Giải bài toán tìm vốn cho đầu tư phát triển

Theo dự báo, TP Hồ Chí Minh cần khoảng 345.000 tỷ đồng vốn ngân sách để đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Nút giao thông An Sương đi vào hoạt động đã giảm nạn kẹt xe ở cửa ngõ tây bắc thành phố.

Nút giao thông An Sương đi vào hoạt động đã giảm nạn kẹt xe ở cửa ngõ tây bắc thành phố.

Trong bối cảnh đối mặt nhiều lực cản, thách thức, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp huy động các nguồn vốn.

Nhu cầu lớn, thách thức nhiều

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố, do tính cấp bách của việc đầu tư khép kín đường vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Sở đã kiến nghị UBND thành phố đưa bốn dự án (công trình) này vào danh mục đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Dự kiến, tổng vốn ngân sách thành phố cần để thực hiện bốn công trình này là hơn 56.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án vành đai 2 cần khoảng 23.573 tỷ đồng (riêng chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng khoảng 18.516 tỷ đồng); dự án vành đai 3 cần khoảng 26.463 tỷ đồng; dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài cần khoảng 5.901 tỷ đồng… Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ tập trung đầu tư nhiều dự án lớn để cải thiện môi trường, chống ngập nước. Trong đó, có dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối với tỉnh Long An, Bình Dương và Ðồng Nai). Dự án này đã được HÐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư, số vốn khoảng 8.200 tỷ đồng, đang được các ngành chức năng tích cực chuẩn bị triển khai. Tiếp đó là dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (đi qua quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp), cũng đang được các cơ quan chức năng triển khai. Trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố cũng sẽ triển khai nhiều dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước và nạo vét kênh, rạch với tổng chiều dài hệ thống thoát nước được bổ sung khoảng 96 km và chiều dài kênh, rạch được cải tạo khoảng 5 km. Tổng số vốn để thực hiện những dự án nêu trên là khoảng hơn 101.000 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH-ÐT) thành phố Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho biết: Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), TP Hồ Chí Minh là một trong mười thành phố trên thế giới bị hiện tượng biến đổi khí hậu đe dọa nhiều nhất. Theo một kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nếu mực nước biển dâng thêm 1 m thì hơn 17% diện tích thành phố sẽ bị ngập. Như vậy, thành phố sẽ phải xây dựng thêm hàng loạt công trình tiêu - thoát nước mới với quy mô lớn, và dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025 nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án chống ngập và xử lý nước thải là 102.419 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tốc độ gia tăng dân số của thành phố cao (bình quân tăng thêm một triệu người sau 5 năm) và mật độ dân số cũng rất lớn (hơn 37.000 người/km2 ở các quận trung tâm, vượt hơn 4,5 lần mức độ an toàn đô thị theo khuyến nghị quốc tế). Quy mô dân số tăng nhanh tạo sức ép lớn lên đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội để có thể nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tăng khả năng thu hút đầu tư phát triển thành phố. Cùng với đó, thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức về thu ngân sách do việc thực hiện một số giải pháp tăng nguồn thu ngân sách theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội chưa thật sự hiệu quả; thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội và ổn định; việc kêu gọi vốn đầu tư từ doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư cũng gặp khó khăn do vướng một số bất cập trong quy định pháp luật hiện hành; mức chi thường xuyên thực tế trên địa bàn thành phố vượt cao so với dự toán Trung ương (T.Ư) giao nên phần cân đối ngân sách còn lại không đủ để đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển tại thành phố… Dự kiến vốn đầu tư toàn xã hội thành phố cần cho giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 690.000 tỷ đồng/năm. Hiện, thành phố đang xây dựng Ðề án "Ðiều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2026 - 2030 để tăng thu ngân sách chuyển T.Ư và tạo tiền đề để thành phố phát triển nhanh, bền vững", trong đó dự kiến nhu cầu đầu tư bằng vốn ngân sách cho giai đoạn 2021 - 2025 là 345.000 tỷ đồng.

Chú trọng hợp tác công - tư

Theo Giám đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, một trong những giải pháp huy động nguồn vốn để đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông là tập trung tổ chức thực hiện Nghị quyết số 01/2018/NQ-HÐND (ngày 16-3-2018 của HÐND thành phố về việc ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô-tô trên địa bàn thành phố); Ðề án thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển của thành phố (để tạo nguồn vốn ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cửa khẩu, cảng biển). Bên cạnh đó, sở cũng sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép thành phố tạm ứng ngân sách của mình, các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của thành phố hoặc kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để sớm hoàn thành các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng (trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt) thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách T.Ư trên địa bàn thành phố. Sau đó, ngân sách T.Ư hoàn trả cho thành phố phần dự toán chi thuộc trách nhiệm của ngân sách T.Ư…

Giám đốc Sở KH-ÐT thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Ðể tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển, thành phố cần thực hiện tốt Ðề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả; trong đó đề xuất thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá. Bên cạnh đó, thành phố cần chủ động phối hợp Bộ Tài chính đánh giá giá trị các công trình xây dựng, nhà, đất của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp (DN) nhà nước do T.Ư và thành phố quản lý mà đang khai thác, sử dụng chưa đúng mục đích, chưa hiệu quả; từ đó kiến nghị giao lại cho thành phố để tạo nguồn lực cho thành phố phát triển. Ðồng thời, rà soát quỹ đất công do các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố quản lý, trường hợp không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì xây dựng phương án bán đấu giá để bổ sung nguồn thu cho ngân sách thành phố; tăng cường quản lý đất đai, bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, phù hợp quy hoạch, trường hợp đất thuê nhà nước mà có vi phạm thì xem xét thu hồi theo quy định để tổ chức bán đấu giá… Ðẩy mạnh các phương thức hợp tác công - tư và xã hội hóa các lĩnh vực có thể kêu gọi DN tham gia đầu tư; tăng cường tổ chức hoạt động kết nối, hỗ trợ DN, nhà đầu tư tiếp cận các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài hoặc các tổ chức tài chính quốc tế.

Bài và ảnh: HOÀNG LIÊM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/giai-bai-toan-tim-von-cho-dau-tu-phat-trien-650701/