Giải bài toán rác thải nông thôn ở tỉnh Bình Định: Rác thải 'tấn công' nông thôn - SOS!

Những năm gần đây, tình trạng chất thải rắn sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định đang rất nghiêm trọng. Trong khi đó, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan chưa có giải pháp phù hợp, bền vững để xử lý. Vậy đâu là nguyên nhân, khó khăn, bất cập và giải pháp nào để tháo gỡ cho vấn đề này?

Hàng ngày, các khu vực nông thôn thải ra lượng chất thải rắn sinh hoạt rất lớn, nhưng khả năng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Thực trạng “cầu” không đáp ứng “cung” khiến môi trường ở vùng nông thôn ô nhiễm nghiêm trọng.

Quá tải

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định mỗi ngày phát sinh khoảng 900 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH); trong đó, khu vực đô thị khoảng 380 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 520 tấn/ngày. Khối lượng CTRSH thải ra mỗi ngày rất lớn, nhưng tỉ lệ thu gom trên địa bàn toàn tỉnh trung bình chỉ đạt khoảng 60%; riêng khu vực nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa, tỉ lệ rất thấp, chỉ đạt từ 10% - 20%. Những địa phương có tỉ lệ thu gom CTRSH thấp là huyện Tuy Phước (25%), Hoài Ân (25,2%), Phù Mỹ (20,5%), Vân Canh (30%)...

Tại nhiều xã khu vực nông thôn, tình trạng người dân vứt CTRSH bừa bãi ra nơi công cộng hoặc tự xử lý tại vườn nhà bằng hình thức chôn lấp, đốt rất phổ biến. Những bãi rác lộ thiên ngay các khu đất trống, ven kênh mương, đầu cầu, ven đường giao thông... ngày một nhiều với vô số các loại rác, như: bao bì ni-lông; chai nhựa; chai thủy tinh; bao bì và vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật; các loại vật dụng...; thậm chí, có cả xác các loại gia súc, gia cầm. Những bãi rác tự phát phình to theo thời gian, bốc mùi hôi thối nồng nặc; ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và chính sức khỏe người dân.

Việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt phần lớn do các hợp tác xã, tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận cùng người dân, đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc thu gom rác ở khu vực nông thôn này thường chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom rác ở khu vực này.

Nhiều địa phương tăng cường tuyên truyền, nhưng không ít người dân thiếu ý thức, vứt CTRSH bừa bãi ra môi trường; thậm chí, vứt ngay cạnh bảng tuyên truyền.

Bất cập

Đáng nói, nhiều xã về đích nông thôn mới - đã đạt tiêu chí môi trường - như xã Cát Tân, Cát Trinh (huyện Phù Cát); Ân Thạnh (huyện Hoài Ân); Hoài Châu, Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn); Mỹ Trinh (Phù Mỹ)..., CTRSH vẫn tiếp tục “tấn công”. Ông Võ Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trinh, thẳng thắn: “Địa phương đã về đích nông thôn mới vào năm 2015; tuy nhiên, dịch vụ thu gom chất thải còn hạn chế. Vướng mắc lớn nhất là việc đa số người dân không hợp tác; họ không đồng ý đóng phí thu gom rác hàng tháng với lý do ở nông thôn đất rộng, có thể tự xử lý bằng cách chôn lấp ở vườn nhà hoặc vứt ra môi trường”.

Còn ông Nguyễn Văn Rô, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Hoài Ân, nhìn nhận: Hiện nay, CTRSH phát sinh trên địa bàn huyện chưa được thu gom, xử lý triệt để. Nguyên nhân là do dịch vụ thu gom chưa được “phủ sóng” đến các xã; đồng thời, các khu tập kết và xử lý chất thải tập trung chỉ làm tạm thời.

Việc phân loại rác tại chỗ và công tác thu gom rác thải nông thôn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong ảnh: Rác tập kết nằm vương vãi, thùng rác lăn lóc dưới đường ở xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn).

Điểm bất cập nữa là việc phân loại rác tại chỗ. Ông Phan Thành Giản, Phó Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định, cho rằng để nâng cao hiệu quả xử lý thì rác thải cần phải được phân loại tại nguồn thành rác thải vô cơ, hữu cơ, nhưng việc phân loại này chưa được thực hiện trong cộng đồng. “Nếu được phân loại tại nguồn, lượng rác thải dùng cho tái chế lớn hơn hiện nay rất nhiều và cũng giảm chi phí vận chuyển, đỡ tốn kém trong khâu phân loại tại nhà máy. Bên cạnh đó, người dân có thể dễ dàng xử lý rác thải hữu cơ bằng các chế phẩm sinh học để làm phân bón cho cây trồng”, ông Giản giãi bày.

Có quy định xử phạt nhưng khó thực hiện

Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1.2.2017, nêu rõ: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng và từ 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định; vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Quy định xử phạt đã có, nhưng trong thực tế, rất ít địa phương thực hiện chế tài này để xử lý các trường hợp vi phạm. Hầu hết, các địa phương đều cho rằng, người dân lén lút vứt chất thải ra môi trường vào ban đêm nên khó phát hiện, xử lý.

Bãi tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt của thị trấn Vân Canh nằm cạnh hồ chứa nước Suối Ðuốc (thuộc thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh). Trong ảnh: Đây là bãi rác tạm thời, chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật xử lý, nên nguy cơ ÔNMT rất cao.

Trước những tác động tiêu cực mà CTRSH gây ra cho môi trường và con người, UBND tỉnh Bình Định đã xây dựng Đề án “Tăng cường công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Đề án đánh giá toàn diện về thực trạng công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Chuyển đổi công nghệ chôn lấp sang các công nghệ tiên tiến, thân thiện hơn với môi trường; tăng tỷ lệ CTRSH được phân loại và tái chế, tái sử dụng. Lồng ghép quy hoạch quản lý CTRSH với các quy hoạch phát triển KT- XH của địa phương, các ngành; gắn kết với thực hiện Chương trình quốc gia về nông thôn mới. Từng bước nâng cao tỉ lệ thu gom CTRSH trên địa bàn; xử lý triệt để ÔNMT trên địa bàn tỉnh nói chung, khu vực nông thôn nói riêng.

(còn tiếp)...

Bài & ảnh Như Quỳnh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/giai-bai-toan-rac-thai-nong-thon-o-tinh-binh-dinh-rac-thai-tan-cong-nong-thon-sos-1259457.html