'Giải cứu' lão Trư

Chưa bao giờ, tên tuổi của các lão Trư và mụ Trư lại được nhắc đến nhiều như vậy trong các buổi họp quan trọng và trở thành đề tài “nóng” trên các báo đài như thời gian đầu quý 2/2017 này.

Ảnh: Shutterstock

Cũng chưa bao giờ trong lịch sử chăn nuôi, tổng đàn heo của đất nước lại dư thừa đến như vậy, kéo giá heo hơi xuống chỉ còn từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, xấu tốt tùy cảm hứng của thương lái thu mua.

Thời thơ ấu, tôi cũng như nhiều người dân khác thời ấy từng trải qua cảnh thèm ăn miếng thịt heo kinh khủng, thèm đến nỗi chỉ cần nghĩ đến nó đã ứa nước miếng ra bởi mỗi năm căn bản chỉ ăn thịt heo được một hoặc hai lần. Trong nền kinh tế tự sản tự tiêu của thời kháng chiến chống Pháp, bà con miền Trung nhà nào cũng muốn nuôi một vài con heo ta thả lan để làm vốn.

Thế nhưng mỗi khi người Pháp càn lên thì con heo lan là đối tượng “ưu tiên” được họ bắt trước nên bà con ta không dám nuôi. Tôi lớn lên ở một làng ven biển, được ăn cá mực thì nhiều nhưng ăn thịt rất ít. Họa hoằn lắm ngày tết, có ai đó trong làng làm con heo lan ăn tết, thơm thảo mời mẹ tôi đến “chia thịt” thì tôi mới được ăn thịt.

Hơn 60 năm sau, tôi không ngờ lại có ngày thịt heo thừa mứa đến nỗi... ngày nào ăn cơm cũng thấy thịt heo và các món được chế biến từ thịt heo như chả, chà bông, xúc xích, lạp xưởng... Cái cảm giác thấy thịt trong bữa cơm thực sự làm tôi ngán ngẩm. Xoay qua ăn rau đậu, củ quả, tương chao, tôm cá... Ăn mà ít cảm thấy ngon miệng. Ở chừng mực nào đó, tôi hiểu đây là tâm trạng chung của con người, đặc biệt là ở những người lớn tuổi, sống trong thời đại kinh tế đất nước đang phát triển.

Năm 1980, nhà thơ Tố Hữu làm bài thơ xuân, còn xót xa với “Bữa cơm khoai, ít cá nhiều rau” của hàng triệu hộ gia đình. Ít cá, nhiều rau có nghĩa là thiếu protein mà nhiều chất xơ, nghĩa là một bữa ăn chưa đạt sự cân đối của các yếu tố dinh dưỡng. Nay thì căn bản bữa ăn của hàng triệu hộ đã có đủ rau, cá, thịt, trứng... cân đối về dinh dưỡng. Nhưng dù cố gắng đến đâu, chúng ta vẫn không thể tiêu thụ hết số lượng thịt heo dư thừa trên cả nước. Hóa ra, khủng hoảng thừa đôi khi còn khó chịu hơn cả khủng hoảng thiếu!

Cắt nghĩa lý do thừa thịt heo, người ta nói là do phía Trung Quốc không chịu mua heo nhiều như những năm trước. Dù ngành nông nghiệp và báo chí đã lên tiếng cảnh báo, bà con chăn nuôi nhỏ lẻ của chúng ta vẫn cứ nuôi heo đại trà, để heo vượt quá chuẩn 100 kg/con, mong bán cho thương lái Trung Quốc thu mua. Nay thì con đường giao thương tiểu ngạch đó bị ngưng trệ, xuất qua đường chính ngạch chỉ còn vài trăm con mỗi ngày, chẳng bõ bèn gì.

Bởi tình trạng thừa heo nên dẫn đến chuyện người chăn nuôi bị thương lái thu mua trong nước làm giá. Giá heo hơi từ 50.000 đồng/kg đã bị ép xuống còn 30.000 đồng, có nơi xuống đến 20.000 đồng. Chẳng những bà con chăn nuôi nhỏ lẻ lỗ nặng mà cả ngành chăn nuôi heo cũng chịu lỗ theo. Mà than ôi, các lão Trư và mụ Trư thì ngày nào cũng phải ăn và sức ăn của chúng thì ngày càng phát triển.

Tình hình rối rắm như gà mắc tóc bởi có chịu hạ giá bán lỗ thì thương lái cũng chỉ thu mua cầm chừng, trong khi tiền ăn cho đàn heo thì càng ngày càng lớn, lo không xuể. Chúng ta thực sự chia sẻ tâm trạng bức xúc này đối với bà con chăn nuôi heo, những người có tay nghề, có khát vọng đóng góp của cải vật chất cho xã hội.

Cuộc khủng hoảng thừa này tạo ra một nghịch lý chưa có tiền lệ. Ở những sạp mua bán thịt heo tại các chợ truyền thống, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại, nghĩa là thịt heo đến tay người tiêu thụ vẫn không xuống giá.

Cứ cho rằng 2 ký heo hơi (giá gốc khoảng 50.000 đồng) tạo ra 1 kg thịt heo bán ngoài chợ 100.000 đồng thì đã có 50.000 đồng rơi vào túi áo thương lái và người bán. Một tiểu thương ở chợ Hàn (Đà Nẵng) cắt nghĩa với Đài VTV8: “Heo này là từ Đồng Nai chở về, phải qua các khâu vận chuyển, thuế má, phí nên giá bán phải như vậy”. Đó chỉ là một cách cắt nghĩa chứ thực chất việc giữ giá thịt heo trên thị trường cả nước nằm ở trong tay thương lái và người bán lẻ.

Để tích cực giải cứu lão Trư và mụ Trư, các cơ quan chức năng đề xuất biện pháp khuyến khích các đơn vị thu mua heo làm thịt và cho trữ đông lạnh. Ngành công thương tìm đầu ra cho thịt heo. Công nghiệp đông lạnh của ta bây giờ rất tiên tiến, việc trữ đông lạnh thịt một vài năm vẫn đảm bảo phẩm chất thịt tốt, không có gì đáng lo.

Các cơ quan chức năng cũng đề nghị các hộ gia đình có tay nghề truyền thống làm chà bông, chả, nem, lạp xưởng, tré, thắng mỡ nên phát huy tay nghề, làm thêm nhiều sản phẩm chế biến từ thịt heo cung cấp cho thị trường. Các bếp ăn tập thể nên dùng thịt heo làm thực phẩm chính trong bữa ăn. Không ai bảo ai, nhiều hộ bà con trong các khu phố bình dân như khu phố tôi đang ở cũng tự động mua heo về mổ thịt, bán giá nhẹ hơn giá ngoài chợ khoảng 5.000 đồng/kg cho người tiêu thụ.

Thế nhưng, vấn đề chính là phải... ngừng nuôi heo. Ngừng nuôi heo có nghĩa là ngừng nuôi heo nái, ngừng cho nái đẻ, ngừng nuôi heo con thành heo thịt. Lịch sử ngành chăn nuôi ở Mỹ đã từng có chuyện bắn bỏ hàng trăm ngàn con bò để giữ giá thịt bò trên thị trường tiêu thụ. Nước ta thì không “chơi sang” như vậy được. Vậy thì xin động viên mỗi nhà, mỗi người nên... tích cực ăn thịt heo, nên cho trẻ con ăn thịt heo để trẻ có thêm nhiều protein mà phát triển thân thể.

Nhân tiện, tôi cũng xin có ý kiến với bà con chăn nuôi nhỏ lẻ. Bà con có thiện chí chăn nuôi để làm giàu cho gia đình, làm lợi cho đất nước là quá tốt nhưng trong thời kỳ kinh tế hội nhập này, nếu đứng một mình sẽ rất khó tìm ra thị trường tiêu thụ, có thể gặp những rủi ro không mong muốn.

Tốt hơn hết, bà con nên tham gia các tổ hợp, hợp tác xã; có người đại diện tìm thị trường, có cách làm ăn quy chuẩn, có biện pháp chăm sóc thích nghi, có thương hiệu. Cái thời nghe người này người khác bày biểu thế này thế nọ rồi tự động bỏ vốn làm ăn, không hiểu gì về thông tin thị trường tiêu thụ đã xưa rồi. Làm ăn bây giờ là phải có bài bản, có tập thể nương tựa nhau, bảo vệ nhau mới hiệu quả.

Còn một cách chăn nuôi heo khác xem ra có vẻ “tiêu cực” nhưng nghĩ lại thì rất tích cực, ấy là chỉ gia công chăn nuôi. Bà con chỉ cần có mặt bằng đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn và công sức lao động. Con giống, thức ăn, chăm sóc y tế cho đàn heo là do bên đối tác lo.

Giá heo lên xuống bà con không cần biết, chỉ đến ngày tháng là đối tác đến đưa heo đi và thanh toán tiền gia công chăn nuôi cho bà con. Chăn nuôi gia công thì không giàu nhưng không bao giờ lo nghèo và sợ... cụt vốn. Tất nhiên, bà con phải toàn tâm toàn ý gia công cho đàn heo đẹp.

Có lẽ các bộ ngành hữu quan cũng nên tích cực hơn trong hoạt động quy hoạch cho nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tháng trước, ta lo giải cứu dưa hấu, tháng này lo giải cứu lão Trư thì quả là không ổn. Hai chữ “giải cứu” nghe rất tiêu cực đồng nghĩa với sự thua lỗ. Làm ăn chân chính mà phải chịu thua lỗ thì còn ai dám làm?

Vũ Đức Sao Biển

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/giai-cuu-lao-tru-834211.html