Giải bài toán sân chơi cho trẻ: Cần sự quan tâm thỏa đáng

Thiếu sân chơi dành cho trẻ em từ lâu luôn là vấn đề 'nóng' gây bức xúc xã hội. Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm từng bước khắc phục thực trạng này. Thực tế cho thấy, khi chính quyền địa phương và người dân dành sự quan tâm thỏa đáng thì 'bài toán' sân chơi cho trẻ sẽ không còn nan giải.

Nhiều bất cập

Tại Hà Nội, đã và đang có thực trạng là khu vui chơi sinh hoạt, khu sân chơi, vỉa hè của các tòa nhà cao tầng, các khu chung cư hiện nay bị chiếm dụng thành nơi trông xe, bán hàng hóa. Những tòa cao ốc mọc lên san sát nhưng sân chơi của trẻ em thì bị… nuốt chửng. Khu đô thị N - Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân) là ví dụ.

Sân chơi là không gian bổ ích cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Ảnh: Lê Thắm

Sân chơi là không gian bổ ích cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Ảnh: Lê Thắm

Tại đây, dọc những tòa nhà là hàng dài ô tô được đỗ ngay trên vỉa hè và lòng đường. Đáng nói, theo tìm hiểu, người dân ở khu vực này nhưng chỉ có duy nhất 2 vườn hoa nhỏ, diện tích chưa đầy 200m2.

Tương tự, tại khu đô thị HH Linh Đàm, dù cả khu đô thị này có 12 tòa nhà cao tầng san sát nhau song do lượng người đông, khoảng không gian chung giữa các tòa nhà hẹp nên vào buổi chiều, dễ thấy nhất là cảnh ghế đá của khu vực sân chơi này thường kín mít.

...

Đó là ở những khu đô thị mới, tại khu tập thể cũ như: Phương Mai (quận Đống Đa), Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), Ngọc Khánh (Ba Đình), Cầu Diễn (Nam Từ Liêm)... đều có khoảng lưu không giữa các dãy nhà, nhưng từ lâu không gian này đã bị lấp đầy bởi các điểm trông giữ xe, bán hàng, chợ “cóc” khiến trẻ nhỏ hẹn hẹp chỗ chơi.

Ở các điểm không gian công cộng lớn tình trạng tương tự cũng chẳng mấy được cải thiện. Công viên Thống Nhất và Vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội) từng là địa chỉ hấp dẫn của thiếu nhi, không chỉ thu hút các em nhỏ của Hà Nội mà vào mỗi dịp lễ tết còn đón tiếp rất nhiều trẻ em ở khắp các tỉnh, thành phố về tham quan, vui chơi. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, các loài thú quý hiếm ở Vườn thú Thủ Lệ được bổ sung hạn chế trong khi đó tràn ngập trong vườn thú là các trò chơi thu tiền, các hàng quán ăn uống la liệt.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 8826/UBND – XDGT gửi các đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã về việc quản lý, đầu tư vườn hoa, sân chơi công cộng trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở kiến nghị của Sở Quy hoạch – Kiến trúc, thành phố cũng đã chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng sân chơi, vườn hoa tại 118 phường, xã, thị trấn với tổng diện tích 59ha.

Sau khi giải quyết nhu cầu còn thiếu đợt đầu cho 118 phường, xã, thị trấn, nhu cầu cần giải quyết giai đoạn sau sẽ là 334 phường, xã, thị trấn (thuộc 23 quận, huyện, thị xã), với tổng diện tích 167ha. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý các sân chơi, vườn hoa, được chủ động trong việc kêu gọi xã hội hóa, đầu tư lắp đặt các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Với chủ trương mới của thành phố, hy vọng nhu cầu về sân chơi cho trẻ em sẽ được giải quyết, các em nhỏ sẽ được trả lại những không gian vui chơi, giải trí thực sự lành mạnh để có thể phát triển đầy đủ cả thể chất và tinh thần.

Theo tìm hiểu, ngoài các nguyên nhân khách quan như: Quỹ đất hạn hẹp; hệ thống hạ tầng như cung thiếu nhi, cung văn hóa - thể thao thanh niên, nhà văn hóa học sinh, sinh viên... luôn trong tình trạng quá tải thì việc trẻ thiếu sân chơi một phần xuất phát từ chính phụ huynh.

Nói cách khác, nhiều nhiều bậc phụ huynh, mối quan tâm hàng đầu của họ dành cho con là chuyện ăn uống đầy đủ, học hành đến nơi đến chốn. Quyền được chơi và các tác dụng tích cực của hoạt động vui chơi chưa được chính mỗi gia đình coi trọng. Nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích của hoạt động vui chơi, giải trí cũng khiến họ thờ ơ với việc đấu tranh bảo vệ sân chơi bị chuyển đổi mục đích sử dụng.

Cần nhân rộng những mô hình

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, thiếu sân chơi không chỉ hạn chế khả năng vận động để giúp trẻ phát triển toàn diện, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: Tai nạn giao thông, đuối nước khi trẻ vô tư biến ao hồ, sông, suối, đường phố làm nơi vui chơi và trẻ dễ tiếp cận với các trò chơi điện tử vô bổ, độc hại... Vì vậy, tạo sân chơi bổ ích cho trẻ là đòi hỏi cấp thiết, đặt ra với toàn xã hội.

Thực tế những năm qua cho thấy, nơi nào thực sự quan tâm tới nhu cầu chính đáng của trẻ, nơi đó trẻ em được hưởng lợi. Chẳng hạn, ở quận Đống Đa dù khá eo hẹp về quỹ đất, song với phương thức xã hội hóa, mỗi năm đã lắp đặt được khoảng 20 sân chơi cho trẻ và đến năm 2020, trẻ em trên địa bàn quận sẽ có đủ sân chơi.

Trên góc độ quản lý cấp phường, ông Đặng Minh Chính - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự (quận Đống Đa) cho biết, trong những năm qua, chính quyền phường Trung Tự rất quan tâm đến công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân dân, đồng thời thường xuyên ra quân xử lý các vi phạm lấn chiếm sân chơi tập thể. Phường tích cực thực hiện việc giao sân chơi về các khu dân cư quản lý, ban hành những quy tắc trong việc quản lý, giám sát sân chơi.

“Trên địa bàn phường, các sân chơi đều là sân chơi mở, phường đã tuyên truyền mọi người phải có trách nhiệm. Trên địa bàn phường sân chơi không bị phá hoại. Sân chơi phục vụ cộng đồng, nên các bác lớn tuổi cũng nhắc nhở các cháu nhỏ. Đồng thời các tổ, chi hội phụ nữ cũng thường xuyên dọn vệ sinh, bảo vệ các trang thiết bị” - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự chia sẻ.

Sự quyết liệt vào cuộc của cấp chính quyền đã trực tiếp mang lại những hiệu quả tích cực. Sân chơi cộng đồng tại phường Mai Động (quận Hoàng Mai) là ví dụ. Tại đây, sân chơi đã hoạt động trở lại sau hơn 20 năm bị bỏ quên với thú nhún, xích đu, cầu trượt... Ở trên góc độ huy động sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, vấn đề sân chơi cho trẻ cũng đang nhận được những sự quan tâm đặc biệt.

Chẳng hạn, mới đây tổ chức Plan International Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh và hoàn thành nhiều điểm vui chơi an toàn, thân thiện và bình đẳng tại xã Kim Chung, Xuân Canh, Thụy Lâm, Đông Hội, Cổ Loa, Kim Nỗ, Bắc Hồng… của huyện Đông Anh. Hoạt động này mang lại niềm vui cho khoảng 4.500 trẻ em.

Chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này, đại diện Tổ chức Plan International Việt Nam cho biết, kinh phí xây dựng mỗi sân chơi an toàn khoảng hơn 100 triệu đồng. Số tiền không lớn, được huy động từ nhiều nguồn, trong đó có phần đóng góp của chính quyền và cộng đồng sở tại. Nếu quyết tâm, các địa phương đều có thể xây dựng sân chơi an toàn, thân thiện và bình đẳng cho trẻ em.

Rõ ràng, những câu chuyện phát triển sân chơi công cộng rất cần được truyền cảm hứng cho hàng trăm nghìn sân chơi khác đang bị bỏ quên trong lòng thành phố. Bởi qua đó, các cấp chính quyền địa phương cũng như người dân có thêm động lực, “bắt tay” nhau, “chuyển hóa” được nhiều sân chơi ý nghĩa.

Hơn hết, thực tế cho thấy, để giải quyết tình trạng thiếu sân chơi, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như của cả cộng đồng, bắt đầu từ việc làm cụ thể, nhỏ nhất, như: Thay mới, lắp đặt trang thiết bị vui chơi; tổ chức các phương thức hoạt động hiệu quả, hữu ích tại các điểm vui chơi...

Về lâu dài, việc quy hoạch mạng lưới sân chơi cho trẻ em từ thành thị đến nông thôn cần được tính đến, góp phần tạo ra môi trường lành mạnh, hữu ích cho trẻ em vui chơi, phát triển.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/giai-bai-toan-san-choi-cho-tre-can-su-quan-tam-thoa-dang-92189.html