Giấc ngủ trong kỷ nguyên số

Chỉ một giấc ngủ, hoặc thậm chí một giấc ngủ ngắn, có thể giúp ta đúc kết thông tin về cảm xúc và kiểm soát được cách thức ta cảm nhận. Rebecca Spencer, nhà thần kinh học chuyên về giấc ngủ tại Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), muốn nghiên cứu tính khoa học đằng sau những trải nghiệm nói trên.

Spencer nói: “Quan sát của rất nhiều người là một đứa trẻ không được ngủ đủ sẽ bị rối loạn tình cảm. Điều này thúc đẩy chúng tôi đặt câu hỏi 'Các giấc ngủ ngắn thực tế có ảnh hưởng gì đến việc xử lý cảm xúc?'”.

Con người có thể không ngủ trong bao lâu?

Giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong việc mã hóa thông tin dựa trên những trải nghiệm trong ngày, từ đó mà giấc ngủ trở nên quan trọng để giữ gìn ký ức. Và các trí nhớ tình cảm là duy nhất vì cách thức mà nó kích hoạt amygdala - trung tâm cảm xúc trong não.

Spencer giải thích: "Sự kích hoạt amygdala là điều cho phép ngày cưới của bạn và đám tang của bố mẹ bạn trở thành ngày dễ nhớ hơn các ngày bình thường khác".

Amygdala ghi nhớ những kỷ niệm này là quan trọng để trong khi ngủ chúng được xử lý lâu hơn và lặp lại nhiều lần hơn những kỷ niệm tầm thường khác. Kết quả là những kỷ niệm có ý nghĩa quan trọng về tình cảm dễ được tìm lại trong tương lai. Nhưng qua việc ảnh hưởng đến cách thức xử lý các ký ức, giấc ngủ cũng có thể làm thay đổi sức mạnh của chính bộ nhớ.

Elaina Bolinger, chuyên gia về cảm xúc và giấc ngủ Đại học Tuebingen, lập luận: "Giấc ngủ đặc biệt quan trọng trong tiến trình chuyển đổi trí nhớ cảm xúc". Trong một nghiên cứu với những đứa trẻ từ 8 đến 11 tuổi, Bolinger và các đồng nghiệp đã cho chúng xem các hình ảnh phản cảm và bình thường. Các em cho biết tình cảm của mình qua việc chỉ các hình que.

 Thiếu ngủ sẽ dẫn tới bạn có nguy cơ bị tiểu đường, các bệnh tim mạch, béo phì, trầm cảm và các chứng bệnh khác.

Thiếu ngủ sẽ dẫn tới bạn có nguy cơ bị tiểu đường, các bệnh tim mạch, béo phì, trầm cảm và các chứng bệnh khác.

Sau đó, một số trẻ em được ngủ, một số khác thì không. Các nhà nghiên cứu theo dõi sinh lý não của nhóm trẻ từ phòng bên cạnh thông qua các điện cực. Sáng hôm sau, nhóm trẻ được xem vẫn những hình đó, và một số hình mới.

So với những đứa trẻ thức thì những đứa trẻ ngủ có thể kiểm soát phản ứng cảm xúc của chúng tốt hơn. Ví dụ, những đứa trẻ ngủ có phản ứng cảm xúc nhỏ hơn ở "tiềm năng dương tính muộn (LPP)" - nghĩa là điện áp được đo ở phía sau của não.

Điều này cho thấy khi nào thì bộ não xử lý thông tin - và các hình gai ở đồ thị đặc biệt lớn khi thông tin đó là cảm xúc tiêu cực. Nhưng con người có thể kiểm soát LPP đến một mức độ nào đó. Nghiên cứu cho thấy giấc ngủ giúp cả cho việc đúc kết thông tin về cảm xúc lẫn việc kiểm soát được cách thức ta cảm nhận. Và tác động này là rất nhanh.

Bolinger nhận định: "Rất nhiều nghiên cứu hiện tại đang cho thấy chỉ cần một đêm ngủ cũng có tác động. Nó có tác dụng tốt để xử lý chính bộ nhớ, và điều này cũng quan trọng cho việc điều hòa về cảm xúc nói chung".

Khi nói về hoạt động của con người thì có một hoạt động chiếm nhiều thời gian của chúng ta hơn hết: nếu bạn sống đến 78 tuổi thì có thể bạn đã mất 25 năm để ngủ. Để lấy lại một phần trong thời gian đó có lẽ cũng là điều hợp lý nếu chúng ta tự hỏi: chúng ta có thể thức liên tục trong bao lâu và mất ngủ liên tục dẫn đến hậu quả gì?

Erin Hanlon, nhà nghiên cứu Đại học Chicago (Mỹ), nói: "Sự thôi thúc bạn phải ngủ mạnh đến nỗi nó vượt cả nhu cầu cần phải ăn. Não bộ của bạn đơn giản là chìm vào giấc ngủ cho dù bạn có cố gắng đẩy lùi giấc ngủ như thế nào đi nữa".

Tại sao nhu cầu phải ngủ lại mạnh như thế vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, giấc ngủ đã "khởi động lại" các hệ thống trong cơ thể chúng ta. Hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy giấc ngủ thường xuyên và đủ giấc giúp chữa lành các căn bệnh, nâng cao hệ thống miễn dịch, giúp trao đổi chất hợp lý và nhiều lợi ích khác nữa.

Đó có lẽ là lý do tại sao chúng ta cảm thấy khỏe khoắn sau một giấc ngủ sâu. Còn nếu bạn thiếu ngủ thì sẽ dẫn đến nguy cơ bị tiểu đường, bệnh tim mạch, béo phì, trầm cảm và các chứng bệnh khác. Ngoài ra chúng ta còn có những cảm giác rất khó chịu như thiếu năng lượng, cảm thấy choáng váng và cảm thấy mí mắt nặng trĩu.

Nếu tiếp tục đẩy lùi giấc ngủ thì khả năng tập trung cũng như trí nhớ ngắn hạn của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Nếu bỏ qua tất cả những điều này và tiếp tục thức liên tục nhiều ngày thì đầu óc chúng ta sẽ trở nên mất thăng bằng. Chúng ta sẽ trở nên bộc phát cảm xúc, hoang tưởng và có ảo giác.

"Người ta sẽ trở nên ảo tưởng và hơi bị điên" - theo Atul Malhotra, Giám đốc Trung tâm Y khoa Giấc ngủ Đại học California, San Diego, cho biết.

Các tài xế xe tải đường dài có một cách nói để mô tả chứng ảo giác do mất ngủ này: "nhìn thấy con chó đen". Đó là khi họ nhìn thấy một cái bóng xuất hiện bên đường thì đó là lúc nên dừng tay lái. Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy sự suy sụp của cơ thể nếu như bị mất ngủ.

Các hormone gây căng thẳng như adrenaline và cortisol tăng nhanh trong máu và làm cho huyết áp gia tăng. Trong khi đó, nhịp tim trở nên rối loạn và hệ miễn dịch trở nên yếu ớt. Những người mất ngủ luôn cảm thấy lo lắng và có nhiều khả năng mắc bệnh hơn.

Jerome Siegel, giáo sư Trung tâm Nghiên cứu giấc ngủ Đại học California, Los Angeles, cho biết: "Nếu có hư tổn gì thì sẽ không sửa chữa được".

Nhưng chúng ta phải làm sao nếu giấc ngủ không đến? Một căn bệnh do gene gây ra hiếm gặp gọi là chứng mất ngủ FFI (mất ngủ gia đình gây tử vong) giúp chúng ta thấy được những hình ảnh đáng sợ nhất do hậu quả của chứng mất ngủ triền miên gây ra.

Chỉ có khoảng 40 gia đình trên toàn thế giới có gene gây ra FFI trong hệ di truyền. Chỉ một gene khiếm khuyết khiến cho các protein trong hệ thần kinh biến thành các 'prion' và bị mất đi chức năng thông thường của chúng.

Malhotra giải thích: "Prion là các protein có những hình thù ngộ nghĩnh khiến cho người ta thức khuya". Các prion này dồn lại ở các mô thần kinh, giết chết chúng và tạo ra những lỗ trong não bộ. Một bộ phận đặc biệt bị tổn thương nặng nề nhất ở các bệnh nhân FFI là vùng đồi thị - vùng sâu của não bộ giúp kiểm soát giấc ngủ.

Bệnh nhân mắc chứng mất ngủ này bất thình lình sẽ hoạt động liên tục không nghỉ ngơi và phát sinh những triệu chứng kỳ quặc như đồng tử co nhỏ như đầu đinh ghim hay toát mồ hôi. Sau một vài tuần, bệnh nhân FFI rơi vào tình trạng mê tỉnh. Họ dường như là bị mộng du hay thể hiện những động tác cơ không chủ ý mà những người bình thường thường làm khi đi vào giấc ngủ. Sau đó họ sẽ bị giảm cân và mất trí nhớ và cuối cùng là tử vong.

Siegel nói: "Tôi không nghĩ mất ngủ là nguyên nhân dẫn đến tử vong cho các bệnh nhân này".

Các thí nghiệm làm mất giấc ngủ ở động vật cũng đã cho thấy bằng chứng rằng việc mất ngủ tự thân nó không dẫn đến tử vong nhưng cái làm cho mất ngủ mới chính là thủ phạm.

Trong nghiên cứu vào thập niên 1980, Giáo sư Allan Rechtschaffen, Đại học Chicago đặt những con chuột trên những chiếc đĩa đặt trên một khay nước. Hễ mỗi lần các con chuột này muốn ngủ - như dấu hiệu về sự thay đổi sóng não cho thấy - thì chiếc đĩa sẽ xoay tròn khiến cho chuột tỉnh trở lại.

Tất cả các con chuột được thí nghiệm đều chết sau một tháng liên tục như thế mặc dù không rõ nguyên nhân. Giáo sư Siegel cho rằng rất có thể đó là áp lực bị đánh thức trung bình “một ngàn lần một ngày” đã khiến cho các hệ thống cơ quan của chuột bị mỏi mòn.

Siegel giải thích: "Đó là vấn đề của việc diễn giải các nghiên cứu về giấc ngủ ở con người và động vật. Bạn không thể tước mất giấc ngủ của người và động vật hoàn toàn mà không có sự hợp tác của đối tượng hoặc không dùng một áp lực nào đó vừa đủ. Nếu xảy ra tử vong thì vấn đề là nguyên nhân do áp lực hay do mất ngủ? Phân tích không hề dễ dàng".

Tất cả những điều này sẽ khiến chúng ta khám phá giới hạn không ngủ của con người. Nhưng câu hỏi vẫn là: chúng ta có thể thức được bao lâu? Kỷ lục được mọi người nhắc đến nhiều nhất về một người tự nguyện mất ngủ là của Randy Gardner.

Vào lúc thực hiện kỷ lục này, Gardner chỉ mới là học sinh trung học 17 tuổi ở San Diego, California. Để phục vụ một dự án khoa học hồi năm 1964, Gardner đã không ngủ liên tục 264 giờ, tức là hơn 11 ngày - theo các nhà khoa học đã theo dõi Gardner.

Mối tương tác giữa công nghệ và giấc ngủ

Theo một nghiên cứu từ Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia (NSF) đặt trụ sở tại Washington (Mỹ), ước khoảng 48% người Mỹ trưởng thành sử dụng máy tính bảng hay laptop trên giường ngủ. Thiết bị điện tử ảnh hưởng xấu tới giấc ngủ - ngủ muộn hơn và thường xuyên thức giấc vào giữa đêm. Nhiều nghiên cứu khác còn cho rằng việc sử dụng công nghệ vào ban đêm ảnh hưởng tới khả năng ứng phó với stress, và sức khỏe tâm thần.

Ánh sáng xanh phát ra bởi màn hình các thiết bị điện tử có thể thay đổi quá trình sinh ra melatonin.

Matthew Walker, Giáo sư khoa học thần kinh và tâm lý học Đại học California, Berkeley (Mỹ), nhấn mạnh: "Chúng ta có thể thấy buồn ngủ hoàn toàn nếu các thiết bị điện và điện thoại của chúng ta được tắt. Nhưng khi chúng ta nhấc điện thoại, giấc ngủ đã bị trì hoãn. Gửi tin nhắn, đăng tin trên Facebook hay kiểm tra email có nghĩa là bạn đang đợi phản hồi và khiến hệ thống cảm xúc lo lắng hoạt động".

Ben Carter, nhà thống kê sinh học Viện Tâm thần học Đại học King's College London, dành nhiều năm nghiên cứu tác động của công nghệ tới giấc ngủ và khám phá mối liên hệ chặt chẽ giữa chứng mất ngủ với việc sử dụng các thiết bị điện tử trong phòng ngủ.

Tổ chức Sleep Foundation ở Mỹ phát hiện trong 5 người có 1 người bị đánh thức bởi thiết bị điện tử vào ban đêm. Và một nửa trong số những người này tiếp tục sử dụng nó. Carter thực hiện rà soát lại 20 nghiên cứu về ảnh hưởng của công nghệ tới giấc ngủ ở trẻ em và phát hiện kể cả những người không sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ nhưng để chúng trong phòng ngủ cũng ngủ không sâu bằng những người để thiết bị trong phòng khác.

Carter lập luận: "Chỉ sự hiện diện của các thiết bị điện tử cũng đã ảnh hưởng tới giấc ngủ. Những đứa trẻ này vẫn kết nối với các thiết bị điện tử một cách có ý thức". Còn Walker khẳng định: "Chỉ việc có thiết bị có khả năng gây ức chế trong phòng ngủ cũng có thể thay đổi chất lượng giấc ngủ". Có một sự khác biệt rất rõ ràng giữa việc thức khuya đọc sách hay xem TV với việc sử dụng điện thoại thông minh và laptop. Cách thức chúng ta tương tác với các thiết bị điện tử tước đoạt của chúng ta nhiều thời gian vốn dành cho giấc ngủ hơn, theo các nhà nghiên cứu.

Ví dụ, ánh sáng xanh phát ra bởi màn hình các thiết bị điện tử có thể thay đổi quá trình sinh ra melatonin - hormone giúp điều khiển giấc ngủ, từ đó tác động đến đồng hồ sinh học trong cơ thể.

Giáo sư Paul Gringas ở Bệnh viện Nhi đồng Evelina (London, Anh) buộc tội các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm khi hàng loạt sản phẩm thế hệ mới của họ ngày càng phát ra ánh sáng xanh mạnh hơn do kích thước to hơn nên tác động xấu đến giấc ngủ nhiều hơn nữa.

Trung tâm Kiểm soát và phòng bệnh Hoa Kỳ cho biết 35% người Mỹ trưởng thành không ngủ đủ giấc, tăng 29% so với 10 năm về trước.

Cụ thể, trung tâm hiện ước tính 70 triệu người Mỹ trưởng thành ngủ dưới 6 tiếng mỗi đêm. Điều này gây ra hậu quả thiếu tập trung và ghi nhớ trong công việc. Thiếu ngủ cũng là một trong những nhân tố làm tăng rủi ro tai nạn ô tô và tai nạn ở công trường. Ngoài ra, thiếu ngủ còn dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe như bệnh về tim, béo phì và trầm cảm.

Colin Espie, Giáo sư về giấc ngủ Đại học Oxford, lập luận: "Đây có lẽ là vấn đề lớn nhất chưa được giải quyết thuộc lĩnh vực sức khỏe công cộng ở thời đại chúng ta. Giấc ngủ rất quan trọng giúp duy trì trạng thái khỏe mạnh của con người. Cá nhân tôi nghĩ rằng công nghệ cũng có thể là lời giải cho vấn đề giấc ngủ của chúng ta".

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thiết bị giúp điều khiển và hỗ trợ giấc ngủ. Clin Espie cũng hy vọng việc sử dụng công nghệ máy học (machine learning) sẽ tạo ra cách can thiệp mới đối với hội chứng thiếu ngủ. Thời gian qua, cả hai công ty Apple và Amazon đều có cách giải quyết vấn đề về mối tương tác giữa công nghệ và giấc ngủ.

Ví dụ, Apple với hệ điều hành iOS 9.3 của công ty tích hợp tính năng gọi là "Night Shift" giúp người dùng có được giấc ngủ ngon. Nhưng, thực ra tính năng này chỉ đơn giản là giảm cường độ ánh sáng xanh phát ra từ màn hình của các thiết bị, từ đó làm màn hình của iPhone hay iPad sẽ trở nên ám vàng và giúp dễ ngủ hơn.

Về phần mình, Amazon giới thiệu "Blue Shade" cho thiết bị máy tính bảng Amazon Fire của công ty. Tính năng "BlueShade" có tác dụng làm giảm ánh sáng xanh.

Ngoài ra, một số ứng dụng khác như là "f.lux" (cho phép chỉnh độ sáng-tối của màn hình và loại bỏ ánh sáng xanh) cũng xuất hiện trên hệ điều hành Android. Nhưng, giáo sư Gringas bình luận: "Vấn đề chỉ là chiêu thức quảng cáo sản phẩm của các công ty công nghệ hơn là nỗ lực khắc phục hậu quả của ánh sáng xanh".

An Di (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/giac-ngu-trong-ky-nguyen-so-546434/