Giải bài toán phát triển đảng viên trẻ ở nông thôn

Phát triển đảng viên có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần trẻ hóa đội ngũ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức, cơ sở đảng tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương trên địa bàn Quảng Ninh, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vẫn còn khó khăn trong phát triển đảng viên. Nguyên nhân chính do nguồn quần chúng ưu tú để giới thiệu bồi dưỡng, kết nạp Đảng đang 'cạn' dần, dẫn đến tình trạng 'già hóa' đảng viên ở một số chi bộ. Đây là vấn đề cấp bách đang đặt ra trong công tác xây dựng, phát triển Đảng hiện nay.

Bí thư Huyện ủy Đầm Hà Đỗ Thị Ninh Hường dự sinh hoạt Chi bộ thôn Nhâm Cao (xã Đại Bình), tháng 5/2022. Ảnh: Trung tâm TT-VH Đầm Hà

Bí thư Huyện ủy Đầm Hà Đỗ Thị Ninh Hường dự sinh hoạt Chi bộ thôn Nhâm Cao (xã Đại Bình), tháng 5/2022. Ảnh: Trung tâm TT-VH Đầm Hà

Tại huyện Đầm Hà, năm 2022, Đảng bộ huyện đặt chỉ tiêu kết nạp được 92 đảng viên, nhưng đến tháng 6, toàn Đảng bộ mới kết nạp được 30 đảng viên (đạt 32% kế hoạch). Nguồn kết nạp đảng viên mới chủ yếu là quần chúng ưu tú trong khối cơ quan, trường học, còn tại các chi bộ thôn, khu, nhất là ở vùng nông thôn chiếm số lượng rất thấp.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ kết nạp đảng viên ở các chi bộ nông thôn chưa cao là do số lượng lớn ĐVTN, hội viên các đoàn thể đều đi làm ăn xa ở các khu công nghiệp tại các huyện, thị xã, thành phố khác trong tỉnh, không tham gia những hoạt động, phong trào thi đua tại địa phương, nên không đủ căn cứ đánh giá là quần chúng ưu tú để cấp ủy bồi dưỡng, xem xét kết nạp Đảng.

Ông Phạm Như Thống, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đông, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, cho biết: Hiện nay, công tác phát triển đảng viên ở chi bộ gặp nhiều khó khăn, dù chúng tôi đã cố gắng tạo nguồn quần chúng ưu tú để giới thiệu với cấp ủy xem xét kết nạp Đảng. Hiện hầu hết lực lượng thanh niên sau khi học xong cao đẳng, đại học thì công tác tại cơ quan, đơn vị; người không học đại học thì làm công nhân ở các khu công nghiệp hoặc làm tại các doanh nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ. Một số thanh niên ở tại địa phương tuy đã được tuyên truyền, vận động, nhưng ngại tham gia sinh hoạt các tổ chức, đoàn thể, mải tập trung làm kinh tế gia đình, chưa có hướng phấn đấu để trở thành đảng viên, nên khó có thể bồi dưỡng thành quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng bồi dưỡng, xem xét kết nạp.

Thực trạng này cũng đang là vấn đề nan giải tại nhiều chi bộ thuộc vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh. Như tại huyện Vân Đồn, theo Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện, dù đã đi qua gần 1/2 chặng đường của năm 2022, nhưng toàn huyện mới kết nạp được 26 trong trong tổng số 113 đảng viên đề ra theo kế hoạch phát triển đảng viên năm 2022 của huyện (đạt 23%).

Chia sẻ về những nguyên nhân thiếu nguồn kết nạp đảng viên, lãnh đạo địa phương cho rằng hiện nay nguồn phát triển đảng viên chủ yếu gặp khó khăn ở các chi bộ vùng nông thôn. Phần lớn thanh niên sau khi học xong THPT thi vào các trường đại học, cao đẳng, hoặc làm việc trong các doanh nghiệp. Do không tham gia sinh hoạt ở chi hội, đoàn thể nào, nên khó khăn trong việc giúp đỡ, bồi dưỡng. Còn một bộ phận thanh niên tuy sinh sống tại địa phương, nhưng lại tập trung làm kinh tế. Một số thanh niên có nhận thức chính trị hạn chế, ngại tham gia hoạt động đoàn, hội, thiếu ý chí phấn đấu, khó có thể bồi dưỡng thành quần chúng ưu tú, giới thiệu cho Đảng.

Huyện Đầm Hà tổ chức lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng đợt I năm 2022.

Ngoài những nguyên nhân trên, tại nhiều địa phương còn có tình trạng cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể chưa thường xuyên quán triệt đầy đủ chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác phát triển đảng viên. Công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng để có nhận thức, ý chí phấn đấu vào Đảng ở nhiều chi bộ chưa được quan tâm sát sao. Một số cấp ủy đảng chưa cụ thể hóa kế hoạch phát triển đảng viên phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị; chưa thường xuyên theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các chi bộ vùng nông thôn xây dựng và thực hiện kế hoạch.

Ở một số chi bộ vùng nông thôn, việc thẩm tra, xác minh, kết nạp đảng viên... còn chưa kịp thời, nên có những trường hợp làm hồ sơ nhiều lần, ảnh hưởng đến chất lượng công tác phát triển Đảng. Một số đảng viên ở nông thôn chưa thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người đảng viên đối với công tác vận động, giúp đỡ, rèn luyện quần chúng để tạo nguồn phát triển Đảng... Hoạt động của các tổ chức, đoàn thể chưa tác động tích cực đối với việc tập hợp, giáo dục, tạo môi trường thúc đẩy sự phấn đấu của đoàn viên, hội viên.

Thực tế này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, không chỉ là áp lực với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tìm nguồn, lựa chọn đối tượng để kết nạp Đảng, mà còn là việc giải quyết “bài toán” về việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Do đó, để làm tốt công tác này đòi hỏi phải có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn, hội.

Huyện ủy Cô Tô tổ chức Lễ kết nạp Đảng cho các quần chúng ưu tú, tháng 3/2022. Ảnh: Trung tâm TT-VH Cô Tô

Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Đầm Hà Vũ Quốc Hưng cho biết: Nhận thấy những khó khăn và hạn chế này, nên hiện nay Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành kế hoạch kết nạp đảng viên, giao chỉ tiêu kết nạp đối với các chi, đảng bộ cơ sở và đưa nội dung thực hiện chỉ tiêu phát triển đảng viên thành một tiêu chí đánh giá, xếp loại tập thể cấp ủy, cấp ủy viên và đánh giá phân loại tổ chức đảng, đảng viên hằng năm. Các ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy được phân công, theo dõi các chi, đảng bộ cơ sở cũng trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong công tác phát triển đảng viên. Đồng thời, tích cực chỉ đạo tổ chức đoàn các cấp nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào hành động, hỗ trợ thanh niên học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện, tu dưỡng; tìm kiếm các giải pháp để định hướng, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, làm giàu trên chính quê hương, từ đó phát triển thêm nhiều đoàn viên ưu tú ở chi bộ thôn để giới thiệu với Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp.

Ban Thường vụ Huyện ủy Đầm Hà cũng chỉ đạo đảng ủy các xã phải phân công, giao nhiệm vụ cho cấp ủy viên phụ trách chi bộ thôn tích cực sinh hoạt với chi bộ có khó khăn về nguồn phát triển đảng để trực tiếp giúp chi bộ bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong tạo nguồn và kết nạp đảng viên để bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, quy trình, coi trọng cả số lượng và chất lượng...

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, muốn làm tốt công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, trước hết phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của cấp ủy, người đứng đầu các chi, đảng bộ. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, đi đầu, gần gũi, gắn bó với nhân dân, giúp người dân thấy được vai trò thực sự của đảng viên và của tổ chức Đảng trong cộng đồng dân cư. Mặt khác, các chi, đảng bộ phải có cách làm mới trong công tác tạo nguồn bằng cách phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức đoàn thể ở địa bàn dân cư. Các hội, đoàn thể phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, truyền thống vẻ vang của Đảng cho đoàn viên, hội viên. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, ý thức phấn đấu.

Thu Chung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/giai-bai-toan-phat-trien-dang-vien-tre-o-nong-thon-3192384.html