Giải cứu an toàn và chuyện dài hơi về tiêu thụ nông sản

Baoquocte.vn. Việc giải cứu nông sản không thể tự phát, trông chờ vào lòng thơm thảo của một số cá nhân, tập thể. Câu chuyện tiêu thụ nông sản của người dân phải được xây dựng một quy trình, trong đó có đo lường về những rủi ro liên quan.

Việc giải cứu nông sản không thể tự phát, mà phải được xây dựng thành một quy trình, trong đó có đo lường về những rủi ro liên quan. (Ảnh: Nguyễn Lộc)

Việc giải cứu nông sản không thể tự phát, mà phải được xây dựng thành một quy trình, trong đó có đo lường về những rủi ro liên quan. (Ảnh: Nguyễn Lộc)

Từ câu chuyện giải cứu

Những ngày qua, tinh thần chia sẻ trong lúc khó khăn, hoạn nạn lại được khơi lên, lan tỏa khi nhiều cá nhân, tập thể đã hướng về Hải Dương, vùng dịch Covid-19 đang bị giãn cách xã hội để giải cứu nông sản cho nông dân.

Trước tình trạng nông sản ở Hải Dương bị tồn đọng vì ảnh hưởng dịch Covid-19, nghệ sĩ Đại Nghĩa - Pháp danh Thiện Đạt Bảo đã vận động, kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp đỡ bà con nông dân vượt qua khó khăn này.

Theo đó, Đại Nghĩa đăng trên Facebook cá nhân và nhận được sự ủng hộ, đồng hành của rất nhiều mạnh thường quân.

Anh cho biết, theo kế hoạch, đợt 1, tài khoản An Vui (đây là tài khoản do Đại Nghĩa sáng lập để làm thiện nguyện) sẽ thu mua 25 tấn nông sản tại Thanh Miện, đợt 2 ở Tứ Kỳ và sẽ tiếp tục ở những vùng khác nữa.

Ngày 22/2, Đại Nghĩa thông báo phiên chợ 0 đồng đầu tiên của tài khoản An Vui tại quận Hà Đông (Hà Nội) đã tiêu thụ tổng cộng 12 tấn nông sản: su hào, bắp cải, cà rốt, ổi, cà chua…

Nam nghệ sĩ chia sẻ rằng, bà con đến ủng hộ rất đông. Tại đây, các cộng sự của Đại Nghĩa cũng để một thùng nhỏ nhận tiền ủng hộ tùy tâm của người dân sau khi lấy nông sản. Ngoài ra, tài khoản An Vui của Đại Nghĩa còn gửi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương 500 bộ đồ bảo hộ phòng dịch cho các y bác sĩ - những người hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với những người nhiễm Covid-19, những F0, F1…

Cũng hướng về Hải Dương, chiều 23/2, hàng trăm người dân khi đi ngang chùa Phật Bửu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh đã dừng lại trước tấm bảng “Gian hàng nông sản 0 đồng, giải cứu nông sản giúp bà con tỉnh Hải Dương”. Người thực hiện là bạn trẻ Sài Gòn kết hợp cùng Đoàn thanh niên phường 4, quận 3, TP. Hồ Chí Minh thuê xe chuyển hơn 10 tấn bắp cải vào TP. Hồ Chí Minh "giải cứu".

Dự kiến trong những ngày tới, nhóm sẽ tiếp tục nhập cà rốt và su hào từ Hải Dương để giúp bà con nông dân vì số lượng nông sản còn tồn đọng rất lớn, rất cần sự chung tay của đồng bào cả nước.

Không chỉ có vài cá nhân, nhóm nhỏ làm việc này. Chỉ cần gõ từ khóa “giải cứu nông sản Hải Dương”, trong 0,36 giây, cho ra 41.400.000 kết quả. Hầu hết các báo đều thông tin hoạt động này với sự đồng tình cùng các tấm lòng thơm thảo của cả nước.

Đó là điều đáng mừng, nhưng có lẽ cần cẩn thận hơn trong quá trình thực hiện vì dịch bệnh vẫn đang lây lan trong trong cộng đồng, nhất là tại Hải Dương. Đồng thời, các biến thể mới của nCoV với tốc độ lây lan nhanh hơn đã có ở Việt Nam.

Trường hợp xấu có thể xảy ra ở đây, bệnh nhân hoặc người tiếp xúc gần với bệnh nhân (F1, F2) có mặt tại những đám đông giải cứu. Khi đó, nếu không phát hiện thì nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng sẽ rất cao. Còn nếu phát hiện, rất nhiều người sau đó phải cách ly, làm các xét nghiệm y tế, hao tốn thời gian, công sức, tiền bạc của cả đội ngũ.

Và việc giải cứu nông sản khi đó không còn ý nghĩa nữa, tạo dấu ấn xấu dù xuất phát điểm tốt. Hay nói cách khác, nếu không cẩn thận lại thành "lợi bất cập hại", cứu được chỗ này một ít mà chỗ khác còn tốn kém hơn.

Tuân thủ 5K, và…

Đến thời điểm này, trước khi có vaccine Covid-19, nguyên tắc 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) vẫn là “vaccine” quan trọng trong chống dịch được Bộ Y tế khuyến cáo từ đầu mùa dịch. Bởi vì, việc tự bảo vệ để tránh lây lan trong cộng đồng chính là chìa khóa giúp Việt Nam thành công trong chống dịch, đạt mục tiêu kép trong năm 2020.

Tuy nhiên, quan sát việc thực hiện giải cứu nông sản diễn ra ở Hà Nội, một số địa phương khác cho thấy vẫn có cảnh tụ tập đông người, nhiều người còn đưa trẻ nhỏ đến điểm tập kết… Điều này vi phạm nguyên tắc 5K.

Cách làm nông nghiệp ở ta phải chăng vẫn còn bị động, chưa kiểm soát tốt các quy trình từ sản xuất tới tiêu thụ, bình ổn giá. (Ảnh: Nguyễn Lộc)

Thêm nữa, quy trình giải cứu vẫn chưa thống nhất. Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cần nhóm chuyên trách để xử lý những vấn đề như thế, các quy trình sẽ đi nhanh hơn.

"Trong dịch, nếu vẫn đi theo quy trình bình thường thì bao giờ mới xử lý xong? Không ai chắc chắn được rằng các cụm tỉnh khác không gặp vấn đề, vì vậy phải có mô hình vận hành chuẩn để có thể ứng phó", ông Đồng cho biết.

Đồng quan điểm đó, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết việc để nông sản phải “giải cứu” thể hiện sự kém cỏi trong xây dựng kế hoạch. Nông nghiệp là ngành chủ lực, trụ đỡ cho nền kinh tế, tác động lớn nhất đến người dân.

Theo bà Thực, nếu xây dựng phương án kinh doanh mà không tính được dự phòng, năng lực rủi ro thì sản xuất kinh doanh luôn bấp bênh, thiếu bền vững.

Viện trưởng Nguyễn Quang Đồng nhận định, Covid-19 hiện không còn là thứ dịch bệnh đột xuất. Theo ông, các địa phương phải có phương án giống với Bộ Y tế khi đưa ra các kịch bản nếu dịch bệnh xảy ra, kinh tế, hàng hóa trên địa bàn phải ứng phó như thế nào.

“Nông sản có mùa vụ hết cả rồi. Địa phương cần lên kế hoạch vào mùa cao điểm, dịch bùng phát thì quy trình thu hoạch, giãn cách, luân chuyển hàng hóa như thế nào. Covid-19 không còn là sự bất ngờ như thiên tai, lũ lụt, thay vào đó cần có sự chuẩn bị kỹ”, ông Đồng nói.

Đúng thế, dịch bệnh Covid-19 chắc chắn còn kéo dài thêm nữa dù đã hạ nhiệt trên toàn cầu kể từ khi có vaccine. Nhưng thiên tai, lũ lụt… vẫn là hiện tượng tự nhiên hàng năm ở nhiều địa phương nước ta, ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến kinh tế người dân.

Do vậy, việc giải cứu nông sản không thể tự phát, trông chờ vào lòng thảo thơm của một số cá nhân, tập thể. Câu chuyện tiêu thụ nông sản của dân phải được xây dựng một quy trình, trong đó có đo lường về những rủi ro liên quan. Covid-19 nhắc nhở điều đó!

Nhìn rộng ra, có thể thấy cách làm nông nghiệp ở ta vẫn còn bị động, chưa kiểm soát tốt các quy trình từ sản xuất tới tiêu thụ, bình ổn giá. Đâu đó vẫn còn cảnh trồng rồi chặt do thấy lợi nhuận trước mắt, vườn điều của người dân bị thu gom lá để bán sạch vì một âm mưu phá hoại, nạn ốc bươu vàng…

Nếu có thông tin đúng, kịp thời và nhà quản lý có chiến lược phát triển tốt, chắc chắn mảnh đất người nông dân canh tác đã có thể là nơi để xóa đói giảm nghèo, tiến đến làm giàu một cách bền vững.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giai-cuu-an-toan-va-chuyen-dai-hoi-ve-tieu-thu-nong-san-138088.html