Giải bài toán Nam Ô

Làng chài Nam Ô, nơi có dự án Lancaster Nam O Resort & Spa đang xôn xao dư luận những ngày qua, nếu so sánh thì giống như một đề toán đã được phát ra. Bây giờ nói thẳng là khó có thể thu hồi lại, thì việc của chính quyền và doanh nghiệp phải xử lý là tìm cho ra một đáp án hài hòa nhất, lấy lợi ích của người dân làm cốt lõi.

Cũng có thể có ý kiến cho rằng, lợi ích cốt lõi của người Nam Ô đã bị lấy đi kể từ ngày dự án được cấp giấy phép đầu tư, hoặc gần hơn là ngày mà một phần của cộng đồng ấy đã phải rời khỏi không gian sống cô kết bao đời để mai này các resort mọc lên, chắn lấy những làn gió biển, cách âm luôn những con sóng vỗ bờ mỗi sáng mai tinh khôi, trong màn đêm yên tĩnh. Giải bài toán Nam Ô bây giờ không thể đạt điểm tối đa, vì không hề là điều đơn giản, thậm chí là nếu không cẩn trọng thì càng gỡ càng rối. Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ngay sau cuộc làm việc với Tập đoàn Trung Thủy với việc yêu cầu quy hoạch lại dự án Lancaster Nam O Resort & Spa, giữ nguyên hiện trạng các di tích cũng như thêm nhiều không gian công cộng cho người dân ngay trên mảnh đất mang trầm tích văn hóa này, được xem là hướng đi sáng nhất để cân bằng phương trình!

Mảnh đất Nam Ô với trầm tích văn hóa là điều không ai có thể phủ nhận. Can thiệp một cách lạnh lùng, vô cảm lên di tích, lên nếp sống văn hóa của người dân nơi đây vì lợi ích kinh tế, như những gì ta đã thấy là điều không thể chấp nhận. Nhưng nếu nói về câu chuyện văn hóa, ngoài chuyện giữ hồn cốt, thì giao thoa và tiếp biến vẫn là điều cần thiết. Vậy thì để Nam Ô với những gì như mảnh đất này đang có, cự tuyệt mọi sự tác động bên ngoài hay tiếp nhận để mở cửa và khai phá, làm tăng thêm giá trị của nó? Nên hài hòa hay cực đoan? Với những gì đang diễn ra thì LancasterNam O Resort & Spa vẫn sẽ triển khai. Nhưng cuộc thị sát của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng với chỉ đạo mở lại các lối đi ra biển cho người dân và mới đây là kết luận của Chủ tịch UBND thành phố trong cuộc làm việc với chủ đầu tư thì dự án kiểu “cờ vây” với chỉ giới đỏ tham lam kia sẽ phải khác đi. Đó là cách chính quyền đương nhiệm khắc phục những hạn chế trong tầm nhìn mà thế hệ trước để lại. Ai từng xây một ngôi nhà, là tài sản của riêng mình, cho dù đó là ngôi nhà thông minh, thì sau một thời gian ở cũng sẽ lộ ra một vài bất cập. Dự án với phối cảnh dày đặc khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng vốn được hình thành từ đất ở của người dân miền biển lại không có bất cứ một lối ra biển cho dân thì đó là sự lạnh lùng, thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp, cũng là chuyện khó lý giải của những người đặt bút ký phê duyệt. Đó là điều không thể chối cãi nữa!

Thật lạ kỳ là sau kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, lại tòi đâu ra một thông cáo báo chí của Cty CP Trung Thủy Đà Nẵng với nhiều nội dung phủ nhận những gì đang diễn ra ở hiện trường mấy ngày qua. Mà nội dung buồn cười nhất là khẳng định: “Không có chuyện chặn lối đi xuống biển của người dân” (?!). Bà Dương Thanh Thủy – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trung Thủy xác nhận thông cáo báo chí do ông Nguyễn Văn Trung – Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Trung Thủy Đà Nẵng ký là đúng sự thật đồng thời chốt thêm “tôi đã có mặt ở dự án và thấy có rất nhiều lối đi tạm cho dân. Không biết anh đã đến hiện trường chưa?”. Khi được hỏi nếu không có phản ứng của người dân, không có chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thì những hàng rào được dựng lên với mục đích “hạn chế khói bụi, bảo vệ môi trường, ANTT” như trong thông cáo báo chí nêu có được tháo dỡ hay không thì bà Thủy nói: “Trước đó thì tôi không biết thế nào, nhưng khi tôi ra thì đã có các lối đi rồi”!

Với số phận của những lối đi tạm sau khi hoàn thành dự án, bà Thủy cũng khẳng định luôn: “Sẽ có lối đi. Đi tắm biển, tham quan thì thoải mái. Nhưng đi xuống làm ốc, làm mực, bán đồ nướng, bán hàng rong thì không được!”. (Hình như có gì đó sai sai ở lời này?).

Với cơn lốc đô thị hóa, mỗi làng chài, làng nghề của Đà Nẵng biến mất đều đem đến cho người dân thành phố này một sự hụt hẫng. Nam Ô không nằm ngoài câu chuyện đó. Vừa giữ được trầm tích văn hóa vừa thu hút được các nhà đầu tư để phát triển kinh tế, mang lại chất lượng cuộc sống cho người dân vốn là một bài toán cực khó. Có những chủ trương thời điểm này thấy ổn và nắm nhiều phần lợi thế nhưng chỉ dăm bảy năm sau đã lạc hậu, thậm chí tạo ra những xung đột mạnh mẽ. Việc “xin” lại những lối đi xuống biển từ các nhà đầu tư dọc đường Võ Nguyên Giáp hay điều chỉnh lại dự án ở Nam Ô đang là những bước đi để Đà Nẵng từng bước giải bài toán này. Dù có muộn, nhưng hi vọng sẽ giải được và trở thành bài toán mẫu cho các dự án về sau!

ĐÔNG A

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_181056_gia-i-ba-i-toa-n-nam-o.aspx