Giải bài toán tìm lại khán giả theo hướng khác

Các đoàn nhà hát kịch phía Bắc vẫn thường mang quân vào Nam 'đánh quả' một thời gian rồi lại kéo quân đi các tỉnh, nhưng chuyện lạ gần đây là bà bầu Lệ Ngọc với mô hình sân khấu tư nhân đầu tiên tại Hà Nội lại mang hai vở diễn đến TPHCM chiêu đãi miễn phí cho khán giả...

Sân khấu Lệ Ngọc diễn giao lưu ở TPHCM. Ảnh: SKCC

Đổi món và đổi gió

Thực ra, việc đổi món cho khán giả trong Nam là điều mà nhiều nhà hát nghĩ đến, song không dễ vì toàn bộ kinh phí cho cả đoàn diễn viên di chuyển, ăn ở khá tốn kém, thường chỉ lỗ và may ra mới hòa vốn. Đáng nói là gần đây, kịch Bắc không còn đủ sức lôi kéo khán giả phía Nam đến rạp. Xem là để cho biết, để có sự so sánh, còn xem để “tạo sốt” như nhiều năm trước đây thì không còn. Thế nên các chuyến lưu diễn để đủ suất phục vụ là chính, các đoàn thường mang những vở đã có huy chương trong các hội diễn hay các vở cũ từng ăn khách ngoài Bắc vào để thăm dò khán giả phía Nam.

Vậy mà lần này sân khấu Lệ Ngọc tự tin mang hai vở khá mới, “Kim Tử” (kịch bản: Tào Ngu, đạo diễn: Chua Soo Pong) và “Ngũ biến” (kịch bản và đạo diễn: NSND Anh Tú) diễn giao lưu tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, sau đó diễn ở Nhà hát Trần Hữu Trang và Đại học Kiến trúc TPHCM từ 15-19.10. Vở “Kim Tử” vừa đoạt 4 giải tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN tháng 9.2018, còn “Ngũ biến” sân khấu hóa 5 giá hầu đồng trong đạo thờ Mẫu tam phủ của người Việt, từng biểu diễn ở nhiều nước.

Dù sân khấu chỉ mới ra mắt trong vòng 2 năm, chưa có điểm diễn cố định, song NSND Lệ Ngọc xác định rõ sân khấu của mình hướng đến khán giả ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng cũng như sẽ thường xuyên lưu diễn.

Nghệ sĩ Lệ Ngọc cho biết: “Chúng tôi thường không bán vé cho khách lẻ tại Hà Nội mà bán chủ yếu qua các tổ chức, các doanh nghiệp. Sau 40 năm làm việc tại Nhà hát Kịch Việt Nam, song hành đó là việc điều hành các doanh nghiệp tư nhân, tôi có được mối quan hệ rộng rãi nên việc xin tiền cho sân khấu hoạt động cũng có những thuận lợi riêng. Nhiều khi không đủ, tôi xuất tiền gia đình bù vào, miễn sao làm được vở ưng ý về kịch bản, dàn dựng”.

Trong 3 ngày qua, khán giả TPHCM cũng đã đến xem “Kim Tử” của sân khấu Kim Ngọc, với nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Tuy nhiên, ghi nhận sự nỗ lực của sân khấu tư nhân để tiếp cận với khán giả theo cách mềm hóa, không quá “khiên cưỡng” như các đoàn nhà hát chính thống.

Gian nan tìm lại khán giả

Nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái, trong vai trò cố vấn nghệ thuật của sân khấu Lệ Ngọc, chia sẻ: “Bi kịch lớn nhất của sân khấu Việt Nam hiện nay là đi tìm lại lượng khán giả đã mất. Sau những năm tháng diễn các vở khá mờ nhạt về kịch bản, xa rời việc đối thoại với đời sống, sân khấu bị khán giả dần quay lưng để tìm đến những nơi dễ dàng đối thoại hơn, như mạng xã hội chẳng hạn. Tôi cho rằng con đường của Lệ Ngọc sẽ còn nhiều chông gai phía trước nhưng cũng hy vọng việc họ chọn lọc những kịch bản hay, dàn dựng có đối thoại, khán giả sẽ tìm đến với họ”.

Song vấn đề là để khán giả phía Nam mua vé vào xem thì kịch mục phải có tính dung hòa, giữa những vở kinh điển và vở giải trí. Lâu nay, kịch Nam vẫn sáng đèn nhờ mỗi sân khấu cho ra một gu kịch khác nhau, hài có, bi có, chính kịch cũng có dù ít hơn. Có những thời điểm, hài kịch, kịch về đề tài đồng tính và kịch kinh dị hầu như chiếm lĩnh các sân khấu.

Việc các nhà hát, đoàn hát từ Hà Nội vào lưu diễn vẫn khó tạo cú hích cho khán giả tự bỏ tiền mua vé, mà chủ yếu thông qua các doanh nghiệp. Khán giả TPHCM đã quen với kịch giải trí và tâm lý gần gũi nên vẫn chưa quen với phong cách kịch Bắc vốn dĩ hơi cường điệu và nhiều luận lý.

Hơn thế, các đoàn nhà hát phía Bắc thường mang vào các vở đề tài cách mạng, đoạt giải liên hoan, mang lại cảm giác khô cứng với khán giả trong Nam. Như trường hợp Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức chuyến lưu diễn các tỉnh miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên với vở “Bão tố Trường Sơn” là đề tài nhân ngày 27.7. Thế nên cách chọn vở lưu diễn cũng cần chú ý. Nhiều năm nay, kịch Lưu Quang Vũ dù dựng đi dựng lại vẫn được nhiều người đón xem. Và khi mang kịch vào Nam, khán giả cũng khá thích vì ít nhiều còn mang không khí đương đại, chỉ có điều cách dựng có mang lại điều gì mới hay không.

Cho nên đi tìm lại khán giả vẫn còn là bài toán khó, phải tính kỹ với những sự điều chỉnh phù hợp.

MINH THI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giai-tri/giai-bai-toan-tim-lai-khan-gia-theo-huong-khac-637328.ldo