Giải bài toán bạo lực học đường: Tìm đúng căn nguyên để kê đơn thuốc

Thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường ở một số địa phương với tính chất và mức độ ngày càng phức tạp. Cá biệt, có một số vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến thể chất, tinh thần học sinh, giáo viên, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Ngày càng bạo lực hơn

Bạo lực học đường hiện đang là vấn đề nóng, trở thành mối quan tâm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Những năm gần đây, bạo lực học đường diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều mức độ và hình thức khác nhau. Thống kê của ngành Công an cho thấy, chỉ trong quý I/2019, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 310 vụ bạo lực học đường, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT. Riêng cuối tháng 3 và đầu tháng 4, hàng loạt vụ bạo lực giữa học sinh với nhau xảy ra ở khắp các tỉnh, thành như: Hưng Yên, Nghệ An và mới nhất là Quảng Ninh. Tìm kiếm trên Google, chỉ trong 0,36 giây có tới 29 triệu kết quả cho cụm từ "bạo lực học đường".

Đặc biệt, nhiều video được chia sẻ, trong đó có cảnh nữ sinh lớp 9A Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) bị 5 bạn cùng lớp lột đồ, đánh hội đồng đã khiến ông Đặng Hoa Nam (Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) bị sốc. Qua theo dõi và phân tích, ông Đặng Hoa Nam khẳng định trong 2-3 năm tới, những thông tin, video về bạo lực học đường sẽ được đăng tải nhiều hơn bởi một số lý do.

Các chuyên gia cho rằng cần phải có biện pháp triệt để để hạn chế tối đa vấn nạn bạo lực học đường.

Các chuyên gia cho rằng cần phải có biện pháp triệt để để hạn chế tối đa vấn nạn bạo lực học đường.

Đầu tiên, đó là điều tất yếu bởi bạo lực học đường là thực trạng ở nhiều quốc gia, kể cả nước có nền giáo dục tốt hay làm công tác tư vấn tâm lý học đường tốt. Thứ hai là do nhận thức của xã hội tăng lên, tỷ lệ phụ huynh đứng ra tố cáo cũng cao hơn. Thứ ba, mạng xã hội phát triển giúp video, thông tin nhanh chóng được lan truyền đến cộng đồng và phụ huynh sẽ có bằng chứng để tố cáo. "Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cũng chặt chẽ hơn nên niềm tin của người dân cũng tăng. Dịch vụ cung cấp cho mọi người cũng tốt hơn như tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Suốt gần 15 năm qua, số cuộc gọi đến tố cáo xâm hại tình dục, bạo lực tăng lên rất nhanh" - ông Đặng Hoa Nam thông tin và khẳng định phần chìm của tảng băng mang tên bạo lực học đường sẽ dần dần lộ rõ.

Theo TS. Hoàng Trung Học (Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục), bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Tại các nước có nền giáo dục phát triển, bạo lực học đường vẫn luôn tồn tại và là vấn đề khó giải quyết. Đơn cử như tại nước Mỹ, mỗi ngày có khoảng 160.000 học sinh không đến trường vì bị bạo lực hoặc sợ bị bạo lực. 83% các bé gái và 79% các bé trai cho biết từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Điều đáng nói, có tới 64% trong số các em này dù bị bạo lực nhưng lại không dám chia sẻ với ai.

TS. Hoàng Trung Học cho rằng, bạo lực học đường là hệ quả của quá trình tác động đa chiều, gồm nhiều vòng khác nhau, từ điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, đến gia đình, nhà trường, bạn bè và cả đặc điểm tâm sinh lý của chính các em. Do đó, đẩy lùi bạo lực học đường không phải là trách nhiệm của riêng nhà trường, thầy cô, mà cần có sự quan tâm, vào cuộc của cả xã hội và hơn hết là sự quan tâm, chăm sóc của chính gia đình học sinh.

Đâu là giải pháp?

Theo Chuyên gia tâm lý - pháp lý TS. Nguyễn Hà An (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trách nhiệm Xã hội), có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực học đường. Tuy nhiên, có thể kể đến 4 nguyên nhân chính như sau: Nguyên nhân thứ nhất là do gia đình, nhà trường và xã hội chưa thực sự truyền tải những nhận thức đúng về giá trị của văn hóa ứng xử giữa người với người; chưa chú trọng đến kỹ năng sống, đạo đức của học sinh, sinh viên.

Theo PGS.TS.Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội), trước thực trạng bạo lực học đường diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới đã triển khai các giải pháp chương trình chiến lược quốc gia về vấn đề này.

Đơn cử như Hàn Quốc đã ban hành luật chống bạo lực và bắt nạt học đường vào năm 2004; hay Philippine cũng ban hành đạo luật chống bắt nạt (năm 2016) đề cập đến cả bắt nạt truyền thống và bắt nạt trực tuyến, Australia có Khung chuẩn quốc gia về trường học an toàn (2004); Thụy Điển có Luật chống phân biệt (2009) và Luật giáo dục sửa đổi (2010) cấm tất cả các hình thức phân biệt và bắt nạt ở trường học; đạo luật số 20,536 về bạo lực học đường trong Luật giáo dục của Chile (2011); Singapore có đạo luật phòng chống quấy rối...

Ở Mỹ thì không có riêng một điều luật về phòng chống bạo lực và bắt nạt nhưng tất cả các nội dung này đều được quy định trong các điều luật về nhà trường, luật về môi trường trường học an toàn và không có chất gây nghiện; đạo luật về môi trường cộng đồng an toàn thân thiện.

Nguyên nhân thứ hai là do sự chuyển biến tâm lý từ chính bản thân các em, đặc biệt là trong độ tuổi từ 12 - 17. Ở độ tuổi này, các em có sự biến đổi tâm lý, muốn khẳng định cái tôi của bản thân. Mặt khác, khả năng kiềm chế của các em trong độ tuổi này khá kém. Trong giai đoạn này nếu không có sự chú ý về giáo dục, sự quan tâm tới chuyển biến tâm lý, các em dễ dàng chịu sự tác động xấu từ bên ngoài đặc biệt từ mạng xã hội, từ đó các em sẽ có nhận thức sai lầm về cách sống, hành động.

Nguyên nhân thứ ba là do môi trường sống của các em thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, có nhiều đối tượng bỏ học, lang thang chơi bời, nhiều tệ nạn xã hội, tỷ lệ phạm tội cao… Và nguyên nhân cuối cùng là do nhà trường chưa có trách nhiệm và biện pháp xử lý triệt để vấn nạn bạo lực học đường. “Tóm lại, tại gia đình thì trẻ em mất niềm tin vào bố mẹ bởi nhiều ông bố, bà mẹ chưa dành nhiều thời gian cho trẻ em vì còn bận mải đi kiếm tiền; xã hội thì thờ ơ, thiếu trách nhiệm kể cả giáo viên - người có trách nhiệm dạy dỗ các em, bên các em phần lớn thời gian” - TS. Nguyễn Hà An cho hay.

Để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, PGS.TS.Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng cần đưa ra một quy trình hành động phòng chống bạo lực học đường áp dụng một cách nhất quán và liên tục, kết hợp phòng ngừa và can thiệp, phối hợp các chương trình xã hội, nhà trường, nhóm nhỏ và cá nhân; huy động được các nguồn lực hỗ trợ của gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Các chương trình thực hiện ở nhà trường không chỉ dừng ở các chương trình phòng ngừa bạo lực học đường mà còn từ những chương trình hòa giải xung đột vì đó là nguồn làm tăng bạo lực; xây dựng bầu không khí hợp tác; loại bỏ các nguy cơ dẫn đến bạo lực trong môi trường sinh thái – xã hội của học sinh. Nâng cao lòng tự trọng và tư duy phản biện (dám nói dám đấu tranh với cái xấu trên tinh thần xây dựng); thực hành và vận dụng các kỹ năng quản lý hành vi tích cực và kỷ luật không nước mắt.

Cùng quan điểm với PGS.TS.Trần Thành Nam, Chuyên gia tâm lý - pháp lý TS. Nguyễn Hà An cho rằng: Gia đình, nhà trường và xã hội cần nâng cao nhận thức, ý thức cho học sinh, sinh viên và con em mình về những hành động bạo lực và hậu quả của những hành động bạo lực này.

Trong đó, gia đình cần chú trọng giáo dục con cái như: Phê phán những hành vi thô bạo, xử lý nghiêm khắc những hành vi thô bạo, bạo lực từ con trẻ; quản lý việc sử dụng mạng xã hội của con cái; hình thành cho trẻ về tính quan tâm, giúp đỡ người khác. Nhà trường cần chú trọng tới việc giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, quan tâm tới từng học sinh, sinh viên (đặc biệt là những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt) và chủ động trao đổi thông tin với gia đình các em học sinh, sinh viên.

Thêm vào đó, cần sớm đưa vào giảng dạy pháp luật tại nhà trường để các em sớm ý thức được hành vi và hậu quả của hành vi mà mình thực hiện. Chính quyền cần có những công tác tuyên truyền, vận động, phòng chống, kịp thời ngăn chặn mâu thuẫn, bạo lực; phát triển những địa điểm vui chơi giải trí cho lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/giai-bai-toan-bao-luc-hoc-duong-tim-dung-can-nguyen-de-ke-don-thuoc-90103.html