Giải bài toán kiến trúc lấy cảm hứng từ thiên nhiên

Những yếu tố về điều kiện khí hậu nắng nóng vào mùa hè, lạnh giá vào mùa đông, độ ẩm cao quanh năm, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Hồng là một trong những bài toán cần các kiến trúc sư giải quyết để cải thiện không gian sống của người dân, đem lại sự hài hòa và thoải mái.

Với chủ đề “Kiến trúc, Cảm hứng từ thiên nhiên”, tọa đàm diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội đã tạo ra cơ hội kết nối và trao đổi kinh nghiệm cho các kiến trúc sư Việt Nam với những tên tuổi lớn trong giới Kiến trúc - Xây dựng trong nước và Quốc tế. Tọa đàm nằm trong chuỗi các sự kiện “Sự kỳ diệu của thiên nhiên” trong khuôn khổ ASHOW 2018 cho cộng đồng kiến trúc sư (KTS) trên toàn quốc, diễn ra tại Hà Nội ngày 22/9 và tại TP.HCM ngày 13/10. Điểm nhấn của sự kiện là phần chia sẻ của hai diễn giả nổi tiếng là KTS Lê Trương và KTS Niwa Takashi đến từ Nhật Bản. Trong đó, KTS Lê Trương là KTS Việt Nam đầu tiên được phong danh hiệu Kiến trúc sư ASEAN.

Tại buổi tọa đàm, KTS Niwa Takashi mang đến chủ đề “Nghiên cứu môi trường tiếp cận với văn hóa”, nhằm khẳng định tầm quan trọng của Môi trường - Thiên nhiên - Văn hóa đối với ngành kiến trúc. Ông cho biết: “Những yếu tố về điều kiện khí hậu nắng nóng vào mùa hè, lạnh giá vào mùa đông, độ ẩm cao quanh năm, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Hồng là một trong những bài toán cần các kiến trúc sư giải quyết để cải thiện không gian sống của người dân, đem lại sự hài hòa và thoải mái".

Không nằm ngoài xu hướng, KTS Lê Trương tự hào với những công trình kiến trúc hiện đại ấn tượng mang đậm nét nét đẹp truyền thống của thủ đô Hà Nội. Các thiết kế không chỉ hài hòa về cảnh quan mà còn khéo léo ứng dụng những vật liệu truyền thống, trong tương tác với thiên nhiên với ứng dụng mảng cây xanh, cảnh quan và ánh sáng. Vẫn hướng tới sự trân trọng và phát huy văn hóa bản địa trong công trình, kiến trúc sư Lê Trương chọn cách tiếp cận độc đáo tại buổi tọa đàm với bài tham luận “Sự đối lập giữa kiến trúc và thiên nhiên”, ông cho rằng mỗi công trình kiến trúc là một cỗ máy, các cỗ máy càng phát triển thì càng làm tiêu hao năng lượng của thiên nhiên. Ông kêu gọi các KTS không chỉ đưa thiên nhiên vào kiến trúc nhiều hơn, mà còn phải tôn trọng cảnh quan và văn hóa xung quanh để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Một tiết mục biểu diễn sử dụng sản phẩm đá VICOSTONE

Được biết, tại hội thảo, các đại biểu cũng có cơ hội chiêm ngưỡng những sản phẩm đá VICOSTONE, giúp cho khách mời có thể cảm nhận được trọn vẹn về bản chất vật liệu, bề mặt và màu sắc một cách trực quan. Xen lẫn là tiết mục biểu diễn nghệ thuật được dàn dựng khéo léo tượng trưng cho từng yếu tố, mang lại trải nghiệm chân thực cho người xem.

Phạm Lê

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/bat-dong-san/201809/giai-bai-toan-kien-truc-lay-cam-hung-tu-thien-nhien-615111/