'Giải cứu' ngành chăn nuôi heo: Trách nhiệm từng nhà?

Giá lợn xuống quá thấp trong vài tháng qua, dưới 28.000 đồng/kg, có nơi dưới 25.000 đồng/kg, thậm chí còn thấp hơn và chưa có dấu hiệu dừng lại, là thông tin Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết tại cuộc họp gấp bàn giải pháp 'giải cứu' ngành chăn nuôi heo, ngày 24/4, tại Hà Nội.

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Cường cho biết thêm, đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam mà cũng đang là giá thấp nhất hiện nay trên thế giới. Nếu tình trạng này kéo dài thì phần lớn các hộ chăn nuôi và ngay cả trang trại lớn cũng sẽ không trụ được, kéo theo nhiều hệ lụy đối với các hoạt động kinh doanh đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là đối với các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Đây thực sự là nghịch lý bởi: Giá lợn hơi xuống thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao gấp 4-5 lần. Thứ hai, giá heo hơi thấp nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao. Thứ ba, giá thấp nhất thế giới nhưng không có người mua. Thứ tư, chúng ta đã ký kết tới hơn 10 hiệp định thương mại song phương và đa phương nhưng việc tiêu thụ nông sản nói chung và thịt lợn nói riêng vẫn chủ yếu là xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, do người dân tự biên tự diễn. Thứ năm, chúng ta đã triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi heo nhưng vẫn còn tới trên 3 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán, không theo quy hoạch. Thứ sáu, việc chế biến và trữ đông còn hạn chế, thói quen dùng thịt tươi của người tiêu dùng chưa được thay đổi…

Nguyên nhân được chỉ ra là do cung vượt cầu. Tại sao cung vượt cầu? Tại sao giá thấp nhất thế giới mà không có người mua? Trách nhiệm của các ngành chức năng, chủ yếu là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ CôngThương ở đâu trong quy hoạch, định hướng và thông tin thị trường, mở rộng thị trường?... là những câu hỏi mà nhiều người dân đặt ra.

Về giải pháp căn cơ để “giải cứu” nông sản nói chung, thịt lợn nói riêng và để hết cảnh “tiêu thụ bởi lòng trắc ẩn”, nhiều chuyên gia kinh tế và người dân cho rằng, trước hết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương xây dựng quy hoạch vùng nuôi có quy mô phù hợp nhu cầu thị trường; đẩy mạnh công tác truyền thông để loại bỏ phương thức chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, quy trình lạm dụng kháng sinh, chất tăng trọng và thay đổi thói quen dùng thịt tươi của người tiêu dùng. Thứ hai, Bộ Công Thương khẩn trương khai thác các thị trường chúng ta đã ký hiệp định thương mại; đồng thời đàm phán với Trung Quốc để mở rộng thị trường chính ngạch. Thứ ba, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các hội nghề nghiệp tuyên truyền, nhân rộng quy trình chăn nuôi lợn theo hướng không kháng sinh, không thuốc tăng trọng. Thứ tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và chính quyền các địa phương phối hợp xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi nhằm giảm giá thành, hài hòa lợi ích, đảm bảo sản phẩm sạch; xử lý nghiêm những vi phạm về quy hoạch, thực hiện cam kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp. Thứ năm, người chăn nuôi cần thay đổi tư duy “nuôi heo như tiền bỏ ống”, thực hiện đúng quy hoạch, quy trình được hướng dẫn và tham gia liên kết trong các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã. Thứ sáu, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen dùng thịt tươi bằng các sản phẩm qua trữ đông và chế biến sẵn. Thứ bảy, doanh nghiệp cầm làm tốt vị trí đầu tàu trong xây dựng thương hiệu, chế biến theo yêu cầu các thị trường, cung ứng con giống, vật tư chăn nuôi thú y với giá hợp lý, hài hòa trong phân chia lợi nhuận…

Đó chính là trách nhiệm của các nhà trong bộ giải pháp “giải cứu” ngành chăn nuôi heo bền vững.

Hiền Trang

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/%E2%80%9Cgiai-cuu%E2%80%9D-nganh-chan-nuoi-heo-trach-nhiem-tung-nha-post2023.html