Giấc mơ thượng tôn luật pháp

Sau mỗi lần vi vu xứ người, không hiểu sao, tôi lại rất hay trăn trở rồi mơ mộng về một tinh thần thượng tôn luật pháp. Hễ cứ trông thấy họ 'làm luật', lại nghĩ về nhà mình, miệng lẩm bẩm cái câu 'giá mà…'. Giá mà mọi thứ quy củ hơn.

Mỗi lần xuôi ngược lang bạt ở các quốc gia xa xôi, tôi luôn nghĩ đến câu thơ Chế Lan Viên thuộc từ hồi phổ thông “Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở” rồi “Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương”. Đọc xong mỉm cười nghĩ vui, thật ra gầm trời này chỗ nào chẳng thế, sóng đại dương nào chả duềnh lên cùng nước mặn. Song, cảm xúc “đi xa để nhớ về nhà”, ngóng mây quê cũ, bói mắt tìm dòng sông thơ ấu, luôn là thứ rất thật, rất người.

Bạn bè lưu lạc gặp nhau giữa lưng trời tuyết trắng, cách quê mẹ nửa vòng trái đất, hỏi: Từ phần lục địa châu Á sang khu châu Âu của thành phố duy nhất trên thế giới được dang tay ôm cả hai châu lục Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) kia, có xa không? Gần mà, hai chục phút đi phà, như vượt sông Tiền, sông Hậu thôi. Normandy có xa Paris không? À, vèo cái bằng Hà Nội đi Lạng Sơn là cùng. Người ta gọi cảm xúc đó là “ấn tượng bãi đẻ”, là nỗi nhớ thiên định và lặp đi lặp lại về nơi số phận đã bỏ lại cái cuống rốn sơ sinh của mình. Hay nói khác đi, nó trở thành niềm da diết với quê hương xứ sở.

Đổ xăng không thanh toán, cứ tự nhiên

Sau mỗi lần vi vu xứ người, không hiểu sao, tôi lại rất hay trăn trở rồi mơ mộng về một tinh thần thượng tôn luật pháp. Hễ cứ trông thấy họ “làm luật”, lại nghĩ về nhà mình, miệng lẩm bẩm cái câu “giá mà…”. Giá mà mọi thứ quy củ hơn.

Luật của chúng ta rất đủ đầy, tân tiến, lại còn nhân văn nữa. Nhưng có vẻ như việc thực thi còn hơi luộm thuộm. Tôi đọc báo và xem tivi, thấy họ xử phạt mà “sướng rơn”. Một cô gái bạc đãi con mèo nhà mình, cô vứt mẹ con nó đi hoang đói rét ngoài rệ đường. Người ta xử cô bằng cách thả cô đi lang thang ngoài công viên tối om trong đêm dài dằng dặc, cô đi một mình dưới bóng đổ lung lay của các tàng cây đen đúa. Có người bí mật bảo vệ để cô không gặp nguy hiểm gì. Nhưng cái lạnh lẽo, nỗi hãi hùng, sự cô đơn và đói rét của cô đêm ấy và của lũ mèo hoang khát sữa lạc mẹ cô đã ruồng bỏ là giống nhau! Lại nữa, một anh chàng vứt rác bên bờ biển, camera ghi được và anh ta bị trừng phạt bằng “bản án” còng lưng 6 tháng nhặt rác bên mép sóng. Tôi nghĩ là cộng đồng nên cân nhắc để anh ta đeo thêm cái biển trước ngực “tôi là kẻ ném rác xuống biển, tôi đang trả nợ đại dương!”. Ở quốc gia nọ, mỗi người bán hàng ăn, phải cược tiền vào ngân khố quốc gia, hễ bán thực phẩm bẩn là trừ cả gia sản, đồng thời nghiêm khắc đưa ra Tòa xét xử công khai, “bêu” cái mặt đểu ra toàn thể cộng đồng. Bởi, bỏ hóa chất vào đồ ăn là tội ác làm suy giảm giống nòi, tội ác chống lại loài người.

Các khu du lịch tuyệt mỹ không bao giờ có một cọng rác, dù khách đi bộ, dựng lều, nấu ăn suốt vài ngày leo núi. Khách xả rác vào hành lý của mình và cõng về thị trấn!

Chả biết các chuyện trên thực hư đến đâu, chỉ biết là tổ tiên ta đã có tâm thức rất rõ. Kẻ nào buôn gian bán lận thì xuống âm phủ bị quỷ vác đấu gỗ vả vỡ mặt. Kẻ cướp đoạt của công rồi trác táng phung phí thì sau khi chết phải thè lưỡi ở miệng cống nhuốc nháy mà liếm từng hạt cơm thừa. Các cảnh này, cả các món đôi quỷ khò khử cưa cổ người bằng dây đàn, cho vào cối để giã toàn thây, tất tật đều đã được khắc thành tranh gỗ treo lên chùa ở góc “Thập điện Diêm vương” hẳn hoi. Treo thành mô típ hẳn hoi. Người ta gọi đó là giấc mơ luật pháp, khát vọng hướng thiện của con người.

Bỏ qua chuyện tán gẫu vỉa hè hay dị đoan, cái cần nói ở đây là giá mà ai cũng biết sợ để không làm bậy, thì luật pháp cũng từ đó mà được thượng tôn thêm. Có lần, tôi lái xe từ một đô thị tên là Hof, qua thành phố Dresden của Đức về thủ đô Berlin. Người Đức điều hành giao thông rất nghiêm và cũng rất mở. Nhiều con đường huyết mạch, họ chỉ giới hạn tốc độ “không được đi dưới 110km/h” (ví dụ thế) chứ đi nhanh bao nhiêu thì tùy. Quê hương của những siêu xe, họ rít như gió, tiếng nổ như xe đua. Nhưng người bản xứ không bao giờ đi sai làn đường, và khi có giới hạn tốc độ thì tuân thủ vô cùng, dù không thấy một cảnh sát giao thông nào bao giờ. Tôi đi hơi chậm, đi vào làn bên trái (làn cho xe đi nhanh nhất), lập tức có tiếng còi xe hiếm hoi vang lên. Lời cảnh báo, cái nhắc nhở, hoặc cái tát lịch sự đấy. Họ chỉ bóp còi khi cần đưa ra thông điệp kiểu đó, nhưng rất hiếm. Với người ưa xê dịch hay sống và làm việc ở nước ngoài thì các điều trên là bình thường, nhưng với những ai chìm ngập trong các loại còi xe, thậm chí cả còi hơi đinh tai nhức óc ở Việt Nam, thì điều đó là một giấc mơ ngọt lịm.

Chúng tôi ghé vào một trạm mua xăng, anh bạn có việc khẩn cấp nên tự đổ xăng rồi rồ ga phóng luôn. Về ăn cơm mới chợt nhớ ra, anh ta quay lại trả tiền. Nếu anh bạn tôi không quay lại, giấy đòi tiền sẽ được cảnh sát gửi đến nhà, gửi lần một giấy màu trắng. Họ cho một tháng để “khổ chủ” đi trả nợ. Nếu chây ì, họ lặng lẽ gửi giấy màu vàng cảnh báo. Nếu vẫn im lặng không lý do chính đáng, thì chắc chắn họ đưa ra Tòa. Nếu không ra Tòa và không trả tiền cũng chả sao, chỉ có điều tiền sẽ tăng cao theo cấp số nhân chẳng hạn và chây ì quá thì sẽ có “đặc vụ” đến nhà dìu đi. Mọi thứ rõ ràng, rành mạch, vào quy lát một cách tuyệt vời. Vào trạm xăng, bỏ tiền xu vào thì máy hút bụi kêu ro ro, hút chán chê, hết tiền nó dừng lại, thả thêm nó lại hút. Rửa xe cũng thế. Mua đồ cũng thế…

Anh bạn tôi sống ở Đức 27 năm ròng. Có lần lái xe trong đêm, con cầy sang đường bị anh húc chết. Thèm thịt thú rừng, tiếc của giời, anh mang về nhà giết thịt. Ai ngờ ông hàng xóm nhìn thấy mới gọi cảnh sát. Ít phút sau, mấy cảnh sát tới nhà "hỏi thăm"…

Nuôi gà thì được, nhưng giết gà tại gia, máu, lông, lòng mề có thể phát tán bệnh tật và mất vệ sinh cho món thịt gà của anh. Anh thịt gà của anh có thể cũng bị xử phạt. Sao anh không đem ra khu giết mổ tập trung hoặc mua gà sạch ngoài siêu thị, sau khi chúng được nhà chức trách kiểm nghiệm nghiêm túc? Người Việt ở châu Âu rất hay kiếm sống bằng cách mở cửa hàng ăn. Tôi hỏi anh bạn người Hà Nội có thâm niên 15 năm chế biến thực phẩm bán cho người Bỉ: “Anh có cách nào để bán thực phẩm với nguyên liệu giá rẻ hay ướp ủ hóa chất như ở ta không?” Anh thẳng thắn: “Nếu làm được thế thì lãi rất lớn. Lại bảo quản đồ ăn được lâu. Nhưng bằng cách nào đây? Rau củ quả đường sữa họ bán sạch sẽ, có nguồn gốc xuất xứ cả. Muốn mua loại “bẩn” hay thứ cấp cũng không có. Mà nếu có, họ phát hiện một lần là sạt nghiệp. Mà không thể nào họ lại không phát hiện ra, vì họ bảo vệ chính cái miệng của họ và những người mà họ yêu quý mà”. Bất giác tôi thở dài, vì sao thực phẩm bẩn ở Việt Nam ta nó hành hoành kinh hoàng thế. Dù thế nào, tất cả chúng ta đều có lỗi trong việc này.

Tự lên google tìm cách trả tiền tôi, nếu bạn muốn...

Vâng, đạo đức là thứ neo giữ người ta lại với nẻo thiện nhưng khi sự bất nhân làm cho đám sâu bọ nỡ bán mình cho quỷ thì nhân loại cần đến các chế tài luật pháp. Người Mỹ, người Nhật, người Úc, người châu Âu có thật sự tự giác 100% không? Ở nước họ có kẻ nghiện hút, trộm cắp hay đạo tặc tàn ác không? Có chứ. Khi ai đó không tự giác thì máy móc, nhân sự, chế tài của họ sẽ nỗ lực xử lý hết. Anh bạn tôi quên trả tiền xăng ở cây xăng tự động ở Dresden, xin mời cứ quên, nhưng nhớ là chiều nay sẽ có “thư” từ cảnh sát địa phương nhắc anh trả tiền với mức cao hơn mức anh “thả xèng” khi vừa đổ xăng xong. Nếu quên ra tòa thì cứ ở nhà, sẽ có người đến dắt đi.

Vì luật pháp nghiêm minh, ở nhiều quốc gia, bạn có thể dựng lều ngủ ven đường rất an toàn và tự quẹt thẻ trả tiền, không cần người nào đứng ra quản lý

Khi chúng tôi chạy xe quá tốc độ ở châu Âu, giữa đêm, từ ven đường, ánh đèn flash của máy ảnh nào đó lóa lên. Một vi phạm đã được ghi nhận, khỏi cần cảnh sát ú còi đuổi theo và áp sát chiếc xe vi phạm rồi chỉ gậy hỏi giấy tờ, bằng lái làm gì. Việc thu tiền đã có ngân hàng. Vi phạm lớn hơn thì sẽ có người dẫn giải vào trạm dừng nghỉ ven cao tốc, đưa thẻ ngân hàng ra, sẽ có người đưa cái “hộp quẹt” vào cho mà nộp phạt. Quý ông, quý bà cứ ngồi yên ở ghế lái mà nhai kẹo hoặc hút thuốc lá (dù không ai khuyến khích) vô tư. Việc ai nấy làm.

Khi mà sự tự động hóa, sự hiện đại hóa lên một đẳng cấp tương đối cao, thì sự tự giác tuân thủ hay nói khác đi một cái gì giống như đạo đức công dân sẽ hình thành. Và đó là một cách hiểu khác của luật pháp và sự tuân thủ luật pháp. Rất nhiều người Việt Nam từng sống ở các nước văn minh, tự nhiên họ ngấm vào mình cái việc nhường đường cho người đi bộ hay cho phụ nữ trẻ em người già một cách kiên nhẫn và nhân ái nhất. Đoàn xe rầm rầm, có người nhấp nhứ muốn sang đường, dù chỗ đó không có đèn xanh cho người đi bộ qua, nhưng nếu có thể, người ta vẫn phanh xe cháy mặt đường mà nhường. Có khi người kia thụt vào vì xấu hổ là mình đã sai, vì e ngại làm phiền người khác, đoàn xe dài, không ai bảo ai, cùng ngó đầu ra, vẫy tay bảo sang đi nào. Có khi đang đi ở Thụy Sỹ, có bầy thiên nga lóc nhóc mẹ dắt con từ bờ hồ nọ, xuyên qua đường nhựa sang bờ hồ kia, cả đoàn xe tắc tị chờ đợi một cách bao dung và ấm áp. Những hình ảnh đó đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người ở nơi mà ngày ngày họ vẫn tranh giành nhau từng bánh xe, vượt qua chèn ép nhau như một cách thể hiện bản lĩnh hoặc di chuyển theo duy nhất một nguyên tắc Táo Quân đã tổng kết: Điền vào chỗ trống.

Tôi nhớ, có lần lái xe từ Bỉ qua Hà Lan, Đức rồi lên Thụy Điển, Na Uy với các ngọn núi tuyết Bắc Âu ru hồn người. Mấy nghìn cây số. Chúng tôi ghé vào đâu, dù đi vệ sinh hay mua bán gì, cũng cứ thả tiền vào rồi đồ “tòi” ra, muốn ăn trộm cũng chịu chết. Nhưng quan trọng hơn là thiết chế quản lý chặt chẽ, lưới trời lồng lộng thưa mà không lọt. Camera, “mắt thần” ở khắp nơi. Đi một chặng, mệt thì dừng xe, cắm lều trại mà ngủ. Na Uy có hàng nghìn cái khu vực “tự do” khách sạn ngàn sao như vậy. Vào cổng giữa đêm khuya, chả ai hỏi gì, tự mở cửa sử dụng nhà vệ sinh, tự cắm lều và làm đủ trò như ở nhà mình, không thấy ai giám sát. Lúc ra về không trả tiền cũng chỉ thấy hàng nghìn con chim sẻ bay rợp trời chia tay. Trời sáng bảnh, mới nhận ra mình ngủ trên đỉnh núi bằng phẳng, bốn bề là các eo biển xanh ngờm ngợp gió thốc thổi qua núi tuyết sáng loáng. Những tưởng đêm qua mình “thiên lý độc hành” ngủ giữa hoang vu, nào ngờ lúc mình mơ giấc kê vàng, mấy chục cái xe từ nhiều quốc gia đã kịp ngả lều ngủ trĩu trịt xung quanh.

Lên mạng google tra thì mới biết cách trả tiền cho khu cắm trại. Cứ thế mà trả theo hướng dẫn. Tất nhiên, nếu “cố tình quên”, chắc là cảnh sát lại có giấy mời! Đi ở Na Uy, Đan Mạch hay Thụy Điển, qua trạm thu phí không thấy nó kêu “tích” một cái, cũng chả ai dừng xe bán vé xé vé. Có cái cầu vượt nửa già eo biển, rồi tự dưng mất hút xuống đáy đại dương, xe ngoi lên cửa hầm bên kia thì đã sang nước khác mất rồi. Khách (đến từ nước khác) cứ đi, cứ tin là mình đã bị thu tiền hoặc sẽ phải tự tìm cách trả tiền cho người ta như thế nào đó. Kiểm tra tài khoản thì không thấy bị trừ, trong khi xe chính chủ của Bỉ, là quốc gia cách Na Uy cả nghìn cây số, họ sẽ “trừ” kiểu gì? Mở máy hỏi google (vừa lái xe vừa nói vào điện thoại) thì “nó” bảo là phải tải áp (App Store), rồi tạo tài khoản để cho “nó” trừ. Nếu không “tạo” thì cứ liệu thần hồn. Thế là tự giác làm, tự giác lo mà trả. “Rượu mừng nên uống, kẻo uống rượu phạt đắng lắm”, ý là tự giác mà tuân thủ, đừng để người ta đi đòi với giá gấp đôi hoặc họ nổi giận báo cảnh sát đi đòi.

"Cõng rác" hai ngày ròng ở Bắc Âu

Những con toán đơn giản, cung cách quản lý đơn giản mà khoa học, mà chỉ gã nhà quê bậm bạch đi Tây như tôi cũng trông thấy, không hiểu sao ta không học họ được nhỉ? Một lần đến với Bắc Âu chon von uốn éo vô thiên lủng thác trắng như áng tóc trữ tình buông xuống từ lưng trời, với các vũng biển dài, mảnh, lấn vào trong các hẻm núi dựng trời, trong ngần - trời nước cùng xanh như ngọc - chúng tôi đã có diễm phúc đi bộ hai ngày ròng rã để thăm Trolltougue - Norway.

Đó là địa danh nổi tiếng thế giới, chiết tự ra là cái lưỡi (tougue) của con Quỷ lùn trong cổ tích Bắc Âu (troll). Mấy chục tiếng đồng hồ, không thấy dấu tích tôn tạo mở đường ngoài việc đá tự nhiên được lát thành lối mòn như thiên tạo, thỉnh thoảng có mũi tên đỏ bé xíu dẫn lối. Hết. Không thu tiền, không có biển cấm vứt rác, cũng không có người thu gom rác, càng không có thùng rác. Vậy mà tuyệt đối, bốn bề vực sâu, núi hoang, dòng người như nước chảy đêm ngày (đêm dựng lều ngủ, nấu nướng), không một cọng rác. Ai cũng gom rác của mình cõng vào ba lô mang về thị trấn, có cái chai nhựa tôi cõng “nó” 30 tiếng ròng trên vai đi bộ. Chính tôi cũng không tin mình đủ kiên nhẫn làm việc chưa từng làm như thế. Nhưng thiên hạ người ta làm thế cả, mình đi ngược lại thì có mà mặt mo. Cái liêm sỉ đã giữ đám rác ở trên vai tôi gần 2 ngày.

Các khu du lịch tuyệt mỹ không bao giờ có một cọng rác, dù khách đi bộ, dựng lều, nấu ăn suốt vài ngày leo núi. Khách xả rác vào hành lý của mình và cõng về thị trấn!

Và lúc đó, tôi chợt nghĩ đến giá trị của lòng tự giác, của đạo đức và luật pháp. Ở đây đạo đức là luật pháp (các quy định) và luật pháp (ý thức tuân thủ) là đạo đức. Đôi mắt kẻ lữ hành vắt kiệt mồ hôi mình trên các cung đường đá ven đỉnh tuyết sơn hùng vĩ và đẹp hư cổ tích hôm ấy đã và sẽ còn đưa tôi về một giấc mơ đẹp mà nồng nàn xúc động. Giấc mơ thượng tôn đạo đức và luật pháp của một người không phải xấu hổ trước nhân loại tiến bộ.

Đi xa lại ngẫm về gần. Ta phóng uế bừa, ta phả hơi thuốc lá vào mặt bà con mình khắp nơi nơi, ta dắt chó đi “xả e” ngoài công viên, ta lao xe như ăn cướp theo phương pháp luận “điền vào chỗ trống”. Vì sao chó phóng uế bừa ra đường, ra công viên? Vì công viên ở ta chưa quy hoạch khu vệ sinh riêng, có treo biển để phục vụ chó mèo như ở “Tây”. Vì nhiều người ở ta làm liều dắt chó đi vệ sinh ngoài phố, chả bị ai phạt bao giờ. Gì nữa? Đôi khi ta bừa phứa luộm thuộm là vì sao? Vì thiếu luật hay vì có luật mà không thực thi? Do đạo đức vì cộng đồng kém hay do luật chưa được thượng tôn? Hay do chúng ta đã quá ích kỷ để rồi tiêu diệt hết những trái tim Đan-cô vì cộng đồng?

Ở nhà trẻ, ở phòng hỏi cung, ở các con đường như mắc cửi, bây giờ người ta lắp camera để ngăn những kẻ làm bừa và làm liều, những kẻ ích kỷ và gian tham. Tốt. Sự giám sát của lương tâm làm người tốt hơn hay mắt thần của camera, hay cái trát của cảnh sát nghiêm minh không bao giờ dám nhận hối lộ tốt hơn? Sự minh bạch quý lắm. Ý thức công vụ càng cần được đề cao và đáng trân trọng. Hóa ra, mấu chốt vấn đề nằm trong tay nhà quản lý. Cần rõ ràng, khoa học và quyết liệt; cần tận tâm vận hành việc thực thi luật pháp nghiêm minh; cần áp dụng công nghệ tiên tiến giúp cả xã hội nỗ lực giám sát mọi việc một cách thêm tinh tường, để làm sao người ta không muốn, không dám và không thể làm liều, làm ẩu, làm bậy bạ. Các cái không muốn/ không dám/ không thể này cần được hiểu là kết quả tổng hòa, tương hỗ của cả đạo đức và luật pháp.

Đó mới là giấc mơ đáng hướng tới nhất cho một xã hội quy củ và đáng sống, không biết có phải vậy không?

Ký của Đỗ Lãng Quân

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/giac-mo-thuong-ton-luat-phap-267692.html