Giấc mơ tái thiết dang dở của cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani

Cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani từng ấp ủ một giấc mơ to lớn để giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Á này. Nhưng thực tế lại không như là mơ.

Ngày 15/8 vừa qua, Taliban đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc chiến tại Afghanistan và khởi động quá trình tiếm quyền, xây dựng một chính phủ mới.

Trong bối cảnh đó, trước khi Taliban chiếm được phủ Tổng thống, ông Ashraf Ghani đã buộc phải rời khỏi dinh thự tại Kabul trong buổi tối hôm đó. Ba ngày sau, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo rằng, ông Ghani và gia đình hiện đang an toàn ở nước này. Trong một video được công bố ngày 18/8, vị cựu Tổng thống nói rằng, ông rời khỏi đất nước để tránh cảnh “tắm máu” ở thủ đô Kabul và ngăn chặn được một thảm họa lớn.

Cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. (Nguồn: Foreign Affairs)

Cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. (Nguồn: Foreign Affairs)

Chính trị gia này nhấn mạnh, ông không phải là kẻ phản bội. "Tôi không phản bội đất nước quê hương và yêu cầu mọi người đừng để ý đến những tin đồn. Chúng tôi muốn hòa bình cho Kabul và không muốn nó bị phá hủy. Tôi hy vọng rằng cuộc chiến ở Afghanistan sẽ kết thúc", ông nói thêm.

Hành động của ông Ghani đã bị nhiều quan chức chính phủ lên án “lừa dối người dân”, “vô trách nhiệm” hay “không yêu nước”.

Tuy nhiên, ẩn sau quyết định đầy khó khăn đó lại là những kế hoạch tái thiết đất nước Nam Á còn đang dang dở của vị tiến sĩ từng tốt nghiệp Đại học Columbia, một trong những trường đại học danh giá nhất nước Mỹ.

Một nhà tư tưởng lớn

Trước khi chấp nhận từ chức trong buổi tối ngày 15/8, nhà lãnh đạo 72 tuổi đang trong nhiệm kỳ lần thứ hai của mình, sau khi một lần nữa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm 2019.

Ông Ghani là một tiến sĩ ngành Nhân chủng học và đã có thời gian giảng dạy từ năm 1983 tới 1991 tại Đại học Johns Hopkins nổi tiếng. Sau đó, ông chuyển sang công tác trong lĩnh vực phát triển bền vững tại Ngân hàng Thế giới (WB), trước khi quay trở về Kabul vào đầu thập niên 2000.

Sau khi chính quyền của nhóm phiến quân Taliban sụp đổ vào năm 2001, ông giữ chức Bộ trưởng Tài chính và là cố vấn cấp cao trong chính phủ lâm thời của cựu Tổng thống Hamid Karzai, người đã lãnh đạo Afghanistan sau chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu vào năm 2001.

Tuy nhiên, khi Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan chính thức được thành lập vào tháng 12/2004, ông đã từ chối không tham gia vào làm việc cho chính phủ mới. Trong thời gian tạm lánh khỏi chính trường, ông Ghani trở thành Hiệu trưởng của Đại học Kabul và tham gia vào công tác cố vấn về quá trình tái thiết thời hậu chiến cho nhiều chính phủ tại Kosovo, Nam Sudan, Nepal...

Dựa trên kinh nghiệm của mình, ông đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề Fixing Failed States (tạm dịch: Sửa chữa các quốc gia thất bại) vào năm 2009. Cùng năm, ông Ghani tranh cử Tổng thống nhưng về thứ tư, chiếm khoảng 4% số phiếu bầu trên toàn quốc.

Sau đó, ông tiếp tục đảm nhiệm các vai trò quan trọng ở Afghanistan, bao gồm người đứng đầu cơ quan giám sát quá trình chuyển đổi an ninh từ NATO sang lực lượng Afghanistan.

Năm 2014, ông Ashraf Ghani tái tranh cử Tổng thống và giành chiến thắng sát nút trước ứng cử viên Abdullah Abdullah. Sau khi nhậm chức vào tháng 3/2015, Tổng thống Ghani ngay lập tức đề ra nhiều kế hoạch cải cách toàn diện đất nước Nam Á.

Ông Ashraf Ghani và phu nhân Rula Ghani. (Nguồn: AFP)

Chính khát vọng của ông trong việc biến đổi Afghanistan từ một xã hội bộ lạc phụ thuộc nặng nề vào viện trợ nước ngoài trở thành một nhà nước hiện đại đã tạo nên nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho người dân, đặc biệt thế hệ thanh niên trưởng thành trong thời kỳ hậu Taliban.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống, ông đã cố gắng bổ nhiệm một thế hệ mới gồm những người Afghanistan trẻ, có học thức vào các vị trí lãnh đạo. Ông hứa sẽ chống lại nạn tham nhũng, khắc phục nền kinh tế tê liệt và biến đất nước này thành một trung tâm thương mại giữa Trung và Nam Á. Nhưng ông không thể thực hiện hầu hết những lời hứa này.

Vị Đệ nhất phu nhân người Công giáo gốc Lebanon Rula Ghani cũng đã trở thành hình tượng mẫu mực cho phụ nữ Afghanistan, đối tượng chịu đựng sự chèn ép nặng nề dưới chế độ cai trị cũ của nhóm phiến quân.

Nội bộ chia rẽ sâu sắc

Dù mang hoài bão lớn, con đường tái thiết Afghanistan của Tổng thống Ghani gặp phải không ít rào cản, chủ yếu đến từ những mâu thuẫn không đáng có với các đối thủ chính trị.

Trong cuộc bầu cử vào năm 2014, ứng cử viên Abdullah Abdullah không chịu chấp nhận kết quả và cáo buộc quá trình kiểm phiếu có dấu hiệu gian lận. Khi đó, Liên hợp quốc đã phải can thiệp và thành lập một tổ kiểm phiếu độc lập, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề.

Vì vậy, cựu Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry đã phải đứng ra làm trung gian để thành lập một chính phủ liên minh giữa hai nhà lãnh đạo.

Năm năm sau, vị chính trị gia đối lập này lại tiếp tục từ chối công nhận chiến thắng của ông Ghani và đe dọa thành lập một chính quyền song song. Dưới sự thuyết phục của phía Mỹ, ông Abdullah đã rút lại quyết định trên.

Tuy nhiên, các thành viên chính phủ Afghanistan khi đó cũng đã khá “ngán ngẩm”. Cựu tư lệnh tình báo Rahmatullah Nabil từng cảnh báo rằng, nếu vẫn còn bị chia rẽ, Taliban sẽ là kẻ được lợi.

Sau khi Taliban tuyên bố chiến thắng, tình hình tại Afghanistan thời gian qua đang khá hỗn loạn. (Nguồn: liveandletsfly)

Dù là một người có học thức cao, nhưng ông Ghani lại dành phần lớn cuộc đời làm học tập và làm việc tại Mỹ.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, ông không thích nghi được tình hình thực tế của một xã hội bị phân chia sắc tộc mạnh mẽ, cũng như không lấy được nhiều cảm tình của người dân nghèo tại Afghanistan. Nhiều quan chức trong chính phủ khi đó cũng không thực sự coi trọng vị trí lãnh đạo của ông.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan Ronald Neumann nhận xét: “Tổng thống Ghani quả thực là một người rất xuất chúng, nhưng lại không biết học cách lắng nghe. Các cố vấn người Mỹ kêu gọi ông ấy tập trung vào từng việc một, nhưng ông lại làm quá nhiều thứ cùng một lúc".

Không những vậy, trong quãng thời gian 6 năm giữ chức Tổng thống, ông đã quá tập trung vào các kế hoạch cải cách kinh tế mà không có sự quan tâm tương xứng đối với vấn đề Taliban. Điều này đã tạo ra sự bất mãn từ phía các quan chức quốc phòng Afghanistan.

Trong khi nhóm phiến quân ra sức hoành hành, thực hiện liên tiếp các cuộc tấn công vào đồn cảnh sát và các đoàn xe cơ giới trên khắp đất nước, nhiều phương tiện truyền thông vẫn bắt gặp hình ảnh Tổng thống Ghani đi diễn thuyết hàng giờ trước công chúng về các vấn đề như cải thiện năng suất nông nghiệp hay cải cách hành chính.

Ông Ghani cũng thường chỉ trích vấn đề ông coi là lãng phí viện trợ quốc tế ở Afghanistan và thường không đồng tình với chiến lược Afghanistan của phương Tây, đặc biệt là khi họ tìm cách đẩy nhanh tiến trình hòa bình với Taliban.

Năm 2017, khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức các buổi trao đổi trực tiếp với Taliban nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài, ông Ghani đã bị loại khỏi tiến trình này.

Để rồi, khi các quan chức Mỹ công bố kế hoạch rút lui theo thỏa thuận song phương đã ký kết với Taliban vào tháng 2/2020, vị Tổng thống không còn lựa chọn nào khác ngoài việc miễn cưỡng chấp nhận.

Có thể nói, vị Tổng thống lúc đó hoàn toàn đơn độc trong cuộc chiến chống lại Taliban. Trong nhiều tuần trước khi Taliban chiếm đóng thủ đô Kabul, ông Ghani không đưa ra bất kỳ phát biểu công khai hay tham gia một cuộc họp báo nào liên quan tới tình hình chiến sự.

“Có lẽ sự ra đi của tôi là giải pháp tốt nhất để tránh đổ máu cho cả hai bên”, ông viết trên trang Facebook cá nhân trong rạng sáng ngày 15/8. Và ngay trong buổi tối ngày hôm đó, các chiến binh Taliban đã chiếm giữ dinh thự Tổng thống không tốn một viên đạn.

Ngày 21/8 vừa qua, ông đã tuyên bố sẽ trở về đất nước và lực lượng Taliban cũng đã khẳng định ân xá cho vị cựu Tổng thống.

Có thể nói, cựu Tổng thống Ashraf Ghani không hề chối bỏ trách nhiệm, việc lưu vong chỉ là giải pháp cuối cùng nhằm giữ lại một nền hòa bình cho một Afghanistan đã chia rẽ quá sâu sắc về chính trị.

(theo Washington Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giac-mo-tai-thiet-dang-do-cua-cuu-tong-thong-afghanistan-ashraf-ghani-156811.html