Giấc mơ xuất khẩu lao động

Mong được đổi đời nên từ lâu, nhiều vùng nông thôn ở Hà Tĩnh xem đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) là để thoát nghèo. Nhưng liệu có phải cứ đi nước ngoài là hết khổ?

Loạt bài này là bức tranh về phong trào XKLĐ đang ngày một nở rộ ở các vùng nông thôn Hà Tĩnh. Phía sau đồng ngoại tệ là những câu chuyện vui, buồn mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu…

Bài 1: Đổi thay những miền quê nghèo

Đời sống nhiều hộ dân ở Thạch Kim, Lộc Hà nâng lên rõ rệt, bộ mặt thôn xóm có nhiều đổi thay nhờ xuất khẩu lao động.

Đời sống nhiều hộ dân ở Thạch Kim, Lộc Hà nâng lên rõ rệt, bộ mặt thôn xóm có nhiều đổi thay nhờ xuất khẩu lao động.

Ở Hà Tĩnh, nhiều miền quê lam lũ trước đây đã “phất” lên nhờ XKLĐ như xã Cương Gián, Cổ Đạm (Nghi Xuân), Thiên Lộc (Can Lộc), Thạch Kim (Lộc Hà), Kỳ Ninh(Thị xã Kỳ Anh), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên)….

Về làng ngỡ phố

Tôi trở lại xã Cương Gián (Nghi Xuân) một ngày gần đây. Con đường 22 chạy dọc bờ biển mang đến cho các làng quê một luồng sinh khí mới. Hơi thở của đô thị đã phả vào đây. Đường đi lối lại trong xã đã được bê tông hóa sạch sẽ, trường học được xây dựng khang trang, những khối nhà tầng quét sơn đủ màu sắc. Đất làng như dồn chật lại. Hai bên đường nhựa san sát những ki-ốt bán hàng, rồi chợ và công sở. Con người Cương Gián dường như tươi vui, rạng rỡ hơn.

Trước đây, người dân Cương Gián sống chủ yếu dựa vào biển, thu nhập bình quân đầu người chưa đến 10 triệu đồng/năm. Nhưng rồi bắt đầu từ năm 1990 và nhất là những năm 2011- 2012, phong trào đi XKLĐ bắt đầu rầm rộ. Làng Cương Gián sau một cuộc “trở mình” đã gần như “lột xác”. Bây giờ đến đây ngắm nhìn những ngôi biệt thự khang trang, bề thế, những chiếc xe hơi ra vào tấp nập, chúng tôi mới hiểu được vì sao người ta vẫn thường gọi Cương Gián là xã “giàu nhất xứ Nghệ - Tĩnh”.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã, chị Sáu, cán bộ xã điểm cho chúng tôi thấy những điểm lạ chưa từng có tại nhiều làng quê thuần nông khác. Chị cho biết: Xã có khoảng 14.000 dân nhưng hiện Cương Gián có khoảng 2.700 lao động đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, bình quân hàng năm gửi về trên 200 tỷ đồng.

Trước sự ngạc nhiên của tôi, chị Sáu giải thích tiếp: Chị tính, mỗi nhà bình quân có 2-3 người, đặc biệt, có gia đình 9-10 người đi XKLĐ. Chỉ tính riêng thị trường Malaysia và Đài Loan, năm ngoái, tiền gửi tín dụng của XKLĐ gần 35 tỷ đồng. Cương Gián có 15 thôn, thôn nhiều nhất có 303 người đi XKLĐ, thôn ít nhất 73 người, bình quân mỗi lao động gửi về cho gia đình 30 triệu đồng/tháng.

Chị Sáu dẫn tôi vào nhà chị Lê Thị T. ở gần chợ Cương Gián, có đến 5 đứa con gái đi “du học”. Tôi ngạc nhiên vì cứ tính 1 suất du học đã mất một khoản tiền lớn. Nhưng không phải thế, chị T. kể, ban đầu anh chị cho cô con gái đầu xuất khẩu sang Hàn Quốc. Cứ thế, chị kéo em sang, có tiền cho em đi nước khác. Đến nay, cả 5 chị em đã có công việc ổn định với thu nhập cao và 3 chị đã lấy chồng người Việt cũng đi XKLĐ. Thì ra, “du học” là một cách nói, thật ra, sang đó để đi làm thuê, học tiếng và học nghề.

“Cả làng gom tiền cho người XKLĐ”

Tôi hỏi: Từ một xã người dân sống chủ yếu bằng nghề biển nhờ đâu Cương Gián có tư duy đi XKLĐ, rồi vốn, con người? Chị Sáu cho biết: Những gia đình đã có người thân lao động ở nước ngoài thấy được điều kiện lao động tốt và mức thu nhập khá nên đã tư vấn cho anh em họ hàng cùng đi. Có người sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động đã về nước và đăng ký đi lần 2 với mong muốn có thêm vốn lập nghiệp. Việc đưa lao động ra nước ngoài làm ăn ban đầu cũng khó khăn do thiếu yếu tố quyết định là đồng vốn. Dân Cương Gián nghèo nên bài toán này được giải bằng một phép tính rất đơn giản: cả làng gom tiền cho người lao động, người lao động lại gửi về cho người khác đi tiếp, cứ thế mà rộng dần. Và để làm được điều này, Cương Gián có một tổ chức trung gian là quỹ tín dụng nhân dân. Quỹ này hiện có nguồn vốn ngoại tệ lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh mà người ta hay ví: “Bộ máy cấp xã nhưng quy mô cấp... tỉnh”.

Theo chỉ dẫn của chị Sáu, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Duy H. ở thôn Cầu Đá. Gia đình ông H. có 4 người con đều đã đi lao động ở nước ngoài, hiện còn 2 người con đang làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông H. kể, bản thân ông đã từng đi XKLĐ ở Nhật Bản và Hàn Quốc nhiều năm. Nhờ XKLĐ, gia đình ông đã làm được nhà cửa khang trang, đời sống kinh tế ổn định. Mặc dù gia đình không quá khó khăn, nhưng khó tìm việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống nên ông đã hướng cho các con đi XKLĐ. Giờ các con ông đã lập gia đình và xây được nhà cửa khang trang, kinh tế khá hơn nhiều. “Tôi nghĩ, XKLĐ là con đường hiệu quả giúp các con tôi và nhiều thanh niên trong xã có cuộc sống khấm khá. Hiện nay, cậu con trai thứ 2 vừa thi xong tiếng Hàn, đang chờ kết quả. Nếu đỗ, nó sẽ tiếp tục sang Hàn Quốc làm việc”, ông H. nói.

Ngoài việc nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình, nhiều người đi XKLĐ và có người thân đi XKLĐ còn tích cực đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi tại thôn, xóm. Nhờ đó, hệ thống đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông, đường điện chiếu sáng, công trình phúc lợi khác cũng được xây dựng khang trang. Diện mạo nông thôn mới xã Cương Gián ngày càng khởi sắc...

Cách đây khoảng 5 năm, xã Thạch Kim (Lộc Hà) chỉ là vùng quê biển yên bình, ngư dân quanh năm gắn bó với nghề biển. Nhưng khi sự cố môi trường biển xảy ra, nhiều thanh niên quyết định chọn XKLĐ mong đổi đời. Đến nay, xã có khoảng 1.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Trong đó, thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ả-rập Xê-út... Giờ đây, đến với Thạch Kim, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay nhanh chóng của vùng quê này.

Trò chuyện với PV, bà Võ Thị T., ở thôn Giang Hà (xã Thạch Kim) cho hay, thấy đi XKLĐ kiếm được nhiều tiền, nhiều người bảo nhau, rồi anh em họ hàng dắt díu nhau đi. Ai có sức khỏe là tìm cách đi hết, đi lao động chính thức cũng có mà đi chui cũng có. Với số tiền công một tháng ở nước ngoài bằng cả năm cả gia đình vật vả kiếm sống ở quê, thử hỏi ai không muốn đi, nhà nào có vài người đi thì kiếm được tiền tỷ như chơi.

Theo số liệu từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, bình quân mỗi năm, lao động Hà Tĩnh làm việc ở nước ngoài gửi về nước một lượng ngoại tệ tương đương 4.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Bài 2: Phía sau những đồng ngoại tệ

Trà Giang

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/giac-mo-xuat-khau-lao-dong-post26292.html