Giải 'cơn khát' nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Nhật

Sự kiện ra đời Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản (Trường ĐH Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) và tiến hành mở khóa đào tạo đầu tiên vào tháng 5-2018 có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp đang trong 'cơn khát' nguồn lao động có trình độ tiếng Nhật hiện nay.

Trường ĐH Quy Nhơn làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tiếng Nhật.

Dự án từ doanh nghiệp Nhật liên tục tăng

Theo ông Phan Cao Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, thời gian qua, Bình Định đang dần được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm lựa chọn trong kế hoạch phát triển đầu tư tại Việt Nam. Năm 2017, trong số 6 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại tỉnh Bình Định thì có 4 dự án do nhà đầu tư Nhật Bản đăng ký. Lũy kế đến nay, Nhật Bản đã có 11 dự án tại tỉnh Bình Định với tổng vốn đăng ký gần 100 triệu USD (chỉ đứng sau Trung Quốc - Hồng Kông với 15 dự án). Nhiều Cty lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Bình Định đầu tư có hiệu quả.

Ông Phan Cao Thắng cho hay: Hiện nay, tỉnh Bình Định đang hợp tác trên nhiều lĩnh vực đối với các đối tác Nhật Bản. Về hợp tác sản xuất, chế tạo, mặc dù có chưa nhiều doanh nghiệp lớn, dự án có quy mô lớn và công nghệ cao được đầu tư vào Bình Định, tuy nhiên tỉnh cũng đã thu hút được một số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực may mặc, chế biến gỗ, năng lượng... Và hiện nay, tỉnh Bình Định đang chú trọng thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mạnh hơn nữa vào trong lĩnh vực này. Tỉnh đã đầu tư hoàn thành kỹ thuật Khu công nghiệp A thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội, rộng gần 700ha, rất gần cảng biển, cảng hàng không và đường bộ cũng như đường sắt, đang chờ đón các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Khu công nghiệp này. Tỉnh Bình Định kêu gọi hợp tác đầu tư phát triển về lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh trong các lĩnh vực điện tử; chế biến nông, thủy sản; công nghệ môi trường và tiết kiệm năng lượng; máy và thiết bị nông nghiệp; ô-tô và linh kiện ô-tô.

"Về hợp tác lĩnh vực ngư nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, hiện tỉnh Bình Định đang triển khai đề án chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật Bản để thực hiện mô hình sản xuất cá ngừ theo chuỗi từ khai thác - thu mua - xuất khẩu sang Nhật dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Hội hữu nghị Nhật - Việt tại SaKai từ cuối năm 2015 đến nay bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan, nâng cao năng suất, giá trị thủy sản và thu nhập của ngư dân tỉnh Bình Định. Cty Cổ phần Kei's Nhật Bản và Sở NN&PTNT đã phối hợp triển khai mô hình trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật tại xã Nhơn Hậu (H. An Nhơn), có diện tích 3.000 m2, có tổng vốn đầu tư 3 triệu yên. Đây sẽ là tiền đề để doanh nghiệp Nhật Bản hình thành chuỗi mô hình trồng rau an toàn công nghệ cao, chuyển giao công nghệ và liên kết tiêu thụ sản phẩm", ông Thắng cho biết thêm.

Lợi ích kép

Với lợi thế, điều kiện thuận lợi cũng như tiềm năng phát triển kinh tế còn rất lớn nên Bình Định và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ đang là địa bàn hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao, đặc biệt nguồn nhân lực có trình độ tiếng Nhật khiến cho các doanh nghiệp Nhật đang có dự án đầu tư, cũng như có ý định đầu tư còn tỏ ra lo ngại, lo lắng. Cùng với đó, chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn khi thực hiện kêu gọi các doanh nghiệp Nhật vào đầu tư tại địa phương.

Nói về yếu tố quyết định thu hút đầu tư từ Nhật Bản, ông Umeda Kunio - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: "Mặc dù đã có ngôn ngữ tiếng Anh, nhưng một trong các yếu tố then chốt để thu hút đầu tư từ Nhật Bản chính là chất lượng nguồn nhân lực biết tiếng Nhật có sẵn tại địa phương". Ông Umeda Kunio chia sẻ thêm: "Trong chuyến thăm làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định vừa qua, tôi đã có buổi gặp mặt với các doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại tỉnh Bình Định và khu vực Nam Trung Bộ. Tôi được nghe nhiều lần các doanh nghiệp Nhật Bản đang có dự án đầu tư tại tỉnh Bình Định và khu vực Nam Trung Bộ (Việt Nam) cho biết đang gặp phải những khó khăn vì thiếu nguồn nhân lực có trình độ tiếng Nhật. Chính vì vậy, khi đến cắt băng khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản tại Trường ĐH Quy Nhơn, tôi cảm thấy rất phấn khởi. Việc Trường ĐH Quy Nhơn thực hiện đào tạo tiếng Nhật, cung cấp nguồn nhân lực đạt chuẩn yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư FDI từ phía Nhật Bản".

Nói về công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tiếng Nhật tại nhà trường, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, cho hay: "Nhật Bản đang là một trong các đối tác chiến lược của tỉnh Bình Định, rất nhiều doanh nghiệp đã và đang khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương. Với phương châm gắn với hướng phát triển của tỉnh Bình Định, Trường ĐH Quy Nhơn đã tích cực mở rộng hợp tác với các đối tác Nhật Bản. Thời gian qua, Trường ĐH Quy Nhơn đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường ĐH Ryukoku, Kyoto về hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật và văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo tiếng Nhật.

"Xuất phát từ nhu cầu học tiếng Nhật và sự quan tâm đến văn hóa Nhật rất lớn tại địa phương, phục vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phổ biến văn hóa Nhật cho cộng đồng, Trường ĐH Quy Nhơn đã thành lập Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, với chức năng chính là đào tạo tiếng Nhật, kỹ năng làm việc cho nhiều đối tượng, là đầu mối giao lưu văn hóa, phổ biến văn hóa Nhật tại địa phương góp phần tối ưu hóa các điều kiện về thu hút đầu tư Nhật của tỉnh Bình Định. Cùng với sự đẩy mạnh hợp tác, trao đổi của Trường ĐH Quy Nhơn, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản sẽ góp phần thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bình Định và các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, giúp sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn có thêm cơ hội tìm kiếm làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn trong tỉnh, cũng như xuất khẩu lao động ra ngoài nước", PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ nhấn mạnh.

KHẢI MINH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_191779_giai-con-khat-nguon-nhan-luc-cho-doanh-nghiep-nhat.aspx