Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII - năm 2018 qua lăng kính những người 'cầm cân nảy mực'

Chất lượng các tác phẩm khá đồng đều, giảm dần sự cách biệt lớn về chất lượng giữa các tác phẩm của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; Nhiều tác phẩm có tính phát hiện tốt, phản ánh những vấn đề nóng, tác động mạnh đến xã hội, hình thành dư luận tốt, chuyển biến tích cực...

Đó là những nhận định của các nhà báo được giao trọng trách “cầm cân nảy mực” tại Giải BCQG lần thứ XIII - 2018 mà báo Nhà báo & Công luận đã ghi lại để giúp bạn đọc nhận diện rõ hơn về chất lượng của mùa Giải năm nay.

Hội đồng chung khảo chấm Giải Ảnh Báo chí - Giải BCQG lần thứ XIII.

Ông Mai Đức Lộc - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải BCQG lần thứ XIII - năm 2018:

"Nhiều tác phẩm có tính phát hiện tốt, phản ánh những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm"

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII - năm 2018 được các cấp Hội hưởng ứng tích cực, so với các giải trước, đây là năm có số lượng tác phẩm tham dự giải nhiều nhất. Các cấp Hội và cá nhân tham dự thực hiện đúng Điều lệ và quy định, thời gian đúng hạn, chất lượng hồ sơ bảo đảm.

Nhìn chung năm nay, các tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo là những tác phẩm tiêu biểu, phản ánh khá toàn diện, trung thực và sinh động tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng,... năm 2018, nội dung chất lượng tốt và có hình thức thể hiện sắc sảo, thuyết phục. Chất lượng các tác phẩm khá đồng đều, giảm dần sự cách biệt lớn về chất lượng giữa các tác phẩm của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện tốt, phản ánh những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm. Nhiều tác phẩm của các cơ quan báo chí địa phương trong các nhóm thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo in, báo điện tử) và Tin, phóng sự, ký sự, phim tài liệu (báo hình) được đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn những hạn chế cần khắc phục trong mùa Giải năm tới. Về số lượng tác phẩm dự Giải nhiều nhưng vẫn chưa có tác phẩm thực sự xuất sắc, nổi trội. Cách tiếp cận của nhiều tác phẩm vẫn còn theo lối mòn, thiếu tính phát hiện. Chưa có Tin đứng độc lập có chất lượng. Chủ đề người tốt việc tốt chưa nhiều (có tiểu ban không có tác phẩm nào). Ảnh báo chí vẫn chưa có tác phẩm thật sự nổi trội, số lượng tác phẩm vào Chung khảo ít hơn năm trước. Tôi hy vọng rằng mùa Giải năm tới chúng ta sẽ khắc phục những hạn chế kể trên, phát huy những ưu điểm để mong rằng sẽ nâng cao hơn nữa về chất lượng các tác phẩm.

Ông Phan Hữu Minh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam:

"Lãnh đạo các cấp Hội địa phương đã quan tâm cũng như đầu tư nhiều hơn tới các tác phẩm dự thi"

Số lượng lẫn chất lượng các tác phẩm vòng Chung khảo năm nay tốt hơn so với năm ngoái. Tổng số lượng bài dự thi đủ điều kiện vào vòng Chung khảo của các cơ quan báo chí có gần 150 tác phẩm đến từ 32 Hội Nhà báo các tỉnh và thành phố, điều này khẳng định rằng mặt bằng chung chất lượng Giải năm nay đã được cải thiện rõ rệt; khoảng cách về chất lượng các tác phẩm giữa các cơ quan báo chí Trung ương cũng như địa phương đã thu hẹp lại và đồng đều hơn, qua đó còn thể hiện sự đầu tư, sự quan tâm nhiều hơn từ lãnh đạo các cấp Hội, các cơ quan báo chí địa phương đối với các tác phẩm dự thi. Hội đồng Chung khảo năm nay có 39 thành viên đều là những người có kinh nghiệm cao về báo chí để chấm và chọn lựa tác phẩm một cách chuẩn xác và khách quan nhất. Có hai mảng được Hội đồng đánh giá cao. Thứ nhất là mảng Truyền hình, bao gồm những phóng sự, tin bài, phim tài liệu có vấn đề. Hai là phóng sự điều tra của báo in thể hiện nội dung về những vấn đề bức xúc mà cả xã hội đang cần giải quyết.

Đại tá Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP. HCM, nguyên Tổng Biên tập Báo Công an TP. HCM:

"Sự vất vả, dấn thân, quyết tâm của các phóng viên được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm"

Mặc dù mới là năm thứ hai tham gia Hội đồng Chung khảo, nhưng năm nay tôi thấy các tác phẩm dự thi phản ánh những vấn đề nóng, các sự kiện thời sự, kinh tế, văn hóa, xã hội phong phú, đa dạng, nhiều tác phẩm thể hiện hơi thở cuộc sống. Trước đây một số cơ quan báo chí Trung ương có ưu thế mạnh hơn, nhiều tác phẩm nổi trội hơn hẳn. Nhưng sang năm nay, các tác phẩm của các cơ quan báo chí ở địa phương đã tốt hơn về chất lượng cũng như đi sâu vào những vấn đề người dân quan tâm, tạo nên được xúc cảm cho người xem.

Đặc biệt, trong quá trình chấm các tác phẩm dự thi, với kinh nghiệm từng là Tổng Biên tập Báo Công an TP.HCM, tôi thấy rằng sự vất vả, dấn thân, quyết tâm của các phóng viên được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm. Tôi đặc biệt ấn tượng với nhiều tác phẩm của các phóng viên thực hiện những bài, loạt bài điều tra. Những tác phẩm này có thể khẳng định, rõ ràng nếu phóng viên không đi thực tế và thâm nhập vào hiện trường, đặc biệt khi thực hiện những bài, loạt bài về điều tra hoặc phóng sự điều tra thì không bao giờ có thể mang được hơi thở cuộc sống vào trong tác phẩm mình thực hiện. Chính vì vậy, để có được những tác phẩm chất lượng, họ đã phải đương đầu với những khó khăn, thử thách thậm chí còn có thể nguy hiểm tới tính mạng của mình.

Hội đồng Chung khảo bỏ phiếu chọn ra các tác phẩm báo chí xuất sắc nhất để vinh danh. Ảnh: Sơn Hải

Ông Huỳnh Quốc Hoàng - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Cần Thơ:

"Mặt bằng chất lượng chung của các tác phẩm dự giải đồng đều hơn"

Là năm thứ tư tham gia Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia, phải khẳng định rằng, chất lượng của Giải ngày càng được nâng lên. Ở vòng Chung khảo, số lượng lẫn chất lượng các tác phẩm vòng Chung khảo năm nay tốt hơn so với năm ngoái; Mặt bằng chất lượng chung của các tác phẩm dự Giải đồng đều hơn, nhất là sự vươn lên của các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Nhiều tác phẩm bám sát vào vấn đề nóng, được xã hội quan tâm. Khoảng cách về chất lượng giữa báo chí Trung ương và địa phương ngày càng rút ngắn. Ở thể loại Phát thanh và Truyền hình, một số đài PT - TH năm nay có những thể nghiệm mới trong nghiệp vụ khá thành công, nhiều tác phẩm không có lời bình được Hội đồng Chung khảo đánh giá cao. Tôi rất ấn tượng và cho rằng đây là một điểm tiến bộ của năm nay đối với riêng thể loại này.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, ví dụ như các tác phẩm về báo in còn ít bình luận và không có xã luận, thiếu vắng phóng sự viết về văn hóa. Các tác phẩm về Phát thanh còn thể hiện khá rõ lối mòn, ít tác phẩm có tính phát hiện. Đặc biệt là ảnh báo chí vẫn chưa có sự đột phá, đổi mới, chưa có tác phẩm nổi trội, thậm chí tác phẩm ảnh báo chí tham dự Chung khảo chỉ có 7 tác phẩm nhưng đều là phóng sự ảnh và không có ảnh đơn.

Ông Hoàng Giang – Phó Tổng Giám đốc Truyền hình Thông tấn (TTXVN):

“Cảm nhận sau mỗi tác phẩm là tinh thần cống hiến và sức sáng tạo”

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII, ở thể loại tin, phóng sự, ký sự Truyền hình, Hội đồng Sơ khảo đã nhận được 269 tác phẩm gửi dự thi và đã chọn được 20 tác phẩm vào Chung khảo. Lấy góc nhìn của một khán giả, sau khi xem tác phẩm của đồng nghiệp ở các đài, tôi cảm nhận sau mỗi tác phẩm là rất nhiều những tinh thần cống hiến, nghị lực kiên cường, khả năng sáng tạo, lòng đam mê nghề nghiệp, sự dấn thân, lao động nghề nghiêm cẩn... không thể nói hết.

Về chủ đề, các tác phẩm dự thi đã cơ bản bao quát hết những vấn đề thời sự của cả nước, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa. Bên cạnh đó, nhiều loạt bài, phóng sự làm Ban Giám khảo bất ngờ vì đã đầu tư công sức, đi sâu làm rõ những mảng tối, sáng trong đời sống xã hội. Và một điểm đáng lưu ý là trong số tác phẩm gửi dự thi có không ít những tác phẩm người tốt việc tốt, gương “tâm sáng, chí bền”, chứ không phải chỉ là tập hợp nhiều những tác phẩm điều tra tiêu cực. Mặt khác, có những tác phẩm tuy chưa được chọn vào Chung khảo, nhưng lại gây được tiếng vang, được khán giả đánh giá tốt, có phản hồi tích cực, làm thay đổi hiện trạng ban đầu, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, tôi cho đó cũng là điều rất đáng ghi nhận. Làm ký sự, phóng sự Truyền hình đòi hỏi những sự đặc thù về hình ảnh, thì mới lột tả hết được những nội dung mà tác giả muốn nói, những thông tin mà khán giả muốn nghe và thấy trực quan. Với một mặt bằng chung như vậy, để chọn ra được các tác phẩm vượt trội để vào Chung khảo, các thành viên Hội đồng phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo khách quan, chính xác.

Ông Phạm Tiến Dũng - Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh:

“Ảnh báo chí – Chưa có nhiều tác phẩm thực sự nổi trội”

Năm nay số lượng tác phẩm dự thi có tổng cộng 112 tác phẩm, trong đó có 21 ảnh đơn và 91 nhóm ảnh, phóng sự ảnh. Rất khiêm tốn khi chỉ có 7 tác phẩm được lựa chọn vào vòng chung khảo và toàn bộ đều là phóng sự ảnh. Nếu thực sự chụp tốt thì ảnh đơn cũng có sức thuyết phục người xem chứ không chỉ phóng sự ảnh, nhưng chất lượng của ảnh đơn trong mấy cuộc thi gần đây còn khá yếu. Các tác phẩm có chất lượng tốt vẫn chủ yếu thuộc về một số cơ quan báo chí lớn như TTXVN, báo Nhân Dân, báo Quân đội nhân dân... Các tác phẩm ảnh dự thi của các địa phương chất lượng còn thấp, còn khá hạn chế về chuyên môn, chưa có nhiều tác phẩm thật sự nổi trội trong tìm đề tài, trong phương thức thể hiện bằng ngôn ngữ đặc trưng của ảnh báo chí, thiếu tính sáng tạo. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm chú thích khá chung chung thiếu thông tin cần thiết đối với một tác phẩm ảnh báo chí. Điều đó cho thấy sự đầu tư về chuyên môn, sự quan tâm đến lĩnh vực ảnh báo chí còn chưa tốt. Do vậy Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí cần quan tâm hơn nữa đến nâng cao chất lượng ảnh báo chí, đến đào tạo phóng viên ảnh và những người làm công tác biên tập ảnh, đến tuyển chọn tác phẩm dự thi để ảnh báo chí thể hiện đúng tầm của mình.

Ông Lê Trọng Nghĩa – Tổng Biên tập báo Hải Phòng:

“Các tác phẩm vào Chung khảo đều đi vào những vấn đề thời sự của xã hội với tính chiến đấu mạnh mẽ”

Thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí, ghi chép năm 2018 có 296 tác phẩm dự thi đến từ 74 cơ quan báo chí Trung ương, ngành và địa phương. Về đề tài, phạm vi chủ đề báo chí các bài viết của Tiểu ban Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí, ghi chép năm nay có nhiều thay đổi. Tuy số lượng tác phẩm dự giải ít hơn năm ngoái nhưng năm nay lại có nhiều tác phẩm chất lượng hơn, nổi bật nhất là thể loại điều tra, phóng sự điều tra, có tính phanh phui, phát hiện, gai góc, đi vào những vấn đề thời sự của xã hội với tính chiến đấu mạnh mẽ... Những tác phẩm có chất lượng cao trước hết là sự dấn thân của người làm báo vào những lĩnh vực đang được xã hội quan tâm, thiết thân với đời sống của người dân. Những tác giả, tác phẩm có được yếu tố này không còn ranh giới là báo Trung ương hay địa phương, báo lớn hay báo bé... Các tác phẩm vào Chung khảo phần lớn đều có những tác động mạnh đến xã hội, hình thành dư luận tốt, chuyển biến khá tốt từ cơ quan chức năng, quản lý nhà nước, đối tượng được đề cập khi nhiều loạt bài đi đến cùng sự việc, sau khi đăng tải đã tạo ra hiệu ứng thay đổi. Với quá trình xem xét, thẩm định kỹ lưỡng nhiều lần từng tác phẩm, chúng tôi đã trao đổi ý kiến thẳng thắn, bàn bạc và đồng thuận chọn ra 17 tác phẩm vào vòng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia năm 2018. Năm nay, nhìn chung phân bố các tác phẩm vào vòng Chung khảo khá đồng đều cả báo ngành và Trung ương, địa phương.

Hoàng Huy (Ghi)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giai-bao-chi-quoc-gia-lan-thu-xiii--nam-2018-qua-lang-kinh-nhung-nguoi-cam-can-nay-muc-post63545.html