Giải bài toán chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền

Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và liên tục giữ vững tổng tỷ suất sinh (TFR - số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức dưới 2,1 con trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, mức sinh còn có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền, đòi hỏi phải tìm ra giải pháp hiệu quả cho sự phát triển bền vững của từng vùng, miền và cả nước.

Tuyên truyền về công tác dân số cho người dân huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Xét trên bức tranh toàn cảnh, hơn 50 năm qua, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam liên tục giảm, từ 6,39 con (năm 1960) xuống còn 2,09 con (năm 2006) (dưới mức sinh thay thế, được các nhà khoa học tính toán là 2,1 con - số con đủ thay thế cho người mẹ trong suốt cuộc đời họ). Liên tục từ đó đến nay, chúng ta luôn ở dưới mức sinh thay thế. Chỉ tính riêng trong 20 năm qua, theo các nhà khoa học, chúng ta đã tránh sinh được 20,8 triệu trường hợp. Điều đó có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, nâng cao các chỉ số sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với mức sinh ổn định, bền vững như vậy, Việt Nam không cần tiếp tục kiểm soát tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, thực tế con số này chưa phản ánh đúng bản chất: mức sinh ở nước ta không đồng đều theo từng vùng. Bởi trong “bức tranh” mức sinh đó, còn rất nhiều “mảng màu” khác biệt. Theo thống kê, vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (1,5 đến 1,6 con). Một số tỉnh, thành phố đang trong tình trạng mức sinh thấp như: TP Hồ Chí Minh (1,33 con); Đồng Tháp (1,57 con); Cần Thơ (1,58 con); Cà Mau (1,62 con); Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (1,7 con)... Tổng tỷ suất sinh như các tỉnh này hiện tương đương Hàn Quốc, Xin-ga-po, những nước đang có các chính sách nỗ lực khuyến khích phụ nữ sinh con do thiếu nguồn nhân lực và dân số già hóa nhanh.

Nếu vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đang có mức sinh thấp (thậm chí rất thấp) thì ở miền núi phía bắc, miền trung và Tây Nguyên, tỷ suất sinh còn rất cao, đang phải kiên trì thực hiện các biện pháp giảm sinh. Nếu tỷ suất sinh thô cả nước hiện là 16 đến 17‰ thì tỷ suất sinh ở các tỉnh này lên đến gần 30‰. Nhiều tỉnh như: Hà Giang, Lai Châu, Hà Tĩnh, Đác Lắc… có TFR ở mức khoảng ba con. Thậm chí vẫn có những nơi, người dân sinh tới sáu, bảy con. Do đó, ở những tỉnh này, muốn TFR giảm được từ ba con xuống 1,8 con là con đường dài, vất vả. Chính vì vậy, việc duy trì mức sinh thấp hợp lý là giải pháp hữu hiệu nhất trong giai đoạn hiện nay, giúp có được quy mô và cơ cấu dân số hài hòa nhất, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Trước những mảng màu khác biệt đó, công tác dân số - phát triển đã đặt ra những giải pháp quan trọng. Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 nhấn mạnh đến việc “chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số” với phương án duy trì mức sinh thay thế. Câu hỏi được đặt ra là mức sinh thay thế là bao nhiêu? Khi chúng ta áp dụng phương án này, liệu có rơi vào tình trạng số con của người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ dần thấp đi rồi rơi xuống ngưỡng quá thấp, để rồi không thể “kích cầu” sinh đẻ được như câu chuyện của một số nước đang gặp phải? Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã đề xuất với Chính phủ về TFR hợp lý cố gắng duy trì khoảng từ 1,8 đến hai con, không để TFR tăng lên nhưng cũng không để rơi xuống quá thấp. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, khi TFR rơi xuống khoảng 1,3 đến 1,4 con sẽ rất khó khăn trong việc nâng lên. Các nước trên thế giới có một quy luật chung là đã, đang và sẽ thành công trong giảm sinh nhưng hầu như chưa có nước nào thành công trong việc nâng mức sinh một khi đã rơi xuống thấp. Nhìn chung trên cả nước, TFR 2,1 con là hợp lý và chúng ta đã duy trì được mức sinh thay thế 2,1 con đã gần 13 năm.

Theo Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Nguyễn Doãn Tú, đối với một số tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên mức sinh còn cao, cần giảm mạnh và sớm đạt mức sinh thay thế để từ đó có điều kiện nâng cao chất lượng dân số. Trong khi đó, các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh đã xuống khá thấp, nếu giảm nữa sẽ khó đạt được mức sinh thay thế. Đây là điều rất đáng báo động, nhiều người ở TP Hồ Chí Minh chỉ sinh một con, trong khi tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh đang có xu hướng tăng. Do đó, thông điệp truyền thông trên địa bàn được cán bộ dân số triển khai là: “Mỗi cặp vợ chồng hãy sinh đủ hai con thì mới là yêu nước”.

Việc kiểm soát mức sinh trong quy mô dân số hiện nay diễn biến ngày càng phức tạp, cho nên kế sách cũng cần đa dạng để phù hợp thực tiễn. Những chương trình, kế hoạch cụ thể đã và đang được triển khai một cách tích cực để từng bước khắc phục sự mất cân đối trong cấu trúc dân số, cùng với đó là góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Doãn Tú cho biết: Sau Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Tổng cục Thống kê đã đưa ra ba kịch bản khác nhau về mức sinh ở Việt Nam, gồm phương án mức sinh cao, mức sinh thấp và mức sinh thấp thay thế. Đây là cơ sở để chúng ta hoạch định chiến lược dài hạn, cùng hệ thống các giải pháp thực hiện phương án mục tiêu được chọn. Với phương án mức sinh cao, nếu mức sinh tăng trở lại và tổng tỷ suất sinh có thể lên tới 2,3 đến 2,5 con/phụ nữ thì sau năm 2049, quy mô dân số ở nước ta đạt cực đại (khoảng 130 đến 140 triệu người); mật độ dân số khoảng 400 người/km2. Kịch bản ngược lại, nếu để mức sinh giảm xuống quá thấp và tổng tỷ suất sinh chỉ khoảng 1,35 con/phụ nữ thì quy mô dân số nước ta sẽ đạt cực đại khoảng 95 đến 100 triệu người. Kịch bản thứ ba, đó là duy trì mức sinh thay thế, với tổng tỷ suất sinh 2,1 con/phụ nữ thì quy mô dân số nước ta sẽ chỉ đạt mức cao nhất khoảng 115 triệu người vào năm 2049.

MAI XUÂN PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38965402-giai-bai-toan-chenh-lech-muc-sinh-giua-cac-vung-mien.html