Giải bài toán năng suất lao động

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) sẽ có tác động lớn đến nguồn nhân lực của Việt Nam. Vậy, cần phải làm gì để bắt kịp các nước trong khu vực và thế giới, trong khi năng suất lao động của Việt Nam rất thấp? Đây là bài toán cần phải giải đúng nếu không muốn tiếp tục tụt hậu.

Phải có định hướng

Theo Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, CMCN 4.0 sẽ tạo ra máy móc thông minh, hệ thống, nhà máy thông minh với một quy trình sản xuất được tối ưu, sẽ không cần nhiều lao động mà vẫn vận hành tốt. Như vậy, chắc chắn năng suất sẽ tăng lên, thậm chí tăng rất nhiều lần.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vì phần lớn máy móc, thiết bị đều cũ kỹ, lạc hậu. Do đó, cần phải có sự chung tay của cả xã hội.

Đọ sức (Ảnh: iStock)

Cụ thể, Nhà nước nên có những nghiên cứu, đánh giá và cung cấp thông tin để các DN biết trong cả nền kinh tế, lĩnh vực nào có cơ hội nắm bắt được CMCN 4.0 ngay. Cùng với đó, các DN phải chú ý đến những thông tin về xu hướng hiện nay để biết được ngành nghề của mình nên đi theo hướng nào, đồng thời chính bản thân lãnh đạo DN cũng phải tự trang bị các kiến thức về công nghệ, quản trị để vận hành có hiệu quả. Đặc biệt là người lao động (NLĐ) cần phải học hỏi, cập nhật những kiến thức nếu không muốn mất việc làm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay NLĐ thiếu kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin do phần lớn các DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa (trên 90%), chủ yếu thực hiện gia công, lắp ráp với lực lượng lao động có trình độ tay nghề thấp, thậm chí chưa qua đào tạo. Nếu không có định hướng và chiến lược đổi mới đào tạo trình độ tay nghề, khả năng lao động cho NLĐ ngay tại các trường nghề thì không thể nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Phát triển nội lực

Theo Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan, CMCN 4.0 là thách thức cho các quốc gia nếu không chủ động thay đổi chính sách.

Để thay đổi chính sách và phát triển công nghiệp 4.0, nếu chỉ lựa chọn con đường chờ đợi các DN tự năng động và đầu tư vào những ngành nghề mới sẽ không tạo ra đột phá. Mục tiêu của DN là hiệu quả và lợi nhuận. Do vậy, DN sẽ có động cơ đầu tư vào những ngành tạo ra lợi nhuận, chi phí lao động thấp, ít rủi ro. Chỉ một bộ phận nhỏ DN mạo hiểm đầu tư vào các ngành mới của công nghiệp 4.0, bởi chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao và không an toàn đối với lợi nhuận của DN. Bộ phận nhỏ DN đi đầu này sẽ không tạo ra đột phá cho sự phát triển của cả nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ phải là “kiến trúc sư” cho các ngành công nghiệp mới của công nghiệp 4.0, tạo ra trụ cột ngành để thu hút FDI và DN đầu tư, cũng như điều chỉnh chính sách về đào tạo, cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn nhân lực vào các ngành mới.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy... Nó sẽ tạo ra biến động rất mạnh, tác động đến quá trình lưu thông hàng hóa. Thế giới đang chuyển mình để hòa vào dòng chảy của cuộc CMCN 4.0. Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế ấy. Để tận dụng được những lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0, chúng ta cần phải nhận thức rõ các đặc điểm của CMCN 4.0, từ đó tìm ra các biện pháp và xây dựng các chính sách phát triển thích hợp.

Giám đốc Trung tâm Khoa học và Tư duy (Bộ Khoa học & Công nghệ) Nguyễn Hữu Thái Hòa cho rằng, sự thay đổi chính mình là yếu tố quan trọng nhất, bởi vì thiết bị và công nghệ dù có hiện đại đến mấy nhưng DN không chịu thay đổi thì không thể mang lại giá trị. Sự quyết định này phụ thuộc vào chính các lãnh đạo DN chứ không phải ai khác. Trong thời đại số và CMCN 4.0, sự thay đổi không chỉ là công nghệ mà chính là con người.

Đấu trí cùng robot (Ảnh: snappygoat.com)

Từ thực tế đó, không có cách nào khác là phải “số hóa” DN, thay đổi căn bản phương thức kinh doanh. Nhưng vấn đề này vẫn còn rất mơ hồ đối với rất nhiều DN Việt Nam. Do đó, điều quan trọng là các DN phải trực tiếp tham gia, tự xây dựng nền tảng cho mình.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã có những thành tựu nổi bật, lan tỏa ra rất nhiều lĩnh vực trong xác hội như: Kinh tế, y tế, năng lượng, nông nghiệp... Việt Nam đã có nhiều công ty quan tâm tới AI, nhưng khó khăn nhất vẫn là đào tạo nhân lực chất lượng cao, đồng thời chưa có nhóm hạt nhân thực sự tiếp cận đỉnh cao của AI trên thế giới.

Đỗ Đặng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/giai-bai-toan-nang-suat-lao-dong-527016.html