Giải cứu phim Việt trước 'Cuộc chiến Vô cực': Đến hẹn lại hô hào?

Màn tung hoành của bom tấn 'Avengers: Cuộc chiến Vô cực' tại Việt Nam trước sự thất thế của 'Lật mặt 3' và '100 ngày bên em' lại làm dấy lên cuộc tranh luận 'giải cứu phim Việt'.

Chỉ 5 ngày công chiếu, Avengers: Infinity War đã đạt cột mốc 100 tỷ đồng, tốc độ nhanh nhất trong lịch sử phim chiếu rạp Việt Nam. Hậu quả, 2 phim Việt Lật mặt 3100 ngày bên em trở thành những “con châu chấu đá xe”.

Những ngày qua, có cụm rạp xếp lịch chiếu bom tấn Marvel đến gần 50 suất/ngày, trong khi 2 phim Việt chỉ có vài suất chiếu vào các khung giờ xấu (sáng sớm hoặc khuya).

Avengers: Infinity War đạt doanh thu 100 tỷ đồng tại Việt Nam chỉ sau 5 ngày công chiếu. Ảnh: Marvel Studios.

Avengers: Infinity War đạt doanh thu 100 tỷ đồng tại Việt Nam chỉ sau 5 ngày công chiếu. Ảnh: Marvel Studios.

Đã có nhiều lời kêu gọi rằng cần phải bảo hộ phim Việt trước sự “xâm lấn” của các bom tấn Hollywood. Một chính sách bảo hộ, nếu có, chắc chắn sẽ là niềm vui với các nhà làm phim Việt. Những “đứa trẻ điện ảnh” Việt sẽ có cơ hội đứng vững, tập đi và tập chạy chứ không bị những đứa lớn xô té sấp mặt.

Không ai muốn kinh doanh để lỗ

Nhưng trước khi hình dung điều đó, có bao nhiêu người trong chúng ta nghĩ đến vai trò của phía kinh doanh cụm rạp? Họ sẽ được lợi gì? Cụm rạp quyết định việc xếp lịch chiếu của một bộ phim. Họ dựa trên nhu cầu của khán giả để quyết định số suất chiếu, giờ chiếu với những bộ phim hay hoặc dở nhằm đảm bảo doanh thu cao nhất.

Trong một nền kinh tế thị trường, miễn là thứ gì không phạm pháp thì họ có quyền làm và dĩ nhiên chẳng ai muốn kinh doanh để lỗ. Nhất là khi số tiền đầu tư ban đầu cho mỗi cụm rạp ít nhất là 40 tỷ đồng, có khi lên đến cả 100 tỷ đồng mà khả năng sinh lời thì phải 5 năm sau đó mới biết được.

Từ rất lâu trước đó, người viết đã từng đề cập đến ý tưởng để cho phim Việt có đất sống, trước hết hãy tập trung vào chính sách giá vé. Tức là bằng cách nào đó kéo giảm giá vé phim Việt thấp hơn khoảng 20-30% so với giá vé phim ngoại nhập thì may ra sẽ hấp dẫn khán giả trẻ.

Đó là đối tượng chiếm đến khoảng 70% lượng người ra rạp. Đối với khán giả trẻ, giá tiền là một yếu tố quan trọng quyết định hành vi tiêu dùng. Hoặc nếu so với giá vé các nước trong khu vực đang cao hơn Việt Nam thì hãy tăng giá vé phim ngoại nhập lên, giữ nguyên mức giá phim Việt như hiện tại.

100 ngày bên em gặp nhiều khó khăn khi đối đầu trực diện với bom tấn Marvel. Ảnh: Galaxy.

Trở lại với câu chuyện cụm rạp. Tất yếu người kinh doanh ai cũng mong mỗi suất chiếu của cụm rạp đều lấp đầy ít nhất 60% trở lên. Và nếu còn hơn thế nữa, đến mức 80-90% bất kể khung giờ chiếu là vào sáng sớm, trưa, đầu giờ chiều hay buổi tối thì là lý tưởng.

Ví dụ, nếu Việt Nam áp dụng chính sách hạn chế không quá 50% số suất chiếu dành cho một bộ phim (dù nó ăn khách, lấp đầy 100% số ghế của mỗi suất chiếu) để cứu các bộ phim Việt (cho dù tỷ lệ lấp đầy số ghế trong rạp của chúng chỉ chiếm dưới 40%)… thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tổng doanh thu của rạp.

Vậy nếu để rạp không bị ảnh hưởng về doanh thu (cả về việc thay đổi giá vé lẫn việc áp đặt suất chiếu) mà vẫn đảm bảo cân đối việc chiếu phim Việt, không bị đánh bại tơi tả ngay trên sân nhà thì phải tính đến việc giúp cho cụm rạp không bị ảnh hưởng doanh thu bằng các ưu đãi.

Và giờ thì chúng ta hãy cũng nhau đặt ra những câu hỏi: Hiện tại ở Việt Nam có một quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nào đó dành cho các nhà sản xuất tư nhân (bỏ qua câu chuyện phim nhà nước) từ cấp quản lý?

Đừng chỉ hô hào “người Việt ủng hộ hàng Việt”

Có một nguồn vốn vay ưu đãi dài hạn nào dành cho các nhà đầu tư cụm rạp? Có cơ chế tài chính nào hỗ trợ cho những rạp ưu tiên chiếu phim Việt nhiều hơn phim ngoại nhập?

Có chính sách nào đó giúp phim Việt tiếp cận khán giả nhiều hơn? Có phương án nào đó từng được đưa ra ở cấp quản về việc hỗ trợ về thủ tục cấp phép, hỗ trợ phát hành cho phim Việt so với phim ngoại nhập?

Chắc chắn chưa có câu trả lời nào cho những câu hỏi trên. Chúng ta đang hô hào bảo vệ phim Việt nhưng không có giải pháp đi kèm phía sau những câu nói suông kiểu “Người Việt ủng hộ hàng Việt”.

Phim ảnh cũng chỉ là một sản phẩm tiêu dùng... Tuy nhiên, nó lại cũng rất khác với các sản phẩm khác vì có yếu tố văn hóa rất rõ trong đó. Chúng ta đang nói nhiều về những cuộc “xâm lăng văn hóa” ở mức càng lúc càng khốc liệt của điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc… và nó sẽ vẫn còn tiếp diễn ở mức độ cao hơn nữa.

Vậy để ngăn chặn nó, chúng ta đừng yêu cầu người kinh doanh hãy yêu phim Việt, khán giả hãy yêu phim Việt. Xin lỗi chúng ta đang có quá nhiều phim dở…

Lật mặt 3 có chút lợi thế là chiếu trước Avengers: Infinity War. Ảnh: CGV.

Thay vào đó, chúng ta nên yêu cầu cấp quản lý xây dựng nên những chính sách giúp phim Việt được đứng vững trên thị trường bất chấp sự tăng trưởng hàng năm của phim ngoại nhập.

Thực tế trong những ngày qua, khi Avengers: Infinity War bùng nổ tại các rạp chiếu, chúng ta chỉ một hình ảnh trái ngược. Đó là mọi người đang ra sức kêu gọi “giải cứu phim Việt” bằng cách trách mắng các nhà đầu tư rạp không biết “thương yêu nòi giống”.

Hãy thành thật với nhau, nếu là một người chủ cụm rạp chiếu phim - giữa lúc cộng đồng khí thế ngút trời về việc “giải cứu phim Việt” - bản thân bạn sẽ làm gì? Đó là tiền mồ hôi nước mắt mà bạn bỏ vào, chẳng ai giúp bạn bất cứ điều gì (nếu có vay ngân hàng để đầu tư thì vẫn phải trả lãi suất giống như bao người khác).

Khi đó, bạn sẽ chọn chiếu phim ngoại nhập với tỷ lệ lấp đầy suất chiếu rất cao để gia tăng lợi nhuận hay chiếu phim Việt với tỷ lệ lấp đầy trung bình thấp hơn rất nhiều?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nguyễn Phong Việt, nhà báo hoạt động tự do trong lĩnh vực điện ảnh.

Khán giả nói gì về 'Avengers: Cuộc chiến vô cực' sau ngày ra mắt? Khán giả TP.HCM đưa ý kiến trái chiều về "Avengers: Cuộc chiến vô cực" sau ngày ra mắt đầu tiên.

Nguyễn Phong Việt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/giai-cuu-phim-viet-truoc-cuoc-chien-vo-cuc-den-hen-lai-ho-hao-post839071.html