Giải bài toán 'hôn phối' Grab - Uber

Sau thông tin chính thức Grab mua lại Uber Đông Nam Á, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) có văn bản yêu cầu Grab Taxi Việt Nam cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến thương vụ sáp nhập này. Có thể nói, đây là một động thái rất kịp thời và cần thiết.

Sau thông tin Uber Đông Nam Á sáp nhập vào Grab và sẽ có 27,5% cổ phần tại Grab, dư luận đã đặt ngay vấn đề: Liệu thương vụ này có vi phạm Luật Cạnh tranh tại Việt Nam? Liệu Grab sẽ lạm dụng vị trí thống lĩnh/độc quyền để thao túng giá cước trên thị trường, vì trên thực tế từ sau ngày 8.4 thị trường taxi/xe ôm công nghệ tại Việt Nam sẽ hầu như do Grab nắm giữ? Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - đã chia sẻ trên một tờ báo rằng: “Khi độc quyền thì Grab trở nên quyền lực đối với cả khách hàng và lái xe”. Vậy thì nỗi lo của người tiêu dùng cũng như giới tài xế về quyền lợi của mình trên thị trường taxi/xe ôm công nghệ có phải là không có lý?

Điều 25, Khoản 1, Luật Cạnh tranh xác định doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan. Điều 30 quy định về các hình thức tập trung kinh tế: a/Sáp nhập doanh nghiệp. b/Hợp nhất doanh nghiệp. c/Mua lại doanh nghiệp... Và Điều 31 quy định về việc “tập trung kinh tế bị cấm” là: “Cấm tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam”. Thẩm quyền đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể việc tập trung kinh tế gây ra như thế nào thuộc về Ủy ban cạnh tranh Quốc gia.

Như vậy, chức năng và nhiệm vụ giải bài toán về cuộc “hôn phối” Grab-Uber tại Việt Nam đang thuộc thẩm quyền cơ quan chức năng của Việt Nam. Song vấn đề nan giải là, cuộc “hôn phối” đó lại được quyết định không phải tại Việt Nam mà tại đầu não của Grab ở nước ngoài. Trường hợp thương vụ này được xác định không vi phạm Luật Cạnh tranh thì vấn đề trở thành đơn giản, nhưng nếu được xác định là vi phạm, thì sẽ giải quyết ra sao? Mặt khác, cả Grab và Uber đều đang là dịch vụ thử nghiệm tại Việt Nam. Và còn có một tiền lệ: Dịch vụ tương tự là Didi Chuxing ở Trung Quốc khi mua lại Uber đã nắm gần 100% thị phần dịch vụ đặt xe qua ứng dụng, nhưng cuối cùng cũng trót lọt.

THẨM HỒNG THỤY

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cau-chuyen-quan-ly/giai-bai-toan-hon-phoi-grab-uber-598495.ldo