Giấc mơ phú hào và điểm mù của sự cả tin

Tưởng như, ai cũng ngạo cười sự tham lam của người anh trong truyện cổ tích 'Cây khế'. Sự thật cay đắng hơn rất nhiều...

Bài học luân lý đã được lồng ghép, dù tương đối khiên cưỡng, trong truyện cổ tích "Cây khế". Anh trai tước đoạt của người em gần như toàn bộ gia sản, chỉ để lại mảnh đất nhỏ có một cây khế. Con chim thich ăn khế, mà lại chỉ là những quả trên cây khế của người em xuất hiện. Lời hẹn đổi một quả khế lấy một cục vàng biến giàu sang phú quý thành hiện thực và nói cho cùng, túi ba gang đủ chứa mọi giấc mơ như thế.

Tình tiết người anh tham lam, quyết tìm cho được bí quyết khiến người em nghèo khổ bỗng trở nên phong lưu, giàu có, may chiếc túi quá khổ đi đổi vàng đến mức bị rơi xuống biển là lời dạy dỗ trực diện. Sự hám của dẫn đến bội tín chứ không phải vì chim thần chở... quá tải.

Nhiều người mất tiền tỷ vì cú lừa 'lan đột biến'. Ảnh minh họa

Nhiều người mất tiền tỷ vì cú lừa 'lan đột biến'. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ở đây xuất hiện một cái bẫy tâm lý. Dường như, đại đa số những độc giả của câu chuyện đều mặc nhiên đặt mình ở vị trí người em, yếu thế và bị chèn ép. Phép màu đến với người em như thiết lập lại sự công bằng lẽ ra phải tồn tại ngay từ đầu. Cái giá mà người anh phải trả mặc nhiên được coi như là xứng đáng.

Câu hỏi đặt ra là, giả sử, nếu ai đó thử đặt mình ở vị trí người anh, họ có hành xử theo cách khác đi? Hãy thành thật, hỡi các quý ông, quý bà... Mà dù các quý vị có trả lời thế nào, vẫn có những minh chứng khó có thể chối cãi.

Trong một cuộc gặp gỡ xã giao, người viết đã nghe kể về một vị viên chức, đã làm tới chức lãnh đạo phòng. Vị này vừa xin nghỉ việc, liên quan tới việc vay nợ món tiền hơn 1 tỷ đồng đầu tư vào các sàn forex. Cú lừa tiền ảo không chừa một ai.

Nếu cứ dùng trí óc bình thường mà xét đoán, ai ai cũng có thể tự chỉ ra nhiều điểm phi lý. Chẳng hạn, không thể có một ngành kinh doanh nào mang lại lãi suất lên tới mấy trăm %/năm, trừ tín dụng đen hoặc lừa đảo. Hay không một chỗ kinh doanh đàng hoàng, tử tế nào lại sử dụng những chiêu trò mang tính chất đa cấp lôi kéo các nhà đầu tư. Và cho dù cảnh báo của các cơ quan chức năng chưa được tiếp nhân kịp thời, những cú sập sàn liên tiếp lẽ ra phải khiến nhiều người tỉnh ngộ. Nhưng không...

Tương tự, quá nhiều giấy mực đã được sử dụng để cảnh báo người dân trước cơn sốt 'lan đột biến'. Cũng đã có những bằng chứng khoa học tưởng như không thể chối cãi về tính chất của 'lan đột biến' và khả năng nhân bản hàng vạn, hàng triệu cây để bình ổn lại cơn say của thị trường. Thậm chí, cả những cảnh báo có tính chuyên môn hơn về tính chất bất ngờ và không di truyền liên tục của các đột biến trên thực vật đã được viện tới. Thế nhưng, cơn sốt 'lan đột biến' vẫn âm thầm tại rất nhiều vùng quê, và thi thoảng, lại nghe ai đó mất hàng tỷ đồng trong cuộc chạy theo giấc mơ làm giàu từ 'lan đột biến'.

Dường như, khi những nhà đầu tư lao vào cơn khát làm giàu dễ dàng và nhanh chóng, không cần đổ mồ hôi công sức, họ đã mất đi trí phán đoán tối thiểu. Những lời cảnh báo vang đến tai họ, có thể vậy, nhưng có lẽ họ sẽ tặc lưỡi "chắc nó trừ mình ra".

Có vẻ như, trong một xã hội từ lâu vẫn ngầm coi 'đồng tiền là thước đo giá trị', đối với rất nhiều người, đã và đang tồn tại một xác tín về sự bù đắp buộc phải được thực hiện, như người em nghèo được chim thần trả vàng khi ăn khế. Cứ như thể, đó là cách để họ tiếp tục lê bước trên đường đời mà trong con mắt của họ, đang tồn tại quá nhiều bất công về tài sản, thu nhập... Mức độ phân hóa giàu nghèo càng bị giãn cách, khao khát được đền bồi càng lớn hơn. Vì thế, không phải 'lan đột biến', 'tiền ảo' thì sẽ lại là một cơn say điên rồ nào khác.

Một dạng vô thức tập thể hay điểm mù của sự cả tin? Chỉ chắc rằng, nó tồn tại không chỉ riêng ở nơi chúng ta đang sống...

Khánh Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/van-hoa/nguoi-viet/giac-mo-phu-hao-va-diem-mu-cua-su-ca-tin-3430694/