Giấc mơ thầm kín của Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ đạo giới chức nước này làm việc với các nước, như Hàn Quốc và Pháp, về kế hoạch xây dựng hệ thống tàu cao tốc hiện đại.

Hệ thống đường sắt mới này sẽ kết nối các thành phố tại Triều Tiên cũng như với các quốc gia khác.

Các chuyên gia tư vấn và kỹ sư ở Hàn Quốc cũng cho biết họ đang lên kế hoạch xây dựng các dự án tàu cao tốc với Triều Tiên. Cả Hàn Quốc với Triều Tiên đều xem các dự án này là một phần quan trọng trong kế hoạch "mở khóa" thương mại và du lịch, kết nối bán đảo Triều Tiên với Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, dự án nói trên đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và hệ thống điện không ổn định của Triều Tiên.

Ảnh chụp trên cao cầu đường sắt bắc ngang vịnh Sokjon, một phần trong dự án đường sắt Koam-Tapchon đã hoàn tất của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Ảnh chụp trên cao cầu đường sắt bắc ngang vịnh Sokjon, một phần trong dự án đường sắt Koam-Tapchon đã hoàn tất của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Trước đó, vào tháng 6, một quan chức ngoại giao cấp cao Triều Tiên nói với các thượng nghị sĩ Pháp rằng Bình Nhưỡng muốn hợp tác với Công ty Pháp Alstom ( ALSO.PA ), nhà sản xuất tàu cao tốc TGV, và Công ty điều hành đường sắt quốc gia Pháp SNCF để xây dựng một hệ thống tàu cao tốc kết nối Triều Tiên với các quốc gia khác, trong đó có Pháp.

"Những dự án và lĩnh vực này không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt" – ông Kim Yong Il, người đứng đầu phái đoàn Triều Tiên tại Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ở Paris, khẳng định.

Trước đó, Hàn Quốc cũng đã sử dụng công nghệ của Công ty Alstom để xây dựng các tàu cao tốc được giới thiệu vào năm 2004. Hệ thống tàu cao tốc hiện đại của Hàn Quốc nhanh gấp 6 lần hệ thống tàu đã cũ của Triều Tiên.

Tuy nhiên, 2 công ty nói trên của Pháp khẳng định với Reuters rằng họ chưa có kế hoạch hợp tác với Triều Tiên vì lệnh trừng phạt.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 24-5-2018 công bố loạt ảnh lãnh đạo Kim Jong-un thị sát tuyến đường sắt Koam-Tapchon. Ảnh: Reuters

Giới chức liên Triều hy vọng rằng dự án tàu cao tốc sẽ được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt của LHQ theo nội dung một điều khoản cho phép một số "hạ tầng tiện ích công cộng phi thương mại".

Một hệ thống tàu cao tốc kết nối các thành phố Triều Tiên với nhau cũng như với các quốc gia khác vốn là niềm mong ước từ lâu của gia tộc họ Kim.

Một tháng trước khi qua đời vào năm 1994, ông Kim Il Sung, ông nội của ông Kim Jong-un, khẳng định một hệ thống đường sắt kết nối liên Triều, Trung Quốc và Nga có thể mang về cho Triều Tiên 1,5 tỉ USD/năm từ việc vận chuyển hàng hóa.

Ông Kim Jong-un tươi cười sau chuyến thị sát tuyến đường sắt Koam-Tapchon. Ảnh: Reuters

Seoul và Bình Nhưỡng đã bàn bạc về việc xây dựng hệ thống tàu cao tốc kết nối liên Triều kể từ sau thượng đỉnh liên Triều đầu tiên vào năm 2000.

Đến năm 2015, lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định Triều Tiên cần phải xây dựng một hệ thống tàu cao tốc kết nối Bình Nhưỡng với một sân bay quốc tế mới xây gần đó.

Mới đây, tại thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào tháng 4, lãnh đạo Kim Jong-un đã công khai thể hiện sự ngưỡng mộ đối với hệ thống tàu cao tốc của Hàn Quốc.

Theo các chuyên gia và giám đốc điều hành đường sắt, cần ít nhất 5 năm để xây dựng một hệ thống tàu cao tốc ở Triều Tiên và chi phí của nó có thể lên đến 20 tỉ USD.

Cao Lực (Theo Reuters)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trieu-tien-muon-hop-tac-voi-nuoc-ngoai-xay-duong-sat-cao-toc-2018083008433281.htm