Giải cứu khối thép ngàn tỷ han gỉ, lối thoát đại dự án 'đắp chiếu'

Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên còn phải nằm chờ đến bao giờ? Có lẽ đây là câu hỏi cần sớm được trả lời để giải cứu cho khối tài sản ngàn tỷ đang như 1 đống thép han gỉ.

Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên được khởi động từ năm 2005 do Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) là chủ đầu tư.

Dự án có Tổng mức đầu tư (TMĐT) ban đầu là 3.843 tỷ đồng, được chia thành 2 gói thầu, trong đó gói thầu chính là EPC dây chuyền công nghệ luyện kim có giá trị 160,9 triệu USD, được thực hiện bởi nhà thầu là Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC). Đây là hợp đồng thực hiện theo phương thức EPC (E là tư vấn thiết kế, P là thiết bị và C là xây lắp). Hợp đồng có hiệu lực từ tháng 9/2007, thời gian thực hiện hợp đồng là 30 tháng.

Tuy nhiên sau khi ký hợp đồng, do bối cảnh chung là giá nguyên vật liệu đầu vào tăng quá cao dẫn đến nếu duy trì hợp đồng như cũ thì không khả thi nên nhà thầu MCC đề nghị tách phần C (phần xây lắp) để cho bên Việt Nam đảm nhiệm. Năm 2009, Tổng công ty cổ phần xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) được chọn đảm nhiệm phần việc này.

Cũng do biến động của chi phí đầu vào quá lớn nên đến tháng 5/2013 VNS và Tisco nâng mức TMĐT lên hơn 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng với thời gian thực hiện đến hết năm 2014. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên nguồn vốn chưa thể bố trí dẫn đến việc đình trệ dự án từ đó đến nay.

Tình trạng hiện tại của dự án là cả 3 hợp phần đều còn dang dở, dẫn đến hậu quả là một số thiết bị xuống cấp, gây lãng phí, còn tổng thể nhà máy thì chưa biết đến khi nào hoạt động được.

Với Tisco, việc để dự án đắp chiếu là một trong những lý do chính khiến doanh nghiệp này không thể bứt phá. Vấn đề đặt ra ở đây là dự án không phải ở trong tình trạng không thể tận dụng, trái lại cơ hội để chấm dứt sự lãng phí kéo dài luôn luôn có nhưng nắm bắt cơ hội nào thì lại nằm ngoài khả năng của ban lãnh đạo Tisco.

Một lãnh đạo của Tisco cho biết hiện tại mỗi ngày riêng tiền lãi vay ngân hàng là hơn 1 tỷ đồng. Nhưng đó mới chỉ là tiền tính toán được, còn những tổn thất khác như thiết bị hư hỏng do nằm chờ thì chưa thể đong đếm. Vì vậy, để tránh cảnh “mở mắt mất tiền tỷ” vị lãnh đạo này nhấn mạnh cách duy nhất hiện nay là tiếp tục triển khai dự án. Theo đó, nhà nước thoái vốn gọi thêm các nhà đầu tư mới là 1 hướng mở khả thi.

Mới đây, trên cơ sở phương án của Tổng công ty Thép Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến các bộ ngành về việc thoái 65% vốn tại Tisco được coi là một hướng mở hy vọng để tái khởi động dự án.

Theo các chuyên gia, đây là 1 đề xuất hoàn toàn thực tế, vì hiện tại tổng doanh thu 9 tháng đầu năm của Tisco vẫn đạt gần 8.900 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 57 tỷ đồng. Nếu dự án trên được gỡ nút thắt, chắc chắn hiệu quả kinh doanh và tác động xã hội sẽ lớn hơn.

Theo nhiều chuyên gia thì hiện nay song song với việc thoái vốn, Tisco chỉ cần được khoanh nợ và cung cấp tiếp tín dụng thì việc vượt qua khó khăn sẽ không khó. Nhận xét này có cơ sở vì trừ một bộ phận thiết bị hư hỏng phần nhỏ do thời tiết vì bị “đắp chiếu” quá lâu, phần lớn còn lại được bảo quản trong kho đều không vấn đề gì. Hơn nữa, phần điều khiển chưa được nhập về nên việc vận hành nói chung không gặp vướng mắc nào lớn.

Tính từ khi dự án được khởi động đến giờ đã 12 năm, cho dù trong quá khứ Chính phủ và các cơ quan liên quan đã xử lý hết sức uyển chuyển, theo đúng quy định pháp luật nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho phía Việt Nam, nhưng dù vậy thì đây cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc hợp tác với các nhà thầu quốc tế.

Sau tất cả những khó khăn, đối mặt với thực tế 'đắp chiếu', giờ đây, điều quan trọng là cần một giải pháp thiết thực để đưa nhanh dự án vào vận hành, qua đó hạn chế được thêm những tổn thất không đáng có.

Đông Sơn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/loi-thoat-cho-tisco-va-co-hoi-chong-lang-phi-tien-ty-591781.html?vnn_source=trangchu&vnn_medium=box-kinh-doanh2