Nhật Bản, khi máy bay vừa hạ cánh, gọi điện facetime cho mẹ thì thấy mẹ mặc áo tang, lúc đấy mẹ mới nói ông mất rồi. Mẹ động viên Kiên vững vàng và thi thật tốt. Lúc đó Kiên tắt máy đi luôn, tính Kiên tình cảm và sợ mẹ nhìn thấy Kiên khóc.

Cảm giác của Phan Trung Kiên lúc đó như thế nào?

- Kiên cảm thấy ân hận quá! Nhà có chuyện mà mình không về được. Cứ nghĩ tới ông nội là Kiên chảy nước mắt. Kiên ở với ông từ ngày còn bé tí nên tình cảm dành cho ông càng nhiều. Kiên chỉ mong muốn được về thắp hương cho ông. Xin lỗi ông bà là cháu không thể về được. Thực ra ông đã mệt từ trước đó. Ngay trước hôm đi thi Kiên đã về thăm ông. Hôm đó ông còn không nhận ra Kiên nhưng Kiên vẫn báo với ông là “Cháu đi thi ở Nhật ông ạ. Ông đợi cháu đi thi về rồi về quê chơi với ông nhé!”

Việc của ông nội có ảnh hưởng tới phần dự thi của Phan Trung Kiên?

- Có chứ! Vừa thi vừa chỉ muốn khóc, mũi và họng thì có cảm giác nghẹn lại, nhưng Kiên lại nghĩ thôi thì đã đến đây rồi thì quay về cũng phải có gì để báo cáo với ông bà cho xứng đáng. Vậy là lại nén hết cảm xúc để thể hiện. Năm phút trên sân khấu hôm đó đối với Phan Trung Kiên có lẽ là không bao giờ quên được.

Cảm ơn Phan Trung Kiên về cuộc trò chuyện!

Phan Trung Kiên sinh năm 1995 tại Lạng Sơn, bắt đầu học thanh nhạc từ năm 2013, hiện là sinh viên năm thứ Nhất tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tháng 8/2017, anh đoạt Cúp Vàng tại “Festival châu Á - Thái Bình Dương 2017” tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc) cuối tháng 8/2017. Tháng 10/2017, anh giành giải Nhất hội thi “Tài năng trẻ học sinh sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc” diễn ra tại Nha Trang, Khánh Hòa. Cũng tháng 10/2017, Phan Trung Kiên phát hành MV “Hà Nội mười hai mùa hoa” của nhạc sĩ Giáng Son do Nguyễn Nhật Giang làm đạo diễn, thu hút lượt xem “khủng” trên Youtube sau 1 tuần phát hành.

Thành Nam (thực hiện)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/giai-dac-biet-cuoc-thi-am-nhac-quoc-te-phan-trung-kien-chien-thang-co-trong-ke-hoach-20180327083702357.htm