Giải bài toán tăng số lượng thành viên hợp tác xã

Việc tăng số lượng thành viên trong hợp tác xã (HTX) sẽ giúp khu vực kinh tế HTX ở Việt Nam không đi ngược với xu hướng phát triển HTX ở các nước trên thế giới và khẳng định rõ bản chất của mô hình HTX. Tuy nhiên, muốn tăng được thành viên, HTX cần có những người đứng đầu mẫn cán và sự trợ giúp của các cấp ủy, chính quyền.

Theo thống kê, từ năm 2013-2021, số lượng thành viên HTX giảm dần qua các năm. Cụ thể là năm 2021, HTX thu hút 5,7 triệu thành viên, giảm 2,3 triệu thành viên (tương đương 28%) so với năm 2013 (8 triệu thành viên); trung bình số thành viên là 208/HTX. Từ số liệu này có thể thấy, tỷ lệ thành viên HTX trên dân số cả nước là khoảng 5,7%, thấp hơn trung bình của thế giới là 15%.

Chú trọng dịch vụ liên kết

Số thành viên trong HTX giảm một phần là do sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, hầu hết các HTX phải sắp xếp lại hoạt động, đăng ký theo Luật hoặc chuyển đổi sang hình thức hoạt động khác phù hợp hơn. Các HTX giải thể đa số là HTX kiểu cũ, đông thành viên, trong khi các HTX kiểu mới thành lập có quy mô nhỏ, số thành viên ít. Ngoài ra, số lượng thành viên HTX giảm còn do dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động của HTX.

Nhìn nhận về vấn đề này, tại Tọa đàm “Phát triển HTX bền vững: Bài học từ các nước và các HTX thành công tại Việt Nam", TS. Trần Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, cho biết hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phát triển mô hình HTX, kể cả các nước tư bản và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, HTX ở các nước trên thế giới đang giảm số lượng HTX trên toàn quốc, tăng số thành viên trong HTX để phát huy bản chất mô hình HTX, còn ở Việt Nam đang tập trung phát triển số lượng HTX.

Nguyên nhân là Việt Nam có thể chế xã hội chủ nghĩa gần với bản chất của HTX, có nhiều tiềm năng phát triển HTX nhưng nhìn chung, tỷ lệ số HTX trên dân số hiện nay là 0,026%, thấp hơn mặt bằng chung thế giới (0,04%). Do vậy, mục tiêu phát triển số lượng HTX vẫn được đặt ra trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhìn từ các nước trên thế giới có thế thấy, HTX của các nước ưu tiên phát triển dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ đời sống, sau đó phát triển dịch vụ liên kết sản xuất. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, các HTX đang đẩy mạnh phát triển dịch vụ liên kết sản xuất.

Dẫn chứng về điều này, TS. Trần Thanh Hải cho biết ở Nhật Bản có nhiều HTX tiến hành xây dựng các trung tâm phục vụ các dịch vụ cho người già. Các HTX có máy bay chở bác sĩ đến gia đình chăm sóc người già một cách chuyên nghiệp.

HTX ở Nhật Bản cũng phát triển theo thời gian và linh động theo từng hoàn cảnh phát triển của xã hội. Có HTX ngày xưa phát triển các nhà kho để trữ nông sản nhưng sau đó dân số phát triển, HTX này đầu tư nhà kho thành trung tâm tiệc cưới. Hiện nay, khi thanh niên lên thành phố học và không về quê thì xảy ra tình trạng người lớn tuổi nhiều nên thay vì dịch vụ tiệc cưới, HTX phát triển dịch vụ mai táng. Việc này vừa đáp ứng nhu cầu thành viên, vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, để làm được, dịch vụ tín dụng được các HTX ở Nhật Bản đặt nên hàng đầu.

“Muốn sản xuất kinh doanh hay làm bất cứ điều gì thì trước tiên là phải có vốn. Chính vì vậy, phát triển dịch vụ tín dụng trước thì mô hình HTX mới xây dựng được lòng tin, uy tín cho thành viên, từ đó HTX mới thu hút được nhiều thành viên và tiếp tục phát triển các dịch vụ khác”, TS Trần Thanh Hải lý giải.

Muốn thu hút được thành viên, ban quản trị HTX cần có năng lực.

Muốn thu hút được thành viên, ban quản trị HTX cần có năng lực.

Thực tế, ở Việt Nam đã phát triển các HTX dịch vụ y tế, HTX chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thành viên (buôn bán hàng hóa thiết yếu) nhưng số lượng còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, Nhà nước đã có các chính sách về vốn, tín dụng cho HTX nhưng chưa thực sự hiệu quả. Số lượng HTX được tiếp cận nguồn vốn còn rất ít và khó khăn.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2021, cả nước có 27.340 HTX, trong đó HTX nông nghiệp là 18.340 HTX. Tuy nhiên, số HTX được tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng rất thấp, chưa đến 10%.

Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là do các cơ quan quản lý, các ngân hàng chưa hiểu rõ bản chất của mô hình HTX, nên quá trình vay vốn rất bất cập.

Chẳng hạn như Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tuy đã nâng mức vay so với Nghị định 41/2010/NĐ-CP nhưng điều kiện vẫn là cho vay thế chấp. Điều này là rất khó đối với phần đông HTX hiện nay vì không có đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hay ngay như Nghị định 16/2018/NĐ-CP của Chính phủ có quy định cho các HTX ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70 - 80% giá trị dự án, phương án vay theo mô hình liên kết. Tuy nhiên, theo các HTX, thực tế khi làm việc với các tổ chức tín dụng tại nhiều địa phương, các đơn vị này vẫn yêu cầu HTX phải có tài sản thế chấp, nhất là HTX nông nghiệp, vì ẩn chứa nhiều rủi ro…

Chính vì những điều trên mà không ít mô hình HTX ở Việt Nam vẫn còn hạn chế ở các quy trình sản xuất hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và khó tạo dựng được niềm tin với người dân, thành viên.

Muốn tăng số lượng phải quản trị tốt

Thực tế, bản chất của mô hình HTX là phát triển các dịch vụ mua chung, tận dụng lợi thế số đông để mang lại lợi ích cho thành viên. Tiêu biểu như dịch vụ đặt hàng quy mô lớn với doanh nghiệp, HTX có thể mua các sản phẩm với giá sỉ, rẻ hơn so với một người nông dân tự mua bán.

Quan sát ở các địa phương có thể thấy, thực chất đã có những mô hình HTX phát triển theo quy luật thị trường, tận dụng được bản chất của mô hình HTX để hỗ trợ thành viên.

Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Đông Nghi (Châu Thành, Tiền Giang) đã đầu tư hệ thống xe lạnh, hướng dẫn các hộ nuôi dê cách làm sữa chua tại nhà. Sản phẩm sẽ được HTX thu mua và đưa vào hệ thống máy sấy thành sữa chua sấy khô có thể bảo quản 6 tháng nên dễ tiêu thụ.

Hiện, HTX còn phát triển các sản phẩm khác từ sữa dê nguyên chất kết hợp với làm du lịch. Mô hình này không chỉ giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp mà còn giúp HTX mở rộng thêm dịch vụ khác, từ đó gia tăng lợi ích và giá trị.

Hay như HTX thủy sản Cái Bát (Cà Mau) thực hiện tiêu thụ sản phẩm, nông sản. Thay vì chỉ tiêu thụ nông sản cho thành viên, HTX còn đứng ra làm đại diện thu gom các sản phẩm của các HTX trong huyện để tham gia các hội chợ thương mại và đi bán nông sản. Điều này vừa giúp người dân, thành viên HTX khác không phải đi bán hàng, vừa tăng niềm tin của người dân vào mô hình HTX, từ đó dễ dàng mở rộng thành viên. Hiện, HTX đã có gần 130 thành viên trong khi lúc ban đầu thành lập chỉ có 12 thành viên.

Tuy nhiên, những HTX hoạt động đúng bản chất, thích ứng với thị trường như hai HTX trên không nhiều. Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, muốn mở rộng thành viên trong HTX, trước tiên ban quản trị HTX phải có trình độ. Khi Ban giám đốc HTX có năng lực, chủ động áp dụng khoa học công nghệ, sẵn sàng vạch ra kế hoạch phát triển HTX phù hợp thì sẽ giúp HTX đó phát triển và dễ dàng thuyết phục người dân tham gia và gắn bó với HTX. Bên cạnh đó, khi HTX hoạt động hiệu quả sẽ nhận được sự ủng hộ của các thành viên.

Mô hình nuôi dê kết hợp chế biến sữa và làm du lịch của HTX Đông Nghi đã thể hiện rõ bản chất của mô hình HTX.

Kinh nghiệm thu hút thành viên của các HTX trên thế giới cho thấy, ngoài vai trò của ban lãnh đạo HTX thì vai trò của cấp ủy, chính quyền là điều không thể bỏ qua. TS Trần Thanh Hải cho biết, để tham gia các HTX trồng sầu riêng tỉnh Chanthaburi (Thái Lan), thành viên phải có từ 6ha trở lên mới được trồng sầu riêng, nếu không có thì phải trồng loại khác. Tuy nhiên, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho thành viên HTX tích tụ ruộng đất. Chính vì các HTX ở Chanthaburi đều là những mô hình đi đầu trong sản xuất, thu mua, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sầu riêng sang Trung Quốc một cách chuyên nghiệp và giúp Thái Lan luôn dẫn vị trí số một về sản xuất và xuất khẩu sầu riêng hiện nay.

Hiện, tỉnh Chanthaburi có 10 huyện, mỗi huyện có 1 HTX nông nghiệp. HTX lớn nhất có 4.320 thành viên, HTX nhỏ nhất có 876 thành viên.

Ở Việt Nam, một số địa phương như Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, Tiền Giang… được đánh giá là có nhiều HTX hoạt động đúng bản chất hơn cả. Lý do là vì, các tỉnh này quan tâm và có chính sách đặc thù cho HTX.

Chẳng hạn như Tiền Giang đã thực hiện đẩy mạnh chính sách tín dụng hỗ trợ HTX phát triển theo hướng hàng hóa, hay hỗ trợ HTX thực hiện Nghị định 98 năm 2018 về phát triển theo chuỗi. Hay Đồng Tháp chú trọng phát triển các hội quán, tổ hợp tác làm nền tảng phát triển HTX. Việc vận động, tuyên truyền người dân tham gia kinh tế tập thể thu hút được sự vào cuộc của các cấp ngành và thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau.

Điều này cho thấy những nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm đến HTX thì HTX phát triển và thu hút được nhiều thành viên tham gia.

Theo các chuyên gia, cấp ủy, chính quyền ở đây chính là các lãnh đạo cấp xã. Vì đây là cơ quan gần nhất với HTX. Nếu đơn vị này không quan tâm thì HTX không thể phát triển được.

Để hỗ trợ HTX và giúp HTX thu hút thành viên, cán bộ cấp xã ngoài cập nhật những chính sách hỗ trợ nhanh chóng thì nên tham gia làm thành viên HTX để làm gương và vận động người dân tham gia HTX cùng, từ đó dễ dàng thấy được những khó khăn của mô hình HTX để cùng tháo gỡ, hỗ trợ, ủng hộ HTX.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/giai-bai-toan-tang-so-luong-thanh-vien-hop-tac-xa-1087030.html