Giải cứu nông sản kiểu 'độc, lạ' ở Lạng Sơn

Tháng ba, khi cánh đào rụng rơi xuống đất, trời nắng nhưng ẩm nồm làm vạn vật sinh sôi, phát triển. Dịp này, các loại rau mơn mởn ở xứ Lạng được mùa xanh tốt. Trong niềm vui được mùa song xen lẫn nỗi lo vì rau ế, khiến cho người dân địa phương tìm mọi cách tiêu thụ, giúp người trồng rau đỡ bị thua thiệt.

Chế biến món “Mảy Nhừng” bằng bắp cải

Chế biến món “Mảy Nhừng” bằng bắp cải

Chủ tịch huyện “giải cứu” rau

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh vị chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, ông Hoàng Văn Chiều gánh hai sọt rau bắp cải trên vai kèm theo lời thỉnh cầu của vị lãnh đạo huyện: “Chủ tịch huyện chỉ gánh vác được một vai, mong mọi người giải cứu giúp nông dân huyện Lộc Bình”.

Đất đai phì nhiêu, rau bắp cải và nhiều loại rau khác ở huyện Lộc Bình rơi vào tình cảnh “bí đâu ra”, bà con như ngồi trên đống lửa bởi dịch bệnh COVID-19, rau không bán được, để không trắng đồng. Trong khí đó, tại địa phương này, hiện có hàng trăm tấn rau đang vào mùa vụ mà không có người mua.

Chị Hồng Nương, phóng viên đài PTTH Lạng Sơn cùng các đồng nghiệp thực hiện phóng sự về “món ngon xứ Lạng: Bánh “Mảy Nhừng”, đã mất ăn, mất ngủ hàng tuần. Chị Nương san sẻ: “Ngoài việc rau cải bắp để xào và luộc rất ngon, mát, bổ dưỡng thì loại rau này cũng có thêm một món “giải cứu tuyệt hảo”. Chi Đoàn đài PTTH Lạng Sơn lên kế hoạch và thực hiện việc tiêu thụ rau cho đồng bào các dân tộc huyện Lộc Bình trong các ngày nghỉ cuối tuần. Giá bán cũng rất “hữu nghị” được niêm yết công khai: “Rau bắp cải 10 ngàn đồng/3 cây bắp cải to”.

Chị Hồng Nương cho biết: “Trong ngày nghỉ thứ bảy, chúng tôi đã bán được trên 1,2 tấn rau, chủ yếu là rau bắp cải. Ngày chủ nhật tiếp theo, mọi người tích cực ủng hộ, chúng tôi sẽ tiêu thụ cho người dân Lộc Bình nhiều hơn. Nhờ việc mọi người học tập nhau làm bánh “Mảy Nhừng” nên sản lượng tiêu thụ rất khá, hơn hẳn các loại rau khác”

Bánh “Mảy Nhừng” làm từ bắp cải

Chúng tôi đến thôn Pò Lèn, một thôn nằm gọn bên kia bờ sông Kỳ Cùng thuộc thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Nơi đây, có một sản vật riêng có, rất độc đáo, đó là món “Mảy Nhừng”. Đây là loại bánh kết hợp giữa các nguyên liệu chính: bột gạo, nhân bánh, bắp cải. Món ăn này được người dân chế biến, sử dụng nhiều trong những ngày đầu xuân năm mới, ngày hội Háng Đắp ở thị trấn Lộc Bình diễn ra vào ngày 30 tháng Giêng hằng năm, hoặc dịp tiết thanh minh mùng 3 tháng 3 âm lịch.

Bà Lý Thị Loọc, dân tộc Tày, năm nay ngoài 80 tuổi song vẫn còn tinh anh và khỏe mạnh. Dù là khách lạ nhưng bà vẫn sởi lởi sai con cháu đón tiếp chu đáo, chân tình. Bà nhanh nhẹn dẫn chúng tôi xuống bếp, chỉ cho thấy các nguyên liệu làm bánh “Mảy Nhừng”. Giọng bà bỗng sảng sảng: “Nguyên liệu để chế biến ra món bánh cũng khá phong phú, tùy theo khẩu vị và điều kiện của mỗi gia đình, nhưng những nguyên liệu chính không thể thiếu đó là: bột gạo tẻ, lá bắp cải, rau mùi tàu, hành củ. Công đoạn chuẩn bị làm bánh cũng lắm công phu. Trước hết gạo làm bánh, phải là gạo bao thai ngon được gieo trồng ở vùng đất xứ Lạng để dành từ vụ mùa năm trước, ngâm nước với tỷ lệ 1,5 kg gạo hòa với 20 lít nước từ 2 – 5 giờ hoặc có thể ngâm từ đêm hôm trước đến sáng sớm hôm sau đem xay thành bột nước. Xay bột phải lưu ý cho lượng nước và gạo vừa phải. Gạo càng ngâm được nhiều giờ thì bột sẽ càng mịn và khi khuấy chín cùng các gia vị khác bột sẽ dẻo, bánh sẽ ngon hơn.

Bà Loọc giơ một cây bắp cải trước mặt rồi cho những bí quyết: Muốn có được chiếc bánh “Mảy Nhừng” đẹp mắt, chú ý chọn loại bắp cải cuộn chặt, có hình hơi dẹt, lá cải to, mỏng, dễ gói. Sau khi rửa sạch, khoét bỏ cuộng cải rồi đem luộc chừng 15 phút. Nước ngấm đều qua các kẽ lá, giúp cho lá bắp cải vừa mềm mà không bị rách nát.

Trước đây, vỏ bánh chủ yếu làm từ bẹ củ măng tre, măng vầu hoặc măng mai, ngày nay, các loại măng này khá hiếm nên người dân Lộc Bình làm vỏ bánh bằng lá bắp cải. “Mảy Nhừng” là món ăn chế biến khá cầu kỳ và mất nhiều công đoạn, nếu một mình chế biến sẽ rất vất vả mà lại không có được chiếc bánh thơm ngon ưng ý, vậy nên người Lộc Bình cứ những lúc nông nhàn là cả gia đình lại cùng nhau làm bánh. Bên bếp lửa ấm nồng họ vừa làm bánh vừa chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống”. Bà Loọc tiết lộ bí quyết bấy lâu nay của gia đình.

Đi chơi hội Háng Đắp của huyện Lộc Bình, tôi được mọi người, mọi nhà ở địa phương mời chơi hội, ăn món đặc sản “Mảy Nhừng”. Quả thật, trong bộn bề cuộc sống, có khoảnh khắc bình yên hòa mình với thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống giản dị của người dân nơi đây, thưởng thức các món ăn dân dã làm chúng tôi cảm thấy thư thái, tràn đầy năng lượng. Tôi thầm yêu thích và cảm ơn về món ăn độc lạ đậm đà bản sắc dân tộc, đầy ắp tình người!”.

[ NGUYỄN DUY CHIẾN ]

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/giai-cuu-nong-san-kieu-doc-la-o-lang-son-1809795.tpo