Giải bài toán rác thải nông thôn ở tỉnh Bình Định: Cần những giải pháp căn cơ

Để giải bài toán rác thải nông thôn cần phải có cơ chế thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, rồi phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; cùng với đó, cần xử lý nghiêm các hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi trường.

Bãi rác tự phát ven đê sông Đại An (xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) và ven tỉnh lộ 639 (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ).

Xã hội hóa: Không dễ!

Được biết, Sở KH&CN Bình Định đang xây dựng, triển khai Đề án ứng dụng khoa học công nghệ lò đốt CTRSH. Dự kiến, Đề án này sẽ triển khai xây dựng 12 lò (công suất 330 kg/giờ) tại các xã thuộc 10 huyện, thị xã trong tỉnh; trong đó, ưu tiên các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020 với mục tiêu góp phần giảm thiểu ÔNMT do CTRSH gây ra trên địa bàn nông thôn, hướng tới phát triển bền vững.

Thời gian qua, công tác xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Bình Định được quan tâm. Một số cá nhân, đơn vị bắt đầu tham gia công tác thu gom, vận chuyển CTRSH tại các địa phương như: huyện Hoài Nhơn, TX An Nhơn; một số đơn vị tham gia công tác xử lý CTRSH tại TP Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn.

Tuy nhiên, do công nghệ xử lý rác chưa đạt yêu cầu nên phần lớn các đơn vị này hoạt động không hiệu quả, một số đã tạm dừng hoạt động; trong đó có Nhà máy xử lý rác thải Duy Anh. Đó là chưa kể, tỉ lệ các hộ dân đóng phí thu gom rác thải ở khu vực nông thôn đạt rất thấp. Các đơn vị thu gom rác đều không đủ chi trả cho hoạt động và các địa phương phải hỗ trợ một phần kinh phí trong ngân sách để duy trì hoạt động thu gom, xử lý CTRSH. Khó khăn này là rào cản cho việc xã hội hóa hoạt động thu gom và xử lý rác thải.

Một vấn đề đáng suy nghĩ hiện nay là nhiều người dân còn coi việc giữ gìn, bảo vệ môi trường là “việc của ai” chứ không phải là việc của mình. Việc truyền thông còn hạn chế khiến nhiều người dân nông thôn chưa thấy được hậu quả của những hành động thiếu ý thức của mình.

“Thực trạng trên đòi hỏi chính quyền các địa phương cần có phương pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân hơn nữa. Cùng với đó, cần tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe đối với những DN hay cá nhân xả rác thải gây ÔNMT”, bà Hà Thị Thanh Hương, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TN - MT Bình Định), nêu ý kiến.

Công tác xã hội hóa thu gom, xử lý rác thải đang gặp nhiều khó khăn tại Bình Định

Cần cơ chế, chính sách phù hợp

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường, đầu năm 2018 đến nay, có 4 đơn vị đăng ký vào tỉnh tham gia đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác, chất thải công nghiệp. Hiện nay, UBND tỉnh đã có Quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 2 đơn vị, gồm Công ty TNHH Môi trường Phú Hà (tại tỉnh Phú Thọ) - địa điểm đăng ký xây dựng Nhà máy ở huyện Phù Cát và Công ty TNHH TM&XD Đa Lộc (tại TP Hồ Chí Minh) - đăng ký xây dựng Nhà máy ở huyện Hoài Nhơn.

Để giải “bài toán” rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết: Ngoài cơ chế, chính sách mang tầm vĩ mô thì cần nỗ lực từ chính quyền địa phương, sự tham gia của DN và hành động của từng người dân. Đặc biệt, tập trung triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7.4.2017 của Tỉnh ủy Bình Định về sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Trong đó, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường; củng cố bộ máy cán bộ quản lý môi trường ở các cấp theo đúng quy định; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng về bảo vệ môi trường tại các làng nghề, cơ sở gây ô nhiễm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm đối với các cơ sở gây ÔNMT. Ban hành chính sách hỗ trợ các đơn vị thu gom rác thải trên địa bàn. Đặc biệt, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vận chuyển, xử lý CTRSH và các dịch vụ môi trường khác theo hình thức xã hội hóa.

Nhà máy xử lý rác thải Duy Anh hoạt động theo hình thức xã hội hóa nhưng thất bại vì công nghệ xử lý không đạt yêu cầu.

Ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN&MT Bình Định, nhìn nhận: Xã hội hóa trong công tác thu gom, xử lý rác là hướng đi đúng và phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Bộ TN&MT. Tuy nhiên, để thực hiện công tác này hiệu quả, các đơn vị chức năng cần chú trọng đến công tác quy hoạch tổng thể phù hợp với thực tế, định hướng ở từng địa phương. Việc đầu tư máy móc, trang thiết bị phải đánh giá công suất cho phù hợp. “Nhà nước cần ưu tiên các nhà đầu tư thực hiện việc “bao tiêu” thu gom rác; nhà đầu tư có năng lực tài chính, áp dụng công nghệ phù hợp, đảm bảo công suất xử lý, vệ sinh môi trường,...”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Phan Thành Giản, Phó Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định thêm ý kiến: “Ngoài ra, UBND các huyện, thị, thành phố cần tổ chức thực hiện Đề án mở rộng phạm vi thu gom CTRSH trên địa bàn, từng bước nâng cao tỷ lệ CTRSH được thu gom, xử lý; chủ động bố trí ngân sách, tiếp nhận các nguồn tài trợ (nếu có) để thực hiện Quy hoạch quản lý CTRSH trên địa bàn; chú trọng đầu tư kinh phí mua sắm phương tiện nhằm nâng cao tỉ lệ thu gom rác và tăng cường thực hiện công tác vận hành, xử lý ÔNMT tại các BCL; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý CTRSH; thực hiện kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý CTRSH...”.

Bài & ảnh Như Quỳnh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/giai-bai-toan-rac-thai-nong-thon-o-tinh-binh-dinh-can-nhung-giai-phap-can-co-1259611.html