Giải bài toán khó ở SEA Games 30

Trong cuộc gặp mặt đầu năm Kỷ Hợi 2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện với các HLV, VĐV đang tập trung tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội, mục tiêu xếp thứ ba toàn đoàn của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games – 2019 vào tháng 11 tới tiếp tục được đặt ra.

Để hoàn thành mục tiêu này, các đội tuyển phải đạt thành tích tối đa để bù đắp cho những nội dung thế mạnh đã bị nước chủ nhà Philippines cắt giảm.

Khi nước chủ nhà khẳng định vai trò

Theo thông lệ, nước chủ nhà SEA Games thường có tiếng nói quan trọng trong việc quyết định số môn và nội dung thi đấu. Vì thế, nước chủ nhà SEA Games thường có lợi thế trong việc thực hiện mục tiêu trên bảng tổng sắp toàn đoàn. Cho nên, ngay ở lần đăng cai SEA Games gần đây nhất vào năm 2005, Philippines đã giành ngôi vô địch toàn đoàn. Đến kỳ SEA Games diễn ra 2 năm sau đó ở Thái Lan, lập tức Philippines trở lại vị trí thứ 6 quen thuộc.

Đến kỳ SEA Games lần thứ 30 vào tháng 11 tới, không ai nghi ngờ về việc nước chủ nhà Philippines sẽ lại giành ngôi nhất toàn đoàn dù cách đây 2 năm, đoàn Philippines chỉ xếp hạng 6 tại SEA Games lần thứ 29. Đấy không phải là điều bất ngờ trong làng thể thao Đông Nam Á bởi lợi thế chủ nhà sẽ cho phép Philippines đưa nhiều môn thể thao thế mạnh vào chương trình thi đấu đồng thời cắt giảm một số nội dung thi đấu ở nhiều môn thể thao. Vì thế, SEA Games 30 mới có tới 56 môn thi đấu với 523 nội dung, lập kỷ lục trong lịch sử tổ chức SEA Games. Trong số này, một số môn, như khúc côn cầu dưới nước, mới phát triển ở chưa đến chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Như ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kể lại, trong cuộc họp gần đây nhất của các nước dự SEA Games – 2019, khi nước chủ nhà trình chiếu, giới thiệu những môn thể thao sẽ góp mặt ở Đại hội thì chính các đại biểu cũng không thể biết hết. Dù vậy, đặc thù của SEA Games cho phép đưa một số lượng môn thể thao ngoài nhóm Olympic và ASIAD vào chương trình thi đấu để bảo tồn hoặc phát triển. Vì thế, khi nước chủ nhà tận dụng tối đa cũng là hợp lệ.

Vấn đề lại nằm ở những nội dung thi đấu bị cắt giảm. Trong số này, rõ nhất là ở môn điền kinh, pencak silat, bắn súng, bơi. Như ở môn điền kinh, ban đầu nước chủ nhà không đưa nội dung nhảy xa nữ, nhảy cao nữ, đi bộ nam – nữ, 5.000m, 10.000m vào chương trình thi đấu dù đây là các nội dung thường xuất hiện tại Olympic và ASIAD. Phải đến khi các nước kiến nghị thì nước chủ nhà mới đưa trở lại nội dung nhảy xa nữ và nhảy cao nữ. Còn ở môn bắn súng cũng chỉ còn 4 nội dung bắn súng thể thao trong khi thường có ít nhất 10-12 nội dung tại các kỳ SEA Games hay ASIAD, Olympic.

Nhà vô địch nội dung 5.000m nữ ở SEA Games – 2017 Nguyễn Thị Oanh đang hy vọng nội dung này xuất hiện ở SEA Games – 2019.

Nhà vô địch nội dung 5.000m nữ ở SEA Games – 2017 Nguyễn Thị Oanh đang hy vọng nội dung này xuất hiện ở SEA Games – 2019.

Ở môn pencak silat, nội dung biểu diễn nữ cũng không có trong chương trình thi đấu. Còn ở môn bơi, á quân ASIAD 2018 Nguyễn Huy Hoàng sẽ không có cơ hội tranh tài ở nội dung 800m tự do khi nội dung này không xuất hiện. Căn cứ vào thực lực, chỉ tính riêng các nội dung bị cắt giảm ở các môn trên, thể thao Việt Nam có thể thiệt tới 5-7 HCV. Trong khi đó, mục tiêu xếp hạng Ba toàn đoàn vẫn bất biến với thể thao Việt Nam.

Khắc phục và hy vọng

Đến lúc này, điền kinh Việt Nam vẫn hy vọng Ban tổ chức SEA Games - 2019 sẽ đưa thêm những nội dung vốn là thế mạnh của Việt Nam cũng như trong chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD vào chương trình thi đấu. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam, cho biết: "Hiện tại nội dung 5000m, 10000m, đi bộ nam - nữ vẫn chưa có trong chương trình thi đấu của SEA Games - 2019. Liên đoàn điền kinh châu Á đã có văn bản chính thức gửi Ban tổ chức SEA Games - 2019 khuyến cáo việc cần thiết phải bổ sung đầy đủ các nội dung theo thông lệ. Nếu không, Liên đoàn sẽ không chấp thuận việc tổ chức môn điền kinh tại SEA Games 30-2019".

Trong khi đó, ông Dương Đức Thủy – Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) cũng cho hay là chỉ hy vọng những nội dung trên sẽ được đưa vào SEA Games – 2019. Nếu điều này thành hiện thực, điền kinh Việt Nam mới có cơ hội giành từ 14 đến 17 HCV tại SEA Games – 2019.

Nếu không, mục tiêu trên khó thành hiện thực dù trong chương trình thi đấu đã xuất hiện hai nội dung mới là 4x100m, 4x400m hỗn hợp. Điền kinh Việt Nam đã làm quen với hai nội dung trên trong gần 2 năm qua nhưng trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia, Philippines cũng đặc biệt mạnh ở các nội dung này.

Trong khi ấy, giải pháp cho các vận động viên nội dung biểu diễn nữ môn pencak silat được đưa ra là chuyển sang thi đấu nội dung biểu diễn ở môn võ gậy (Arnis) – một trong những môn thể thao truyền thống của Philippines có tên tại SEA Games lần này. Môn thể thao này cũng chỉ xuất hiện tại SEA Games – 2005 rồi không xuất hiện tại các kỳ SEA Games cho tới nay. Việc chuyển sang tập luyện môn võ gậy là giải pháp tình thế, trong ngắn hạn nhưng ít nhất cũng bảo đảm cơ hội tranh chấp huy chương tại SEA Games – 2019. Ở đó, một tấm HCV cũng là cực kỳ quý giá.

Điều này càng được thể hiện rõ ở kỳ SEA Games – 2017 khi đoàn Việt Nam chỉ hơn đúng 1 HCV so với Singapore – qua đó xếp thứ ba toàn đoàn. Ngoài ra, việc bù đắp số HCV dự kiến bị “hụt” tại môn bắn súng, bơi đành phải trông vào nỗ lực của nhiều đội tuyển khác, giúp đoàn Việt Nam có thể vượt qua Malaysia, Indonesia, Singapore để giành vị trí thứ ba toàn đoàn.

Bùi Thị Thu Thảo tiếp tục thi đấu ở SEA Games – 2019

Nhà vô địch ASIAD – 2018 Bùi Thị Thu Thảo cho hay sẽ tiếp tục thi đấu trong năm 2019 trong đó chú trọng vào hai cuộc đấu là Giải vô địch điền kinh châu Á vào tháng 4 tới và SEA Games 30. Tại hai cuộc đấu này, Bùi Thị Thu Thảo đều là ứng cử viên sáng giá cho ngôi vô địch. Trước đây, Bùi Thị Thu Thảo đã dự định nghỉ thi đấu sau ASIAD – 2018 để sinh con.

Dù vậy, những mục tiêu vô địch trong năm 2019 vẫn hấp dẫn cô gái người Ba Vì (Hà Nội), vận động viên tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2018 này. Có lẽ, phải sau năm 2019, cô mới có thể chính thức chia tay hố nhảy xa. Trong năm 2018, cô là vận động viên điền kinh có thu nhập nhiều nhất từ tiền thưởng với tổng cộng khoảng gần 800 triệu đồng.

Minh Nhật

Minh Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao-24h/giai-bai-toan-kho-o-sea-games-30-532784/