Giấc mơ sầu riêng Việt và quyền lực Alibaba

Sự kiện Alibaba bán hết veo 80.000 quả sầu riêng Thái Lan, tương đương 200 tấn, chỉ trong vòng 1 phút cho thấy sức mạnh của bán lẻ trực tuyến.

Việc bán sầu riêng nói trên nằm trong hợp đồng 3 tỷ Nhân dân tệ (478 triệu USD) Chính phủ Thái Lan ký kết với Tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba.

Theo thỏa thuận này, sầu riêng Thái Lan sẽ được bán qua các kênh bán lẻ trực tuyến và truyền thống của Alibaba, bao gồm sàn thương mại điện tử Tmall, các siêu thị phi tiền mặt Hema cũng như chuỗi siêu thị 450 RT-Mart thuộc sở hữu của Sun Art Retail Group - được Alibaba đầu tư 2,9 tỷ USD vào tháng 11 năm ngoái. Đây là niềm mơ ước của bất cứ xứ sở xuất khẩu trái cây nào, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, trên Tmall, một đơn hàng 4,5 - 5kg sầu riêng Monthong có giá 199 Nhân dân tệ (32 USD), bao gồm thuế và phí vận chuyển. Sàn này cho biết đến nay đã bán được hơn 2 triệu quả sầu riêng, bao gồm cả những quả trước khi hợp đồng trên được thực hiện.

Alibaba cho biết khách hàng tại Trung Quốc đã mua lượng hàng hóa nhập khẩu có tổng giá trị 7,7 nghìn tỷ Nhân dân tệ (1,22 nghìn tỷ USD) qua các kênh bán hàng trực tuyến trong năm 2017, trong đó chiếm phần lớn là thực phẩm.

Đăng tải bán sầu riêng trên trang Tmall. Ảnh: SCMP

Rõ ràng, sức mạnh của bán lẻ trực tuyến là không thể phủ nhận, thậm chí nó còn cho thấy đang vượt trội hơn thị trường bán lẻ trực tiếp rất nhiều.

Thế nhưng, dường như Việt Nam lại đang để vuột mất thị trường màu mỡ này. Hiện doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam mới khoảng trên 3% trong tổng doanh thu bán lẻ và nhiều đại gia thương mại điện tử nước ngoài đang để mắt đến thị trường Việt Nam.

Trong khi ở nội địa, trang thương mại điện tử của Việt Nam mới thấy nổi lên A đây rồi của VinEcom thuộc Tập đoàn Vingroup thì những cuộc thâu tóm thị trường thương mại điện tử Việt Nam của những doanh nghiệp nước ngoài diễn ra ngày càng nhiều.

Có thể kể đến sự kiện JD.com, một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, đã trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của website thương mại điện tử Tiki.

Theo thông báo của JD, tập đoàn sẽ hợp tác với Tiki trong nhiều lĩnh vực bao gồm buôn bán, thương mại xuyên biên giới, hậu cần, công nghệ và các hoạt động vận hành, đồng thời hứa sẽ hợp tác với Tiki để đưa các thương hiệu quốc tế vào Việt Nam và ngược lại, mang sản phẩm Việt Nam ra trường quốc tế.

Trước JD, vào năm 2016, "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba cũng đã mua lại Lazada, hãng thương mại điện tử lớn ở khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam là một trong các thị trường trọng điểm, trong một hợp đồng cho phép Alibaba nắm giữ cổ phần chi phối của sàn thương mại điện tử này.

Một cái tên không xa lạ khác là Shopee, với công ty mẹ chính là gã khổng lồ Internet Trung Quốc Tencent của tỷ phú Ma Huateng cũng để ý đến thị trường Việt Nam.

Sở hữu Shopee thông qua startup SEA, Tencent đã có những dấu ấn đầu tiên tại thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam, thông qua chiến lược miễn phí vận chuyển cho khách hàng.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú đã nhiều lần bày tỏ nỗi lo về tình trạng thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đã và đang bị xâm chiếm bởi các nhà đầu tư ngoại giàu tiềm lực, kinh nghiệm, công nghệ và hậu cần cũng như nguy cơ hàng Việt bị "giết chết".

Ông e ngại thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ lặp lại kịch bản của bán lẻ trực tiếp và cuối cùng Việt Nam sẽ chẳng còn lại gì, người Việt sẽ phải đi làm thuê.

Thậm chí, vị chuyên gia cảnh báo: "Thương mại điện tử sẽ lấn át thương mại bán lẻ trực tiếp, khi ấy bán lẻ Việt Nam không có đường mà lùi. Bây giờ điều chúng ta lo không phải chỉ ở thị trường mà còn lo vấn đề cạnh tranh giữa hàng Việt với hàng nước ngoài, giữa hệ thống phân phối bán trực tiếp với thương mại điện tử".

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/giac-mo-sau-rieng-viet-va-quyen-luc-alibaba-3356981/