Giấc mơ ra biển lớn

Những năm qua, các doanh nhân Việt trên địa bàn Đồng Nai đã từng bước khẳng định mình để theo kịp xu thế hội nhập, vươn ra biển lớn.

Công ty cổ phần thực phẩm G.C (huyện Trảng Bom) sản xuất hàng nông sản thực phẩm xuất khẩu sang gần 10 nước trên thế giới.

Theo Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Đồng Nai hiện có trên 32 ngàn DN đăng ký thành lập. Trong đó, số DN Việt vẫn còn hoạt động trên các lĩnh vực là trên 18 ngàn. Như vậy, so với bình quân chung của cả nước thì Đồng Nai là địa phương có số DN duy trì và phát triển khá cao (cả nước tỷ lệ DN giải thể hơn 70% so với thành lập mới). Đây chính là những nỗ lực lớn của các doanh nhân Việt tại Đồng Nai.

* Tự khẳng định mình

Các doanh nhân Việt đóng góp rất lớn cho nguồn thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Trong quá trình hội nhập sâu, các DN Việt không ngừng vươn lên tự khẳng định mình, đưa hàng hóa xuất khẩu sang các quốc gia, vùng lãnh thổ và tham gia vào các chuỗi cung ứng sản phẩm cho những tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN...

Ngày 20-9-2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13-10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây cũng là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ông Dương Mạnh Trường, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Long Việt (TP.Biên Hòa) cho biết: “DN Việt khi mới thành lập sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về vốn, nơi sản xuất, thị trường tiêu thụ. Do đó, muốn đứng vững và phát triển mỗi doanh nhân phải tự vận động, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Điều cốt lõi để DN đứng vững trên thị trường là sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cạnh tranh và theo kịp xu hướng phát triển chung”.

Hội nhập sâu, Việt Nam mở cửa nên làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào nước ta ngày càng đông. Các DN FDI có nhiều lợi thế hơn DN Việt là vốn lớn, đội ngũ nhân lực mạnh, quảng bá sản phẩm chuyên nghiệp nên dễ dàng chiếm lĩnh được thị trường nội địa. DN Việt muốn tồn tại và phát triển phải đưa ra thị trường những sản phẩm tốt, giá cạnh tranh để giữ thị phần ở thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Xuân Lộc, Giám đốc Công ty TNHH lương thực Thành Đạt Phát cho hay: “Thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ngày càng đòi hỏi sản phẩm có chất lượng cao. Vì vậy, DN phải luôn bắt kịp nhu cầu của thị trường đầu tư sản xuất cho phù hợp mới bán được hàng. Hội nhập sâu, thêm cơ hội nhưng cũng phải cạnh tranh khốc liệt hơn, vì hàng hóa nước ngoài tràn vào ngày một nhiều. DN phải tự mình vươn lên mới tồn tại được”.

Để thành công, DN Việt phải trải qua rất nhiều khó khăn, có những doanh nhân phải khởi nghiệp 2-3 lần mới thành công. Có những thời điểm kinh tế giới rơi vào khủng hoảng, sức mua của thị trường trên toàn cầu giảm mạnh, lãi suất vốn vay trong nước cao, DN Việt đối mặt với hàng loạt khó khăn, song nhiều DN vẫn trụ vững và vượt qua trở thành những đối tác tin cậy của doanh nghiệp FDI.

* Tăng khả năng cạnh tranh

Để doanh nhân Việt trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, tỉnh đã luôn đồng hành cùng DN, hỗ trợ thành lập các hiệp hội ngành nghề. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 10 hiệp hội để tổng hợp những vướng mắc của DN, kịp thời gỡ khó. Các DN Đồng Nai luôn chủ động, sáng tạo để phát triển bền vững. Có những DN khi mới thành lập rất nhỏ, song đã từng bước vươn lên, lớn mạnh dần và đủ sức vươn ra biển lớn, hàng hóa xuất sang hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Đồng Nai chia sẻ: “Các hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày càng nhiều mang theo cả cơ hội lẫn thách thức lớn cho các DN. Vì thế, mỗi DN tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình bằng cách ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại để có sản phẩm đẹp, chất lượng cao, giá cạnh tranh. Đứng vững được tại thị trường trong nước, DN sẽ dễ dàng vươn ra biển lớn”.

Năm 2017, các doanh nghiệp Việt trên địa bàn Đồng Nai đóng góp hơn 6 ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Trong đó, gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nội địa, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tài nguyên. Nguồn thu này mỗi năm đều tăng trên 10%.

Những năm gần đây, Việt Nam được coi là quốc gia khởi nghiệp, các DN thành lập mới tăng nhanh, song những DN dừng hoạt động cũng nhiều. Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nhân Việt cần duy trì được tính kiên nhẫn, không ngại thất bại.

Theo ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, các DN trẻ ngày càng năng động, liên kết với nhau nhằm để tăng khả năng cạnh tranh. Tại Đồng Nai, số lượng DN phải ngừng hoạt động thấp hơn nhiều so với cả nước là vì, các DN đã tìm ra được những thị trường còn bỏ ngỏ để đầu tư.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định: “Tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng DN bằng cách kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để DN hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, DN phải từng bước ứng dụng khoa học - công nghệ cho ra sản phẩm chất lượng và giá cả phù hợp để tăng sức cạnh tranh”.

Doanh nhân Việt phát triển lớn mạnh sẽ đóng góp rất lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Những doanh nhân trong thời mở cửa phải chịu áp lực lớn từ sân chơi hội nhập và họ phải năng động, khôn khéo để trụ vững.

Ông Lê Bạch Long, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long: Cần đội ngũ lao động giỏi

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên DN rất cần đội ngũ lao động có tay nghề cao để có thể làm chủ được các loại máy móc hiện đại. Hiện đội ngũ lao động có tay nghề cao đang rất thiếu. Công ty của tôi đang cần một số lao động giỏi về công nghệ thông tin để mở rộng quảng bá, bán hàng online nhưng tìm rất khó. Khi thế giới có các loại máy móc, công nghệ hiện đại thì chỉ sau 1-3 năm các DN Đồng Nai có thể mua được, nhưng rất thiếu người để vận hành. Các DN mong các trường đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao nắm bắt nhanh các công nghệ hiện đại để khi vào làm việc tại các DN có thể tiếp cận và làm tốt.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm G.C (huyện Trảng Bom): Doanh nghiệp cần đảm bảo uy tín và chất lượng

Doanh nghiệp Việt muốn tồn tại và phát triển phải luôn đảm bảo uy tín và chất lượng sản phẩm. Xu hướng của người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi những sản phẩm có chất lượng cao, đẹp, tiện lợi nên các DN Việt phải đáp ứng được yêu cầu này, nếu không ngay cả thị trường trong nước cũng khó chen chân. Các thị trường: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm, nhưng hàng hóa vào được những quốc gia trên sẽ dễ dàng xuất qua những nước khác. DN Việt có hàng hóa xuất khẩu nên mở rộng thị trường ra nhiều nước để khi gặp khó ở thị trường này có thể đẩy mạnh xuất khẩu ở thị trường khác để bù lại. Muốn vươn ra biển lớn, các DN phải liên kết sản xuất mới đủ sức đáp ứng các đơn hàng lớn.

Ông Ninh Văn Hảo, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH bao bì gỗ Ninh Phát (huyện Thống Nhất): Muốn tiếp cận chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ, song số DN tiếp cận được những hỗ trợ này chưa nhiều. Các thủ tục để nhận được hỗ trợ còn rườm rà, khó thực hiện. DN nhỏ và vừa hiện nay khó khăn lớn nhất là mặt bằng sản xuất, vốn. Lãi suất cho vay của Việt Nam vẫn còn khá cao so với nhiều nước trong khu vực nên khả năng cạnh tranh của DN bị giảm. Nếu những vướng mắc trên được tháo gỡ, DN sẽ hoạt động hiệu quả hơn.

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201810/nhan-ngay-doanh-nhan-viet-nam-13-10-giac-mo-ra-bien-lon-2915130/