Giải cứu đội bóng Thái và 18 ngày phi thường ở Tham Luang

Chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan ở hang Tham Luang đã kết thúc sau 18 ngày đoàn kết và nỗ lực phi thường của 1.000 nhân viên cứu hộ đến từ khắp thế giới.

Tưởng như mọi ánh mắt trên thế giới gần 3 tuần qua đều nhìn về Chiang Rai. Đó là một điều lạ lẫm đối với tỉnh vùng cao phía bắc Thái Lan, cách Bangkok gần 800 km, nằm ngay trong "tam giác vàng" khét tiếng, tiếp giáp Lào và Myanmar.Nhịp sống yên ả của tỉnh vùng cao đảo lộn chóng mặt sau ngày 23/6. Ekkapol Chantawong, người huấn luyện viên 25 tuổi, cùng 12 cậu bé thành viên đội bóng nhí địa phương Moo Pa (Lợn Rừng) kẹt lại trong hệ thống hang Tham Luang dài gần 10 km.

Một chiến dịch giải cứu khổng lồ được khởi động với sự tham gia của hơn 1.000 người, gồm quân đội, các lực lượng cứu hộ Thái Lan và hàng trăm tình nguyện viên trên khắp thế giới.

Cả thế giới dõi theo từng dòng cập nhật về chiến dịch giải cứu quy mô lớn nhất lịch sử Thái Lan, ở một hệ thống hang động mà nhiều người chưa chắc biết cách đọc tên sao cho đúng nhất.

Truyền thông và chuyện tường thuật cuộc giải cứu đội bóng Thái Sự kiện giải cứu đội bóng Thái có nhiều thử thách tác nghiệp như rào cản ngôn ngữ, thời tiết, nguồn tin tuy vậy, đây cũng là chuyến công tác không thể quên với phóng viên Zing.vn.

Chiều 10/7, hàng triệu trái tim tại Thái Lan và khắp mọi nơi trên thế giới vỡ òa khi các hãng thông tấn quốc tế cho biết tất cả 13 thầy trò đội bóng thiếu niên đã rời hang Tham Luang an toàn. Ekkapol Chantawong, chàng trai 25 tuổi, trợ lý huấn luyện viên của đội bóng, chính là thành viên cuối cùng của nhóm được đưa ra. Gần 1 tiếng sau, 3 thợ lặn và 1 bác sĩ, những người túc trực cạnh đội bóng ở Dốc Nern Noem Sao suốt 8 ngày qua, cũng trở về mặt đất trong sự chào đón của đồng đội.

"Sứ mệnh đã hoàn thành".

Đó là tuyên bố của Narongsak Osotthanakorn, cựu tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai, người chỉ huy chiến dịch giải cứu ở Tham Luang, vào buổi họp báo "chiến thắng" đêm 10/7. Sự vỡ òa hạnh phúc và những tràng pháo tay giờ đã thế chỗ những thấp thỏm, lo âu và mất phương hướng khi chiến dịch tìm kiếm bắt đầu 18 ngày trước.

Lực lượng cứu hộ đã phải chạy đua không ngừng với thời gian kể từ thời khắc đầu tiên của chiến dịch.

Trời Mae Sai mưa mãi chẳng chịu ngừng.

Nước lũ cuộn xiết và dâng cao bên trong hang Tham Luang, như tạo nên cả một thành trì ngăn cản thợ lặn tìm kiếm tung tích của đội bóng. Ngày 29/6, ngay cả hang lớn số 3 ở Tham Luang, nơi lực lượng cứu hộ đặt thiết bị làm trạm tiền phương dã chiến, nước cũng mon men vào buộc toàn đội phải rút ra cửa hang.

Hệ thống hang động phức tạp, cấu trúc hiểm trở và vô số khúc cua hẹp của Tham Luang khiến những thợ lặn lão luyện cũng phải e dè. Nhiều khúc quanh chỉ rộng vừa đủ cho 1 người bò qua, nhưng cũng có những đoạn phải lặn đến cả chục mét. Có lúc đội thợ lặn của Hải quân Hoàng gia Thái Lan phải ngưng tìm kiếm và quay ngược trở về vì dòng nước ngầm quá mạnh, đe dọa đến tính mạng.

Ông Narongsak từng phải cảnh báo các thành viên lực lượng cứu hộ giữ an toàn tuyệt đối cho bản thân, không muốn thêm ai khác gặp nạn. Cái chết đau lòng của Saman Kunan, một đặc nhiệm SEAL Thái Lan, khi đang lặn hỗ trợ tại Tham Luang đã cho thấy mức độ nguy hiểm rất lớn mà những thành viên đội cứu hộ phải đối mặt.

Vượt qua hết những khó khăn đó, hoàn thành nhiệm vụ giải cứu 13 thành viên đội đóng, đòi hỏi sự nỗ lực phi thường. Những gì diễn ra trên sườn núi Doi Nang Non của huyện Mae Sai 18 ngày qua hoàn toàn xứng đáng với mô tả đó.

Ekkapol Chantawong cùng 12 cầu thủ nhí đã làm nên kỳ tích khi sống sót 10 ngày trong bóng tối, không thức ăn, không nước sạch. Anh dạy những cậu học trò của mình uống nước nhiễu từ vách đá vôi, ngồi thiền để giữ bình tĩnh và sức lực. Anh chia hết cả phần ăn của mình cho lũ trẻ để cầm hơi chờ người đến cứu.

Khi ánh sáng đèn pin của thợ lặn người Anh John Volanthen rọi vào khoảng không ở Dốc Nern Noem Sao đêm 2/7, hình ảnh 13 thầy trò quây quần đầy đủ bên nhau rạng lên như một phép màu giữa đời thực.

Khoảnh khắc tìm được đội bóng Thái trong hang sau 10 ngày mắc kẹt Lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Hoàng gia Thái Lan vừa công bố video quay lại khoảnh khắc lính cứu hộ tìm thấy và trò chuyện với các cậu bé của đội bóng thiếu niên lần đầu tiên.

Công binh Thái Lan ngày đêm "xẻ núi" Doi Nang Non tìm những dòng chảy ngầm của Tham Luang. Việc bơm nước khỏi hang diễn ra gần như 24/24, giữ cho cơ hội cứu sống các thầy trò nằm trong tầm tay lực lượng cứu hộ. Khoảng 243 triệu lít nước đã được bơm khỏi hang trước ngày giải cứu 8/7. Theo South China Morning Post, nếu trút hết số nước này vào sân Luhzniki, nơi diễn ra trận chung kết World Cup 2018, bức tường nước sẽ cao đến 34 m.

Trong vài ngày ít ỏi Mae Sai ngừng tuôn mưa, lực lượng cứu hộ không bỏ phí một tíc tắc nào để tiến hành chiến dịch giải cứu 12 chú "Lợn Rừng" và người huấn luyện viên. Gần 90 thợ tham gia vào công tác hậu cần, dọn đường và bố trí các bình oxy cho chiến dịch giải cứu.

"Tìm thấy các cháu bé không nghĩa là chúng ta hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta chỉ mới thắng một trận nhỏ, còn cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. Cuộc chiến này chỉ kết thúc khi chúng ta chiến thắng cả 3 trận đấu - tìm kiếm, giải cứu và đưa các cháu bé về nhà", Narongsak phát biểu đầy quyết tâm trong buổi họp báo ngày 7/7.

Chỉ 1 ngày sau, chiến dịch giải cứu kéo dài 3 ngày đã được bắt đầu. Phần còn lại là lịch sử.

Bên cạnh khả năng sinh tồn phi thường của thầy trò Ekkapol, điều kỳ vĩ lay động hàng triệu trái tim theo dõi chiến dịch chính là sự đoàn kết không biên giới của những người tham gia cứu hộ. Hơn 1.000 người từ khắp Thái Lan và nhiều nước trên thế giới đã tụ hội về Tham Luang. Đó là hải quân, công binh, cứu hộ chuyên nghiệp được phân công đến tác chiến, và những tình nguyện viên từ các tỉnh của Thái Lan đến giúp đỡ, phục vụ bữa ăn cho lực lượng cứu hộ.

Sát cánh bên những người bạn Thái là hàng chục thợ lặn từ Anh, Australia, Trung Quốc, Mỹ .... Khi đặt chân đến Mae Sai để hỗ trợ chiến dịch, nhiều người trong số họ có thể chỉ mới lần đầu biết đến cái tên Tham Luang. Những thợ lặn quốc tế vẫn cùng đội Seal Thái lần qua những hang cùng ngách hẹp của Tham Luang tìm kiếm 13 thành viên đội bóng "Lợn rừng".

Những người đầu tiên tìm thấy đội bóng là 2 thợ lặn kỳ cựu người Anh: John Volanthen và Rick Stanton. Họ không phải là nhân viên được chính phủ Anh cử sang, mà chỉ là những tình nguyện viên được bạn mình liên lạc nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, chính Volanthen và Stanton là 2 thợ lặn "lĩnh ấn tiên phong" dẫn đầu nỗ lực tìm kiếm trong Tham Luang 10 ngày đầu tiên.

Đội 18 thợ lặn nòng cốt trong 3 đợt giải cứu đội bóng "Lợn Rừng" chỉ có 5 đặc nhiệm Seal Thái, còn lại 13 thành viên là người nước ngoài. Giai đoạn cuối của chiến dịch, tỷ phú người Mỹ Elon Musk còn mang những công nghệ lặn mới nhất của công ty đến Tham Luang mong góp sức vào nỗ lực giải cứu.

"Sự đoàn kết này là một biểu tượng giàu sức lay động. Họ giúp chúng ta nhìn thấy một thế giới nơi mọi người có thể cùng sát cánh bên nhau, hỗ trợ nhau hướng đến một mục tiêu chung", nhà thơ - nhà văn người Mỹ Jay Parini cố gắng trả lời vì sao một hang động cách nước Mỹ gần nửa vòng trái đất lại khiến người dân nước này quan tâm đến vậy.

"Trong hang động đó không còn sự phân biệt về màu da, không còn những khác biệt về tôn giáo và cũng không ai màng thắc mắc về giới tính của bạn. Không ai khoác lên mình lớp vỏ bọc của lá quốc kỳ hay những lập luận hoài nghi trước khoa học".

"Đây là một trong những lần hiếm hoi giữa thời đại này chúng ta nhìn thấy điều phi thường con người có thể đạt được, bất chấp những khó khăn ngoài sức tưởng tượng, nếu như chúng ta đoàn kết, quên mình vì một điều quan trọng hơn bản thân", Parini viết trên CNN ngày 10/7, khi đợt thứ 3 của chiến dịch giải cứu vừa bắt đầu.

"Anh hùng Tham Luang" Saman Gunan, cựu thợ lặn Seal, sẵn sàng lao vào chốn nguy hiểm, đánh đổi bằng chính tính mạng của mình, để giải cứu những đứa trẻ mà anh chỉ mới biết đến chưa đầy 2 tuần trước.

"Đó là lòng dũng cảm dưới hình hài thuần khiết nhất", Parini viết.

Narongsak Osotthanakorn, vị tổng chỉ huy của chiến dịch giải cứu tại Chiang Rai, là ví dụ sống động cho việc trách nhiệm cứu người vượt ra khỏi những ràng buộc của bộ máy hành chính và lợi ích bản thân. Ông đã nhận quyết định thuyên chuyển sang một tỉnh nhỏ hơn từ trước vụ mất tích của thầy trò đội bóng Lợn Rừng.

“Chúng tôi đã làm được điều không ai dám ngờ tới. Sứ mệnh đã thành công nhờ vào sức mạnh của tình yêu thương. Tôi mong rằng nhìn thấy tình yêu và sự đoàn kết thể hiện trong những ngày qua sẽ được chúng ta tiếp tục gìn giữ vì sự phát triển của đất nước", Narongsak Osotthanakorn trả lời tại buổi họp báo chiến thắng ngày 10/7.

Vị cựu tỉnh trưởng vẫn có thể bàn giao ngang chiến dịch giải cứu cho người kế nhiệm của mình. Tuy nhiên, ông không chấp nhận làm ngờ trước sự an nguy của những đứa trẻ. Gác lại những bất đồng chính trị, Narongsak vẫn đến hiện trường chiến dịch mỗi ngày, đưa ra những chỉ đạo sát sao, cân nhắc kỹ lưỡng từng đề xuất giải cứu và lèo lái chiến dịch đến thắng lợi.

Mọi ngăn cách giữa người với người như được xóa nhòa ở Tham Luang. Những phán xét không còn ngự trị, thay vào đó là sự đồng lòng vì sinh mạng của những người đang hoạn nạn.

Trong khi dư luận Thái Lan bắt đầu râm ran những lời chỉ trích nhắm vào Ekkapol, thì gia đình của chính những cậu bé đang kẹt hơn 4 km trong lòng Tham Luang lại thầm cảm ơn số phận sắp đặt cho người thầy trẻ ở cạnh xấp nhỏ giữa lúc nguy khốn nhất cuộc đời.

“Nếu thầy không đi cùng bọn trẻ, điều gì sẽ xảy ra với con của tôi? Khi thầy được ra ngoài, chúng ta phải xoa dịu con tim của thầy. Ek thương mến, tôi không bao giờ đổ lỗi cho thầy”, mẹ của Pornchai Khamluang, một trong 12 cầu thủ nhí kẹt trong hang Tham Luang, không một mảy may oán trách huấn luyện viên Ekkapol.

Sau tất cả những nỗ lực phi thường đó, chiến dịch giải cứu với sự tham gia của hơn 1.000 người từ khắp nơi trên thế giới đã nhận được cái kết có hậu. Ngày 11/7, Bộ Y tế Thái Lan xác nhận toàn bộ 13 thầy trò đội bóng Lợn Rừng đều trong tình trạng sức khỏe tốt. Một số thành viên có dấu hiệu nhiễm trùng phổi, nhưng đã được chăm sóc kịp thời và đang trong quá trình điều trị tích cực.

Tổng thanh tra Thongchai Lertwilairatanapong của Bộ Y tế Thái Lan cho biết nhóm cầu thủ nhí được giải cứu đầu tiên ngày 8/7 đã có thể ăn uống bình thường. Những thành viên yếu nhất của đội bóng đã có thể đi lại và đang dần hồi phục. Không thành viên nào của đội bóng mắc các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Narongsak từng khẳng định rằng chỉ khi những đứa trẻ được trở về với gia đình thì cuộc chiến của ông và hơn 1.000 nhân viên cứu hộ ở Tham Luang mới thật sự kết thúc. Ông và các cộng sự chỉ cần chờ thêm 7 ngày nữa để thấy các cháu bé được xuất viện. Không lâu sau đó, vị cựu tỉnh trưởng Chiang Rai, "tư lệnh" của chiến dịch giải cứu Tham Luang, sẽ đến nhận nhiệm sở tại tỉnh Phayao láng giềng, lại đối diện với những đợt sóng ngầm của chính trường Thái Lan.

Bệnh viện Chiang Rai sẽ tiếp tục chăm sóc các thợ lặn và nhân viên cứu hộ trong 2 ngày tới. John Volanthen, người đầu tiên tìm thấy 13 thầy trò "Lợn Rừng", cũng đang chờ xuất viện, Telegraph cho biết. Một khi trở về nước Anh cùng gia đình, người thợ lặn kỳ cựu 47 tuổi cũng quay lại với công việc toàn thời gian của mình là tư vấn công nghệ thông tin ở Bristol.

Trong khi đó, Anne Mallison vẫn đang chờ tin tức của người con trai Jason Mallison từ Thái Lan. Kỷ lục gia lặn hang người Anh đã đến đến Tham Luang tiếp cứu vào tuần trước, trong giai đoạn quyết định của chiến dịch. "Tôi không nghĩ sẽ có tiệc tùng gì lớn khi nó về nhà. Đó không phải tính cách của con tôi. Chúng tôi sẽ trở lại với thực tế. Hoặc có lẽ Jason sẽ lại bay đến một vùng đất nào đó cho lần lặn kế tiếp", bà Anne chia sẻ.

Sau bước ngoặc lớn nhất cuộc đời 13 thành viên đội bóng "Lợn Rừng", vẫn còn một thách thức lớn đón chờ các thầy trò sau khi được cứu khỏi Tham Luang: Đó là truyền thông. Hàng loạt câu lạc bộ nổi tiếng trên thế giới đã gửi lời mời các em đến tham quan, giao lưu. Những lời mời phỏng vấn đang xếp hàng chờ các em phản hồi. Có lẽ sắp đến sẽ xuất hiện những nhà hảo tâm sẵn sàng giúp các em đổi đời.

Những chuyên gia tâm lý lập tức cảnh báo các thành viên đội bóng thiếu niên cần tránh tiếp xúc quá sớm với truyền thông, chỉ nên chia sẻ câu chuyện của mình khi đã thật sự sẵn sàng. Nhiều người lo ngại sự nổi tiếng bất chợt sẽ đảo lộn cuộc sống của những đứa trẻ, dẫn đến những vấn đề về tinh thần và việc học hành trong tương lai.

Trong lần thăm hiện trường chiến dịch giải cứu, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã kêu gọi dư luận Thái Lan đừng tạo thêm "kịch tích" cho lũ trẻ. "Điều quan trọng nhất là các cháu được di tản an toàn khỏi hang, rút ra những bài học từ hành động vừa qua và trở thành những công dân có ích cho xã hội", ông nhấn mạnh.

Những nỗ lực phi thường giờ đã thuộc về quá khứ. Những người anh hùng thầm lặng đã hoàn thành xong sứ mệnh của mình là trả lại cho những 12 đứa trẻ Mae Sai cuộc sống bình dị thường ngày của chúng. Giờ là lúc các em phải xoay xở giữ lại cuộc sống bình thường của mình.

Vì sao chỉ giải cứu được 4 thành viên đội bóng Thái mỗi ngày? Mỗi cầu thủ cần sự hỗ trợ của 140 thợ lặn: 2 người bơi hộ tống, 8 người hỗ trợ trong hang và 130 người khác sẵn sàng ứng cứu ngoài cửa hang.

Thanh Danh
Đồ họa: Châu Châu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/giai-cuu-doi-bong-thai-va-18-ngay-phi-thuong-o-tham-luang-post859250.html