Giải bài toán thiếu nước ở vùng nắng hạn

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, tại Bình Thuận hiện nay nắng nóng đang diễn ra trên diện rộng và gay gắt nhất trong 10 năm trở lại đây.

Nắng nóng đang diễn ra ở Bình Thuận trên diện rộng và gay gắt nhất trong 10 năm trở lại đây. Ảnh minh họa: TTXVN

Nắng nóng đang diễn ra ở Bình Thuận trên diện rộng và gay gắt nhất trong 10 năm trở lại đây. Ảnh minh họa: TTXVN

Tình hình hạn hán năm nay có thể tương tự và có phần khốc liệt hơn so với năm bị hạn hán nặng từng xảy ra năm 2016. Để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho hàng nghìn diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nhất là đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh Bình Thuận đang triển khai nhiều giải pháp chống hạn cấp bách, quyết liệt.
* Nắng nóng gay gắt, hạn kỷ lục
Tình trạng nắng nóng tại Bình Thuận bắt đầu từ đầu năm 2020 đến nay. Hầu hết các địa phương đều không có mưa, nhiệt độ tăng cao khiến nguồn nước tự nhiên, dòng chảy trên các sông, suối thiếu hụt, nguồn nước ngầm cũng bị suy giảm mạnh. Lượng nước tại các hồ chứa thủy lợi cũng tụt giảm nghiêm trọng.

Tính đến ngày 13/5, lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy lợi trên toàn tỉnh Bình Thuận chỉ còn 12,3 triệu m3, đạt 4,8% dung tích hữu ích thiết kế. Tại huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Hàm Tân… nhiều hồ thủy lợi đã xuống dưới mực nước chết, thậm chí cạn trơ đáy.
Ghi nhận tại các vùng trồng thanh long trọng điểm của Bình Thuận như: Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình hiện đang có hàng nghìn ha thanh long đang trong tình trạng “khát nước”, héo cành.

Các hồ thủy lợi hết nước nên các địa phương đều điều tiết cắt giảm lượng nước tưới để ưu tiên phục vụ nguồn nước cho sinh hoạt của người dân và gia súc, gia cầm. Rút kinh nghiệm nhiều năm, người trồng thanh long đào ao tích trữ nước để tưới trong mùa khô, tuy nhiên với tình hình nắng hạn khốc liệt như năm nay thì nước cũng không còn.
Ông Phạm Hữu Tiến, ở xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, vườn thanh long của ông chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước từ dòng chảy tự nhiên vì đào ao không có nước. Từ giữa tháng 4 lượng nước bắt đầu ít dần và đến nay thì không còn. Không có nước tưới, nhìn cành thanh long teo tóp, suy kiệt ông cũng chỉ biết lắc đầu xót xa chứ không biết làm gì hơn. Trước mắt, ông rải rơm, đắp cỏ dưới gốc để giữ độ ẩm cho cây, “cầm cự” cho đến khi có mưa.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện nay các địa phương trong tỉnh đều đang bị hạn hán, không có nguồn nước sản xuất. Thống kê sơ bộ đã có hơn 13.000 ha cây thanh long tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Hàm Thuận Bắc thiếu nước tưới từ cuối tháng 3/2020 đến nay. Nhiều diện tích cây trồng nông nghiệp, cây lâu năm, hoa màu… cũng thiếu nước tưới dẫn đến năng suất đạt thấp.
Nắng nóng kéo dài, nguồn nước ngầm suy giảm mạnh, các giếng khoan, giếng đào ở các địa phương trong tỉnh hầu hết đều trong tình trạng cạn nước, có nhiều khu vực không còn nước hoặc bị nhiễm mặn dẫn đến tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Tỉnh có hơn 26.000 hộ với 98.000 nhân khẩu tại 39 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ.
Tại các xã như: Tân Thắng, Thắng Hải, Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân), Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc), Tân Phúc (Hàm Tân)… tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt trở nên gay gắt hơn khi phần lớn nguồn nước sinh hoạt của người dân phụ thuộc chủ yếu vào giếng đào, giếng khoan.

Theo bà Đỗ Thị Văn Hoàng, thôn 4, xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, hiện tại hầu hết hệ thống giếng khoan tại địa phương đều bị nhiễm phèn, vôi. Trong khi đó, giếng đào của người dân cũng đã cạn trơ đáy. Để có nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, người dân phải mua nước sinh hoạt từ các nơi chở tới với giá dao động từ 80 đến 120 nghìn đồng/m3 nước… Nước khan hiếm nên các hoạt động sinh hoạt hằng ngày đều phải sử dụng tiết kiệm, chắt chiu từng giọt nước.
* Cấp bách các giải pháp chống hạn
Với tình trạng nguồn nước hiện nay và theo dự báo lượng mưa năm 2020 thì nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước trên toàn tỉnh được dự báo ở mức hạn vừa đến hạn mặn, thậm chí hạn hán cực đoan là rất cao. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 trên địa bàn tỉnh. Việc này sẽ tạo thuận lợi trong việc huy động mọi nguồn lực để chống hạn.
Do năm 2019, thời tiết không thuận lợi, lượng mưa và dòng chảy trên các sông suối ở mức thấp so với trung bình nhiều năm nên ngay từ đầu năm 2020, Bình Thuận đã chủ động lên kế hoạch phòng, chống hạn hán. Đặc biệt, tỉnh đã chủ động cân đối nguồn nước và cắt giảm hơn 15 nghìn ha diện tích sản xuất trong vụ Đông Xuân năm 2019- 2020.

Bên cạnh đó, các địa phương đã chuyển đổi hơn 4.800 ha cây trồng trên đất trồng lúa thiếu nước. Nhờ đó, các địa phương đã hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng hạn gây ra.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, với tình hình nguồn nước hiện tại không có để cân đối điều tiết và để tập trung ưu tiên cho nước sinh hoạt, ngoại trừ huyện Đức Linh, Tánh Linh (nhờ sử dụng nguồn nước thủy điện Hàm Thuận), các địa phương còn lại tạm dừng bố trí sản xuất vụ Hè Thu năm 2020, tiến hành khâu làm đất, cày ải chờ mưa.

Theo đó, ngành Nông nghiệp đã xây dựng 3 phương án cụ thể để ứng phó với tình huống có mưa; mưa xuất hiện từ giữa cuối tháng 6 và kịch bản mưa đến trễ sau 30/6.
Để kịp thời bổ sung nguồn nước chống hạn, sau đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận, Công ty thủy điện Đại Ninh đã điều chỉnh lưu lượng chạy máy phát điện kết hợp cấp nước về hạ du phục vụ công tác chống hạn của Bình Thuận với tổng lượng nước xả trong tháng 5 là 17,92 triệu m3 và dự kiến trong tháng 6 là 20,52 triệu m3.

Nhờ nguồn nước bổ sung từ thủy điện Đại Ninh, Nhà máy thủy điện Bắc Bình tiến hành xả nước với lưu lượng khoảng 1 triệu m3/ngày. Nguồn nước này sẽ góp phần quan trọng kịp thời bổ sung nguồn nước chống hạn cho các địa phương thuộc tỉnh Bình Thuận nằm ở vùng hạ du của thủy điện Đại Ninh, đặc biệt là duy trì sự sống cho 13.000 ha thanh long tại huyện Bắc Binh và Hàm Thuận Bắc.
Tại chuyến kiểm tra thực tế tình hình cấp nước chống hạn, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình theo dõi chặt chẽ lượng dòng chảy đến các hệ thống công trình thủy lợi để vận hành, điều tiết nước cho phù hợp; tính toán cân bằng nước, xây dựng lịch cấp nước cụ thể cho từng hệ thống công trình bảo đảm phục vụ sinh hoạt, sản xuất và các nhu cầu thiết yếu khác từ nay đến hết mùa khô năm 2020.
Về lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi; tập trung hoàn thành ngay công trình hệ thống nước, triển khai ngay các dự án công trình cấp bách. Cùng với đó, tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi để phục vụ công tác chống hạn hán, thiếu nước như: nạo vét các cửa lấy nước, các tuyến kênh trục chính, các tuyến kênh chuyển nước…
Để giải quyết “bài toán” thiếu nước sạch, hiện các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh đều đã vận hành tối đa công suất thiết. Trong đó, nhiều công trình cấp nước đã vận hành từ 150 đến 200 % công suất. Một số nhà máy vừa tiến hành sửa chữa, nâng cấp vừa vận hành cấp nước cho người dân.

Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, các địa phương trong tỉnh còn triển khai các giải pháp chống hạn như: chở nước ngọt cấp phát cho người dân; phát động phong trào “người người, nhà nhà” đào giếng, khoan giếng, xây dựng bể tích trữ nước mưa để chủ động tạo nguồn nước sinh hoạt vào mùa nắng…./.

Hồng Hiếu/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-bai-toan-thieu-nuoc-o-vung-nang-han/156915.html