Giải cứu chỉ như 'muối bỏ bể' nếu sản xuất vượt quy hoạch

Từ cuối tháng 5.2018 đến nay, người trồng dứa ở nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa liên tục than trời vì giá dứa thảm thê thảm. Như nhiều lần ế ẩm trước của các loại nông sản, các tổ chức, đoàn thể ở Thanh Hóa lại vào cuộc giải cứu. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế và nó sẽ không thể chấm dứt nếu vẫn sản xuất không theo quy hoạch và phá vỡ quy hoạch như hiện nay.

Nhà nhà giải cứu

Những người trồng dứa ở Quảng Phú (Quảng Xương) như đang “ngồi trên đống lửa” vì giá dứa đang tuột dốc không phanh. Tại ruộng, dứa loại to, đẹp nhất cũng chỉ bán được với giá 2.000 đồng/kg, loại trung bình từ 1.500 – 1.800 đồng/kg, còn loại nhỏ chỉ trên dưới 1.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng dứa thua lỗ nặng, bởi chi phí sản xuất 1kg dứa lên đến 3.000 đồng.

Nông dân nhiều địa phương ở Thanh Hóa thua lỗ vì giá dứa giảm. Ảnh minh họa: IT.

Được biết, xã Quảng Phú có hơn 25ha dứa đang thời kỳ chín rộ, với năng suất bình quân 60 tấn/ha, hiện có hàng trăm tấn dứa đang phơi nắng ngoài đồng đang chờ người thu hái.

Tại xã Hà Long (huyện Hà Trung), tình hình tiêu thụ dứa cũng không khả quan hơn. Anh Nguyễn Văn Tuần, chủ một đại lý thu mua trên địa bàn xã cho biết: “Cách đây hơn 1 tháng, giá dứa còn đạt mức 5.000 – 6.000 đồng/kg, nhưng mấy ngày gần đây, giá giảm thê thảm, dứa đẹp chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg, còn dứa xấu thì chỉ 1.000 đồng/kg”, anh Tuần cho biết.

Cũng theo anh Tuần, với mức giá này, bình quân người dân lỗ đến 40 – 50 triệu đồng/ha vì chi phí đầu tư cho 1ha dứa từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 160 triệu đồng.

Sau khi người dân kêu khó, rất nhiều cá nhân, tổ chức ở Thanh Hóa đã đứng ra thu mua dứa cho người dân. T36 VÌ CỘNG ĐỒNG- một tổ chức xã hội, hoạt động thiện nguyện, đã đứng ra thu mua dứa và bán giúp bà con nông dân xã Quảng Phú. Đoàn Thanh niên huyện Thọ Xuân cũng triển khai chiến dịch giải cứu dứa. Công ty CP Tiến Nông cũng đứng ra thu mua hơn 10 tấn dứa cho nông dân huyện Thạch Thành.

UBND thị xã Bỉm Sơn còn tổ chức hội nghị bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân trồng dứa. Theo đó, thị xã huy động các tổ chức đoàn thể, thanh niên mở các điểm bán dưa lưu động để cùng chung tay mua và tiêu thụ dứa giúp bà con. Đồng thời, chỉ đạo Công ty TNHH nông công nghiệp Hà Trung, các hợp tác xã nông nghiệp liên kết với bạn hàng truyền thống để tiêu thụ dứa.

Trước tình trạng nông sản của bà con nông dân các huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc, Yên Định, Hà Trung... ế ẩm, bị thương lái ép giá, từ ngày 5.6, Thành đoàn TP Thanh Hóa đã phối hợp với Công ty CP Đầu tư và Truyền thông Lam Sơn, Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp TP Thanh Hóa, nhóm thiện nguyện 11111, nhóm nồi cháo nhân ái tổ chức chương trình “giải cứu” nông sản cho nông dân.

Công ty Tiến Nông tham gia giải cứu dứa. Ảnh: Tiến Nông.

Tại TP Thanh Hóa, có 4 điểm các tình nguyện viên trực tiếp tham gia “giải cứu” nông sản là Quảng trường Lam Sơn, Công viên Hội An, chợ Nam Thành và đường Lê Lai (phường Đông Sơn). Chương trình “giải cứu” nông sản được triển khai với mục đích tiêu thụ được khoảng 50 tấn dứa và ổi.

Dù mục đích của việc giải cứu là tốt, nhưng sản lượng tiêu thụ qua các đợt giải cứu cũng chỉ như “muối bỏ bể”.

Do vỡ quy hoạch

Nguyên nhân giá dứa giảm thê thảm ở nhiều vùng trên cả nước được lý giải là do được mùa và Trung Quốc “ăn” hàng chậm, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là do quy hoạch nhiều vùng trồng dứa đã bị phá vỡ không thương tiếc.

Anh Nguyễn Văn Tuần cho biết, diện tích dứa ở xã Hà Long nói riêng, huyện Hà Trung nói chung bùng phát quá nhanh, vượt quá lớn so với quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu.

“Trên địa bàn huyện Hà Trung chỉ có đất xã Hà Long là hợp với cây dứa, người dân cũng có truyền thống trồng từ xưa nhưng nay cây dứa đã lan ra nhiều xã khác trong huyện. Do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên dứa của những vùng này không thể bằng dứa của Hà Long, khi thu mua thương lái thường chê và ép giá”, anh Tuần cho biết thêm.

Nhiều địa phương, diện tích dứa tăng chóng mặt. Ảnh: IT.

Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Long cho biết, trên địa bàn xã có khoảng hơn 650ha dứa, song chỉ có khoảng 200ha là nằm trong định hướng phát triển của xã, còn lại hơn 400 ha do người dân trồng tự phát vì mấy năm trước giá dứa khá ổn định, lợi nhuận hấp dẫn nên ai cũng ham. Chưa kể, dứa khá phù hợp với điều kiện đất vùng đồi, lại dễ chăm sóc.

Cũng theo ông Thành, cây dứa nằm trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã nhưng diện tích quy hoạch ít hơn rất nhiều so với diện tích dứa thực tế của xã hiện nay và phần lớn diện tích dứa không nằm trong vùng bao tiêu thu mua của nhà máy chế biến.

Được biết, lãnh đạo xã Hà Long cũng đã rất tích cực mời gọi các doanh nghiệp về địa phương xây dựng nhà máy chế biến để giảm áp lực mùa vụ và nâng cao giá trị sản phẩm. “Cũng đã có doanh nghiệp về khảo sát xây dựng nhà máy chế biến nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển gì”, ông Thành nói.

Tại thị xã Bỉm Sơn, tổng diện tích dứa đang trồng trên địa bàn khoảng 472 ha; trong đó, có 300 ha được trồng trên đất nông trường của Công ty TNHH nông công nghiệp Hà Trung, số còn lại là do các hợp tác xã, người dân trồng. Hiện người trồng dứa đang gặp rất khó khăn trong việc tiêu thụ, các doanh nghiệp, tiểu thương trong nước cũng từ chối. Được biết, tổng diện tích đất trồng dứa của công ty khoảng 645 ha, bao gồm thị xã Bỉm Sơn (300 ha) và xã Hà Long, huyện Hà Trung (khoảng 345 ha). Tuy nhiên, diện tích dứa tự phát đã phình to một cách mất kiểm soát.

Việc mở rộng diện tích trồng dứa ồ ạt, không tuân theo quy hoạch còn diễn ra ở nhiều xã của các huyện Hà Trung, Thạch Thành, Yên Định, Như Thanh, Như Xuân và thị xã Bỉm Sơn. Trong khi đó, hầu hết các hộ dân chưa ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các cơ sở thu mua, chế biến.

Thừa nhận bao tiêu sản phẩm cho nông dân vẫn là một vấn đề làm đau đầu lãnh đạo xã, ông Nguyễn Hữu Thành cho biết, xã đã phối hợp với ngành chức năng làm rất tốt việc phổ biến, tập huấn kiến thức kỹ thuật cho người dân nên năng suất, chất lượng dứa của Hà Long thuộc diện cao nhất vùng nhưng làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm cho người dân thì vẫn là câu hỏi khó.

“Mong mỏi của chúng tôi là có một nhà máy chế biến dứa giúp bà con yên tâm sản xuất, không phải lo đầu ra của sản phẩm”, ông Thành bày tỏ.

Từ thực tế đang diễn ra ở nhiều vùng trồng dứa của tỉnh Thanh Hóa cho thấy, ban hành quy hoạch đã khó, việc thực hiện quy hoạch và giám sát quá trình này còn quan trọng hơn rất nhiều lần. Chỉ có thực hiện tốt quy hoạch, gắn kết sản xuất với chế biến mới mong không có thêm những cuộc giải cứu dứa trong tương lai.

Khánh Nguyên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/giai-cuu-chi-nhu-muoi-bo-be-neu-san-xuat-vuot-quy-hoach-887097.html