Giải cứu ngành mía - đường

Tổng cục Quản lý thị trường vừa mở đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh mặt hàng đường cát cuối năm 2019.

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, chiến dịch này kéo dài từ ngày 15-9 đến hết năm 2019 tại các tỉnh miền Trung và miền Nam nhằm xử lý kịp thời, triệt để các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường đang gây tổn hại lớn đến hoạt động của ngành mía - đường Việt Nam.

Dư luận đánh giá cao động thái trên, bởi tình trạng buôn lậu đường qua biên giới, nhất là tại một số tỉnh khu vực Tây Nam diễn biến phức tạp. Hiện, mỗi ngày có 400-500 tấn đường đang bị nhập lậu qua biên giới, khiến Nhà nước thất thu khoảng 500 triệu đồng tiền thuế mỗi ngày.

Sở dĩ đường nhập lậu có chiều hướng gia tăng vì đường sản xuất tại các nước trong khu vực có giá thành thấp hơn, lại không phải chịu thuế xuất khẩu. Giá đường Thái Lan vào Việt Nam hiện chỉ là 9.000 đồng/kg, trong khi mặt bằng giá đường trong nước hơn 11.000 đồng/kg.

Vì không cạnh tranh được, các nhà máy trong nước phải hạ giá bán đường và giá mua mía, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu nông dân. Nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có nhà máy đường phải ngừng sản xuất.

Trong bối cảnh ngành sản xuất mía - đường tiếp tục gặp khó khăn, Hiệp hội Mía - Đường Việt Nam (VSSA) cho biết, niên vụ 2019 - 2020, diện tích trồng mía cả nước đã giảm xuống 200.000ha, sản lượng đường đạt 1 triệu tấn, thấp hơn so với mức 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018 - 2019. Hiện tại, Việt Nam cũng chỉ còn 37 nhà máy mía đường, thay vì 46 như giai đoạn 2015.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, ngăn chặn đường nhập lậu qua biên giới mới là giải pháp tình thế để giảm áp lực cho ngành mía - đường. Về lâu dài, nhất là từ ngày 1-1-2020, hạn ngạch nhập khẩu mía - đường từ ASEAN chính thức được xóa bỏ và mức thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam sẽ là 0% theo cam kết hội nhập ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), Chính phủ và ngành mía - đường cần phải thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Cùng với việc ngăn chặn triệt để đường nhập lậu, Chính phủ cần áp thuế và áp hạn ngạch nhập khẩu đối với đường lỏng (HFCS) từ Hàn Quốc, Trung Quốc đang nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam để thay thế đường kính. VSSA đã gửi văn bản kiến nghị các Bộ, ngành liên quan xem xét áp thuế nhập khẩu từ 10-20% đối với đường lỏng, loại đường được xem là có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Mặt khác, ngành mía - đường buộc phải tái cơ cấu, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các nhà máy đường thuộc sở hữu Nhà nước, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại hơn, ứng dụng các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bởi hiện trạng năng suất và chất lượng mía của nước ta đều kém so với các nước trong khu vực. Năng suất mía ở nước ta mới đạt đạt 65 tấn/ha, trong khi Trung Quốc và Thái Lan đã đạt 70-80 tấn/ha; độ đường thương mại trong mía (CCS) của nước ta bình quân mới chỉ đạt 8-10 CCS, trong khi Thái Lan đạt 14-16 CCS.

Theo dự báo, thị trường đường thế giới dự báo sẽ chuyển từ thặng dư 2,6 triệu tấn niên độ 2018 - 2019 sang thâm hụt 3,1 triệu tấn niên độ 2019 - 2020; giá đường sẽ có chiều hướng tăng vào đầu năm 2020.

Để đón nhận cơ hội trên, Nhà nước cần phê duyệt quy hoạch cụ thể về vùng nguyên liệu cho từng nhà máy đường, đảm bảo diện tích và sản lượng nguyên liệu cho các nhà máy phát triển ổn định. Đồng thời, có chính sách bảo hộ đồng bộ cho người trồng mía, nhất là chính sách thu mua, đầu tư các công trình thủy lợi, hỗ trợ nông dân cơ giới hóa trong canh tác và thu hoạch mía...

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/giai-cuu-nganh-mia-duong