Giải bài toán cung - cầu, 'giảm nhiệt' giá thép

Giá thép gần đây tăng chóng mặt, tăng 40 - 50% so với năm ngoái và tiếp tục tăng chưa có dấu hiệu dừng lại. Mất cân đối cung cầu là nguyên nhân chủ yếu khiến giá thép tăng. Việc đề xuất giảm thuế nhập khẩu, cơ quan quản lý cho rằng, cần phải cân nhắc cẩn trọng.

Nhu cầu đầu tư công tăng, thép thành phẩm nhập khẩu giảm, thép trong nước sản xuất không đủ cung, xuất khẩu thép lại tăng mạnh, khiến giá thép tăng. Ảnh: TL.

Nhu cầu đầu tư công tăng, thép thành phẩm nhập khẩu giảm, thép trong nước sản xuất không đủ cung, xuất khẩu thép lại tăng mạnh, khiến giá thép tăng. Ảnh: TL.

Mất cân đối cung – cầu khiến giá thép tăng bất thường

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, theo dõi thị trường thời gian gần đây cho thấy giá thép trong nước có diễn biến chủ yếu là tăng giá.

Trong tháng 1/2021, một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép thông báo điều chỉnh tăng giá bán khoảng từ 300 - 900 đồng/kg tùy theo chủng loại và nhà sản xuất, sang tháng 2/2021 điều chỉnh giảm khoảng từ 200 - 750 đồng/kg. Sang tháng 3/2021, giá thép tiếp tục xu hướng tăng khoảng từ 200-500 đồng/kg. Trong tháng 4/2021, mức tăng khoảng 1.600 - 1.700 đồng/kg tùy theo từng chủng loại.

Hiện nay, giá bán tại các nhà máy sản xuất thép ở mức khoảng từ 16.200 - 17.800 đồng/kg tùy theo chủng loại và nhà sản xuất (giá giao tại nhà máy, chưa bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng (GTGT), chiết khấu bán hàng).

Cục Quản lý giá nhận định, giá thép xây dựng tăng trong giai đoạn vừa qua có sự tác động của biến động tăng giá phôi thép trên thị trường thế giới. Do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh khiến cho giá nguyên liệu thô sản xuất thép như thép phế, phôi thép từ khoảng giữa tháng 10/2020 đến nay liên tục tăng.

Theo khảo sát, nắm bắt thông tin thì giá chào phôi, thép phế trên thị trường thế giới ở thời điểm hiện tại tăng khoảng 37 - 39% so với tháng 10/2020. Trong đó, giá chào bán phôi thép thị trường thế giới tháng 4/2021 tăng khoảng 50 - 55 USD/tấn so với cuối tháng 3/2021. Hiện giá chào phôi thép khu vực Đông Nam Á vào khoảng 650 USD/tấn. Riêng trong tháng 4/2021, giá phôi nội địa tăng tăng khoảng 1.450 đồng/kg, giá thép phế tăng khoảng 1.200 đồng/kg.

Bộ Xây dựng đã có báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng. Theo đó, ngoài giá phôi tăng, nguyên nhân mất cân đối về cung - cầu, nguồn cung về vật liệu thép xây dựng khan hiếm làm tăng giá thép.

Cụ thể theo báo cáo của bộ này, qua khảo sát các đại lý bán lẻ mặt hàng sắt, thép xây dựng tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tăng giá thép vào thời điểm cuối năm 2020 mang tính chu kỳ do nhu cầu xây dựng, sửa chữa gia tăng như hàng năm và do việc khởi công một số công trình trọng điểm sử dụng vốn đầu tư công. Sang năm 2021, giá thép có yếu tố bất thường hơn do lượng thép thành phẩm nhập khẩu giảm, thép trong nước sản xuất không đủ cung, trong khi đó sản lượng xuất khẩu thép tăng mạnh.

Kịp thời xử lý hiện tượng tăng giá bất hợp lý

Ngoài các nguyên nhân mang tính chất thời điểm, đột biến, theo Cục Quản lý giá, mất cân đối về cung - cầu là nguyên nhân chính dẫn đến việc giá thép biến động bất thường nêu trên.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác có thể kể đến cũng ảnh hưởng đến cung cầu thép thành phẩm liên quan đến công nghệ xây dựng. Theo chuyên gia xây dựng, việc xây dựng tăng nhanh trong những năm gần đây, trong khi đó phương thức xây dựng truyền thống sử dụng nhiều thép sẽ khiến nguồn cung thép trong nước ngày càng quá tải. Ví dụ với công trình xây dựng trên 10 tầng thì dùng bê tông cốt thép sẽ nặng hơn 1,2 - 1,5 lần so với phương pháp sử dụng kết cấu thép. Trong đó chủ yếu sử dụng thép thanh. Loại thép này dù trong nước đã sản xuất được nhưng số lượng còn hạn chế và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, dẫn đến phụ thuộc nhiều vào thép nhập khẩu trong khi sản lượng nhập khẩu giảm, dễ mất cân bằng cung cầu thép xây dựng trong nước.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại công văn số 389/VPCP-KTTH ngày 16/01/2021 của Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ số 724/BCT-CN ngày 05/2/2021 về giá thép.

Ông Đặng Công Khôi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, theo quy định quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành thì chỉ có mặt hàng thép xây dựng, xi măng cát, đá không nằm trong danh mục các mặt hàng nhà nước quản lý giá.

Trong vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã luôn cập nhật diễn biến giá thép xây dựng và thông tin kịp thời tại báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá. Trong các kịch bản điều hành giá quý I/2021 và các tháng còn lại của năm 2021 đã tính đến các diễn biến tăng giá vật liệu xây dựng, trong đó có giá thép.

Do giá thép xây dựng trong thời gian vừa qua tăng do biến động về cung - cầu tiêu thụ; đồng thời giá nguyên liệu thô sản xuất thép như thép phế, phôi thép tăng cao; vì vậy, Cục Quản lý giá cho biết, sẽ ưu tiên các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiện tượng lợi dụng tăng giá nguyên liệu đầu vào để tăng giá bất hợp lý.

Giảm thuế nhập khẩu, cần phải tính toán cẩn trọng

Bộ Công thương cũng đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số bộ có cơ chế hỗ trợ, trong đó có đề nghị Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước trong việc hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với thép nhập khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với nguyên liệu để sản xuất thép được quy định ở mức thấp là 0% (nhóm 72.03), 3% (nhóm 72.04) và 1% đối với phôi thép (nhóm 72.06). Việc quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép thấp trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước giảm giá thành đầu vào và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đối với thuế nhập khẩu thép thành phẩm, hiện mặt hàng thép xây dựng thuộc nhóm 72.13 đến 72.16 có mức thuế suất thuế MFN là 15% đối với thép hình, thép góc và 20% đối với thép dạng thanh que. Những mặt hàng này nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc và từ Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang là thành viên của 14 hiệp định thương mại tự do, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại một số hiệp định này đối với các mặt hàng thép xây dựng tương đối thấp như Hiệp định ASEAN (ATIGA), Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Việt Nam Hàn Quốc (VKFTA)…

Như vậy, mức thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng thép đã được quy định trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc theo quy định của luật, đồng thời phù hợp với thực trạng phát triển của ngành thép trong nước cũng như cam kết về cắt giảm thuế quan khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và khi tham gia các FTA.

Vừa qua Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 918/QĐ-BCT ngày 20/3/2020 về việc tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam thêm 3 năm. Theo đó, các chủng loại phôi thép nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất thuế tự vệ ở mức 15,3% từ ngày 22/3/2020 đến ngày 21/3/2021; 13,3% từ ngày 22/3/2021 đến ngày 21/3/2022 và 11,3% từ ngày 22/3/2022 đến ngày 21/3/2023.

Đối với các sản phẩm thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, mức thuế tự vệ được áp dụng tương ứng cho từng giai đoạn là 9,4%; 7,9% và 6,4%. Việc thực hiện mức thuế này nhằm ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.

Theo ông Trương Bá Tuấn, Việt Nam có thể xem xét việc điều chỉnh chính sách thuế tự vệ đối với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng trong giai đoạn hiện nay để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất thép và giá thép xây dựng bán ra trên thị trường trong nước.

Tuy vậy, ông Tuấn cũng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc đặt vấn đề giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thép thành phẩm cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng để vừa góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước phát triển bền vững, bình ổn thị trường thép trong nước, bảo đảm tuân thủ đúng các nguyên tắc được quy định trong Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016. Quan trọng là cần phải có các giải pháp để cân đối cung cầu, nâng cao năng lực sản xuất thép trong nước./.

Năm 2020 nhập khẩu hơn 13 triệu tấn thép

Qua thống kê cho thấy, sản lượng nhập khẩu thép trong năm 2020, đạt 13,259 triệu tấn (bao gồm cả thép thô và thép thành phẩm) với trị giá trên 8 tỷ USD, giảm 8,9% về lượng và giảm 15,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Các quốc gia cung cấp thép nhiều nhất cho Việt Nam vẫn lần lượt là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Ấn Độ.

Sản lượng xuất khẩu thép năm 2020 là 9,858 triệu tấn thép (bao gồm cả thép thô và thép thành phẩm) với kim ngạch đạt 5,258 tỷ USD, tăng 47,9% về lượng và tăng 25,1% về giá trị. Mặt hàng thép các loại của Việt Nam được xuất khẩu trên 30 nước trên thế giới, trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ. Riêng đối với Trung Quốc, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 3,5 triệu tấn thép, tăng 8 lần so với năm 2019. Lợi thế từ việc xuất khẩu khiến thép xuất khẩu tăng, do đó làm tăng tổng cầu thép trong nước, đặc biệt là thép thành phẩm.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-05-17/giai-bai-toan-cung-cau-giam-nhiet-gia-thep-104074.aspx