'Giấc mơ ngàn đô' từ rác của thầy giáo tiểu học

Với đôi bàn tay khéo léo kết hợp với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, thầy Toàn đã biến những sản phẩm tưởng chừng như chỉ có thể bỏ đi thành những tác phẩm nghệ thuật cực kỳ độc đáo.

Thầy Lê Quốc Toàn (38 tuổi; giáo viên dạy mỹ thuật của Trường Tiểu học và THCS Lý Thường Kiệt, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) sở hữu đôi bàn tay khéo léo và niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật. Thầy đã sáng tạo thành công sản phẩm giỏ xách từ các bao mì gói hoặc snack quen thuộc.

Thầy Toàn cho biết: Trước đây, tôi đã có ý tưởng làm túi xách với các loại nguyên liệu khác nhau. Tuy vậy, tiền mua nguyên liệu đầu vào quá lớn, lại không bảo quản được lâu dài. Vì lẽ đó, nên tôi đành sử dụng các bao mì gói, snack để làm các loại túi xách.

“Ngày trước, sau những giờ dạy trên lớp, tôi đi tới căngtin để xin hoặc nhặt những bao bì mì gói. Nhiều đứa nhỏ cười bảo thầy làm những việc khác người, đôi người cũng nói tôi không bình thường. Nhưng khi nhìn thấy những sản phẩm của tôi thì ai cũng dành tặng những lời khen tốt đẹp. Đó cũng chính là động lực thôi thúc tôi tiếp tục niềm đam mê với nghề ‘tay trái’ này của mình"- thầy Toàn không giấu được sự xúc động.

Sản phẩm túi xách được làm từ bao mì gói hoặc bao snack được thầy Toàn bắt đầu làm vào năm 2014. Tuy vậy phải vài tháng sau, những sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên mới được hoàn thành. Suốt hơn 4 năm trời, thầy Toàn đã làm ra tổng cộng 44 chiếc túi xách. Đặc biệt, để hoàn thành số lượng túi xách trên, thầy Toàn đã sử dụng tổng cộng 1.800 bao mì gói (chưa tính bao snack).

Ngoài việc sử dụng bao mì gói hoặc snack để làm túi, tôi còn cảm thấy đây là một công việc cực kỳ ý nghĩa để góp phần bảo vệ môi trường sống. Hy vọng rằng cách làm của tôi có thể phần nào giúp các cháu học sinh trong trường và người dân xung quanh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, hạn chế vứt rác bừa bãi"- thầy Toàn bày tỏ.

Được biết, tháng 8.2018, thầy Toàn đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao bằng công nhận xác lập kỷ lục “Người thực hiện bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất“. “Nhận được danh hiệu trên tôi không khỏi tự hào và xúc động khi những nỗ lực của mình được một tổ chức ghi nhận, vinh danh. Tuy vậy, điều tôi cảm thấy sung sướng nhất đó là có thể giúp các em học sinh trong trường và mọi người chung quanh nhận thấy rằng chúng ta hoàn toàn có thể tái chế lại các nguyên liệu tưởng chừng chỉ có thể bỏ đi thành những tác phẩm nghệ thuật, hữu ích cho cuộc sống" - thầy Toàn thông tin. Ảnh: Bảo Trung

Hiện nay, thầy Toàn được nhà trường bố trí cho một căn phòng nhỏ ngay bên trong trường để tiện cho công tác giảng dạy. Tuy vậy, với mức lương như hiện tại, thầy Toàn vẫn khó có thể mơ về cảnh tượng “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Chính vì vậy, thầy đang tính đến việc có thể bán ý tưởng sáng chế “túi xách làm bằng bao mì gói” của mình cho một cá nhân hoặc doanh nghiệp với một cái giá phải chăng…Ảnh: Bảo Trung

“Tôi đang muốn bán lại ý tưởng sáng tạo của mình với giá khoảng 90.000 đến 100.000 USD. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đến đặt hàng tôi chế tạo cho họ khoảng vài nghìn chiếc túi xách nhưng tôi đã từ chối vì số lượng quá nhiều trong khi quỹ thời gian của bản thân khá hạn hẹp. Ngoài ra, nhiều Việt kiều ở hải ngoại cũng đã liên hệ để mua lại ý tưởng sáng tạo này của tôi nhưng đến giờ tôi vẫn chưa đưa ra quyết định...”, thầy Toàn cho biết.

Theo cô Phạm Phương Chi - Hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS Lý Thường Kiệt, hiện nay sản phẩm của thầy Toàn trên thị trường có giá khoảng 1 triệu đồng mỗi chiếc. Bên cạnh đó, chất liệu cấu thành sản phẩm khá bền, màu sắc đẹp nên được nhiều người ưa chuộng. Nhà trường cũng đã tạo điều kiện cho thầy Toàn vay vốn để tiếp tục niềm đam mê của mình. Thầy là niềm tự hào rất lớn của nhà trường. Ảnh: Bảo Trung

Bảo Trung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/giac-mo-ngan-do-tu-rac-cua-thay-giao-tieu-hoc-646037.ldo