Giải cứu cao tốc hơn 9.000 tỷ, sẵn mặt bằng mà thi công ì ạch

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau 10 năm triển khai thi công đến nay vẫn chậm tiến độ. Thủ tướng yêu cầu các bên liên quan nỗ lực sớm đưa dự án hoàn thành trong năm 2020.

Thực hiện chỉ đạo của thường trực Chính phủ, ngày 20/4 đã diễn ra Hội nghị tháo gỡ khó khăn dự án cao tốc Trung lương - Mỹ Thuận. Đây là dự án đường giao thông trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án dài 51,1km đi qua tỉnh Tiền Giang được khởi công lần đầu tiên tháng 11/2009. Sau hơn 5 năm rơi vào bế tắc, đến tháng 2/2015 dự án được tái khởi động bởi Liên danh các Nhà đầu tư Tuấn Lộc - Yên Khánh - BMT - Thắng Lợi - Hoàng An - công ty CPĐT cầu đường CII. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào quý II/2020.

Tuy nhiên, sau khi tái khởi động lần 2, dự án lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và được đánh giá là không có cở sở đảm bảo đúng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ.

Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận sau 10 năm triển khai vẫn ngổn ngang, chậm tiến độ

Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận sau 10 năm triển khai vẫn ngổn ngang, chậm tiến độ

Trước thực trạng này, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, các bộ ngành có liên quan, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư dự án phải tích cực, chủ động hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để dự án được thông tuyến vào cuối năm 2020.

Để giải quyết khó khăn và tái khởi động dự án, Thủ tướng đã đồng ý cho chuyển nhượng nhà đầu tư (dự kiến Tập đoàn Đèo Cả sẽ mua lại phần vốn của công ty Yên Khánh). Trước mắt, Đèo Cả tham gia điều hành dự án.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho biết, tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang vô cùng chậm, với nhiều vướng mắc. Trong đó phương án tài chính dự án không đảm bảo do lãi suất được phê duyệt 7%/năm, thấp hơn mức lãi vay thực tế của ngân hàng 10-12%/năm.

Cùng đó, là đổi phương án hỗ trợ tài chính của nhà nước.

Đặc biệt, 1 trong 6 thành viên liên danh nhà đầu tư là Công ty TNHH Yên Khánh (công ty liên quan tới - Đinh Ngọc Huệ) liên quan đến nhiều vụ án hình sự nên phía ngân hàng không thể giải ngân cho dự án…

Ông Hoàng cho rằng, nếu các bên từ cơ quan nhà nước, nhà đầu tư, ngân hàng, nhà thầu… không cùng chung tay tháo gỡ, dự án sẽ không thể hoàn thành vào năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng.

Nhà đầu tư Đèo Cả khi tiếp nhận với vai trò điều hành dự án đã chủ động mời Kiểm toán nhà nước, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, cơ quan thuế vào kiểm tra để ngăn ngừa thiếu sót. Hợp tác cơ quan cảnh sát điều tra…

“Chúng tôi đang phối hợp với Bộ GTVT, chính quyền Tiền Giang để ký phụ lục hợp đồng tham gia vào dự án, phải xong cơ sở pháp lý mới thu xếp vốn, phải tới cuối năm mới tái khởi động dự án”, ông Hoàng nói thêm.

Phải nỗ lực mới hoàn thành đúng tiến độ

Ông Mai Mạnh Hồng, TGĐ công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cam kết, kiên quyết không lỡ hẹn thêm nữa với người dân Đồng bằng sông Cửu Long, sớm đưa dự án hoàn thành cuối năm 2020.

Để tháo gỡ vướng mắc, doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT tháo gỡ 1 số khó khăn của dự án, như: Chấp thuận giảm tống mức đầu tư còn 9.669 tỷ đồng (thay vì mức 14.678 tỷ đồng) do cập nhật lại giá vật tư, vật liệu; điều chỉnh hợp đồng BOT; thống nhất các thủ tục.

Kiến nghị Thủ tướng bố trí ứng trước 500 tỷ đồng trên tổng số 2.154 tỷ đồng phần nhà nước hỗ trợ dự án…

Tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang chiều 19/4, đại diện tỉnh cho biết, về phần giải phóng mặt bằng dự án đã giải tỏa 50,51km đạt 98% khối lượng. Chỉ còn 590m chưa bàn giao. Tỉnh này cam kết sẽ quyết liệt trong thời gian tới.

Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2020, nhưng đến nay mới thi công được 15% khối lượng công trình

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, do thủ tục chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về tỉnh Tiền Giang chưa hoàn chỉnh nên việc tiếp cận nguồn vốn chưa thực hiện được là một khó khăn cho dự án. Nguồn vốn 500 tỉ đồng (trong số 2.186 tỉ Nhà nước hỗ trợ cho Nhà đầu tư) nếu không được giải ngân kịp thời lúc này cũng khiến dự án gặp ra rất nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Tiền Giang để triển khai việc chuyển cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về tỉnh Tiền Giang.

Về kinh phí 2.186 tỷ đồng mà Chính phủ ghi vốn hỗ trợ cho dự án, Bộ GTVT đã ký văn bản đề nghị bộ, ngành bố trí nguồn vốn này và sẽ kiến nghị Chính phủ sớm rót nguồn hỗ trợ cho dự án, sớm đưa dự án hoàn thành vào năm 2020.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP.HCM. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT, có tổng chiều dài 51,1km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Hiện dự án đã giải phóng mặt bằng đạt 98% khối lượng, nhưng mới thi công được khoảng 15% khối lượng công trình.

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/giai-cuu-cao-toc-hon-9-000-ty-san-mat-bang-ma-thi-cong-i-ach-525041.html