Giấc mộng Ottoman dang dở và tình thế khó xử của ông Erdogan ở Syria

Giấc mộng Ottoman của Tổng thống Erdogan ngày càng bộc lộ những hạn chế trong khi những kết quả ở Syria không phải là tất cả điều Ankara mong muốn.

Giấc mộng Ottoman dang dở

Khi ông Recep Tayyip Erdogan nhậm chức Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ với quyền lực ngày càng được củng cố năm 2018, Tổng thống Nicolas Maduro đã gọi ông là "nhà lãnh đạo của thế giới đa cực mới".

Dưới thời Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực tái lập tầm ảnh hưởng với thế giới Hồi giáo như điều Đế chế Ottoman từng làm được trước đây. Ankara trở thành một nhân tố cạnh tranh "đáng gờm" để lấp đầy khoảng trống quyền lực ở Trung Đông khi mà Mỹ dường như ngày càng không mặn mà với những xung đột tại khu vực này.

Khói bốc lên từ thị trấn Saraqib ở phía đông tỉnh Idlib, Syria ngày 27/2. Ảnh: AFP

Khói bốc lên từ thị trấn Saraqib ở phía đông tỉnh Idlib, Syria ngày 27/2. Ảnh: AFP

Nếu như những người tiền nhiệm của ông Erdogan lựa chọn để Thổ Nhĩ Kỳ hướng về phương Tây rồi từ đó mở rộng ảnh hưởng toàn cầu thì mục tiêu của ông Erdogan là khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc duy nhất: đầu tiên là ở Trung Đông, sau đó là toàn cầu.

Không thể phủ nhận Tổng thống Erdogan đã có những thành công nhất định trong tham vọng của mình. Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng hoạt động tới hơn 120 quốc gia, nhiều hơn bất kỳ hãng hàng không nào ở bất cứ đâu. Điều này đã mở ra những cơ hội trên toàn cầu cho tầm ảnh hưởng, thương mại và việc đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ.

Quốc gia này cũng trở thành một lực lượng kinh tế và chính trị có tầm ảnh hưởng đáng kể tại châu Phi và vùng Balkan. Thực tế, Tổng thống Erdogan cũng đã từng khiến Mỹ "bật đèn xanh" cho cuộc tấn công của nước này vào khu vực của người Kurd ở bắc Syria và bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các lệnh trừng phạt của Washington trong thương vụ S-400. Ảnh hưởng của Ankara tại khu vực từ Bắc Phi tới Trung Á là điều có thể dễ nhận thấy.

Dù vậy, bấy nhiêu vẫn chưa đủ để Thổ Nhĩ Kỳ "làm nên chuyện". Chính phủ Libya được Liên Hợp Quốc ủng hộ thân với Thổ Nhĩ Kỳ hiện nằm dưới sự bao vây của lực lượng miền đông với sự hậu thuẫn từ Nga, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - điều khiến Tổng thống Erdogan ngày càng mất đi ưu thế trên bàn đàm phán.

Mặc dù nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí một lệnh ngừng bắn mới tại tỉnh Idlib với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/3 nhưng ông Erdogan vẫn không thể "lật ngược tình thế" để trở thành bên chiếm ưu thế. Trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ dường như còn ở "dưới cơ" khi máy bay và hệ thống phòng thủ của Nga cho thấy những điểm yếu của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Đó là còn chưa kể tới, nếu tình hình ở Idlib xấu đi, việc này sẽ là một mối đe dọa chính trị với Tổng thống Erdogan trong khi nguy cơ hàng triệu người tị nạn đổ về biên giới nước này vẫn đang hiện hữu.

Sau cuộc giao tranh ở Syria khiến 33 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng tại Idlib ngày 27/2, ông Erdogan đã yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp với các nước NATO. Tuy nhiên, không những không nhận được thái độ hợp tác và ủng hộ từ đồng minh mà Thổ Nhĩ Kỳ còn bị NATO chỉ trích là "tống tiền" khi Ankara đe dọa sẽ để những người tị nạn tràn sang châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng quay sang nhờ sự hỗ trợ từ Mỹ với đề nghị triển khai ở biên giới phía nam nước này nhưng thương vụ S-400 của Ankara với Moscow khiến Washington vẫn để ngỏ câu trả lời trước đề xuất trên.

"Những gì chúng ta thấy ở Idlib là điều có thể đoán trước trong tham vọng của ông Erdogan. Tầm nhìn Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một quốc gia hoàn toàn “tự lực cánh sinh” đã cho thấy đây là một sai lầm", Soner Cagaptay - giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Chính sách Cận đông Washington nhận định.

Tình thế khó xử ở Syria

Ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ có lợi ích rõ ràng trong việc ngăn cản lực lượng người Kurd thành lập nhà nước tự trị bởi Ankara vẫn cho rằng lực lượng này có liên hệ với Đảng Nhân dân người Kurd (hay PKK) đòi tự trị ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi cử quân tới biên giới với Syria năm 2019, ông Erdogan đã thiết lập được 1 vùng đệm mà ông hy vọng sẽ cho 1 triệu dân tị nạn Syria hồi hương từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng tại Idlib - thành trì cuối cùng của phe nổi dậy có lực lượng đối lập mà Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lại là một câu chuyện khác. Chiến dịch của chính phủ Syria nhằm giành lại tỉnh này và mở lại 2 tuyến đường quốc lộ quan trọng nhất đất nước đã nhận được sự ủng hộ từ cả lực lượng dân quân của Iran và không lực Nga.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào tình thế khó xử khi phải triển khai quân đội tới Syria và Libya - nơi mà Ankara cho rằng giải pháp ngoại giao đã không giúp họ đạt được mục tiêu. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan ngày càng xa rời với các đồng minh truyền thống ở phương Tây và khiến các nhà lãnh đạo Arab thận trọng khi Thổ Nhĩ Kỳ. Ở trong nước, ông Erdogan cũng đứng trước nhiều sức ép về kinh tế và chính trị.

Vào thời điểm nhậm chức của ông Erdogan khi ông ở giai đoạn đỉnh cao quyền lực năm 2018, danh sách khách mời đã thể hiện rõ những hạn chế trong khả năng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ. Buổi lễ này có sự hiện diện của Tổng thống Venezuela Maduro cùng với nhiều nhà lãnh đạo chủ yếu đến từ châu Phi, vùng Balkan và Trung Á mà không có bất kỳ đồng minh NATO quan trọng nào, cũng như không hề có Nga hay Trung Quốc. Chỉ có 1 nhà lãnh đạo trong thế giới Arab tham dự là Qatar.

Cho tới nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy các đồng minh phương Tây truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hoặc có khả năng kéo Ankara khỏi những rắc rối ở Idlib. Điều đó khiến Tổng thống Erdogan ngày càng phải phụ thuộc vào Nga trong bất cứ sự leo thang quân sự nào bởi ưu thế trên không của Moscow, Emile Hokayem - chuyên gia cấp cao về an ninh Trung Đông tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế cho biết.

Ngoài ra, thỏa thuận ngừng bắn mới đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không hoàn toàn chấm dứt được những cuộc giao tranh ở Idlib.

"Cho tới nay đã không còn cuộc ném bom nào nữa nhưng tình hình vẫn rất căng thẳng khi tất cả các bên đều thận trọng xem liệu lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài bao lâu", Mohammed al-Ali, một nhà hoạt động tại Idlib nhận định với Al Jazeera.

Lệnh ngừng bắn đã ngăn chặn kịp thời 1 cuộc khủng hoảng nhân đạo khẩn cấp khi tạm dừng các cuộc giao tranh bạo lực và căng thẳng nhưng thỏa thuận này vẫn rất mong manh và không giải quyết được những vấn đề cơ bản mà Idlib phải đối mặt.

Sau 5 tiếng 45 phút , Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thu về được những kết quả hạn chế. Mặc dù 2 bên nhất trí dừng tất cả các hành động quân sự bắt đầu từ 00h 01 phút ngày 6/3 (giờ địa phương), thiết lập hành lang an ninh sâu 6km vào phía bắc và phía nam của tuyến đường M4 và bắt đầu từ ngày 15/3 tiến hành tuần tra chung dọc theo M4 từ khu Trumba, nhưng điều đáng chú ý là thỏa thuận này không hề đề cập đến tuyến đường M5.

Điều đó đã phản ánh rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải công nhận tình thế hiện tại của nước này. Khi lệnh ngừng bắn này thực sự diễn ra, đây sẽ là một bước quan trọng để Tổng thống Assad kiểm soát phần còn lại của đất nước cũng như đảm bảo tuyến đường tới phía bắc Syria. Vùng cấm bay không nằm trong quá trình đàm phán là một chiến thắng cho Damascus. Vấn đề các chốt quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía nam M4 cũng là một vấn đề cần xem xét và có thể là một trong những vấn đề khó khăn nhất mà quân đội 2 bên phải dàn xếp.

Thực tế là bản thân lệnh ngừng bắn ở Syria lần này đã là một giải pháp tạm thời khi tham vọng của các bên đều quá cao và những diễn biến trên chiến trường hoàn toàn có thể thay đổi bất cứ lúc nào./.

Kiều Anh/VOV.VN (tổng hợp)
Theo Bloomberg, Vox

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/giac-mong-ottoman-dang-do-va-tinh-the-kho-xu-cua-ong-erdogan-o-syria-1019271.vov