Giấc mơ lụa Việt

'Mã Châu tơ lụa mỹ miêùSớm mai cửi mắc, ban chiều tơ giăng'Câu ca ấy đã theo làng lụa Mã Châu (thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) hơn 400 năm với bao thăng trầm lịch sử.

Nguồn nguyên liệu kén vàng độc đáo

Quá khứ huy hoàng…

Dòng tộc Trần Hữu khai sinh ra làng lụa Mã Châu. Khoảng thế kỷ 15, 16, dòng tộc này di cư từ Bắc vào, mang theo nghề dệt lụa của cha ông. Khi qua đèo Hải Vân vào đến Nam Phước, họ chọn nơi đây xây dựng cơ nghiệp. “Đất lành chim đậu”, vùng đất này hợp với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa bởi nằm giữa 2 dòng sông lớn Vu Gia và Thu Bồn, phù sa tươi tốt, thích hợp với nghề dệt lụa.Làng lụa Mã Châu ra đời từ đó.Người phụ nữ gánh theo khung cửi – bà Mã Chấu trở thành bà Tổ của làng. Cái tên Mã Châu cũng dựa trên tên bà nhưng được gọi chệch đi.

Lúc bấy giờ, dệt lụa chưa phát triển, có chăng chỉ là các sản phẩm thổ cẩm do người Chiêm Thành dệt. Vì vậy, khi làng dệt lụa Mã Châu hình thành, các vùng nguyên liệu từ Quảng Bình đến Bình Định, lên cả Gia Lai đều xuôi theo dòng Vu Gia, Thu Bồn cập bến đò Tơ về đây.

Qua đôi tay khéo léo của những người phụ nữ, những dải lụa ra đời, kết thúc quá trình hình thành bằng các chuyến hàng của thương nhân nước ngoài xuôi theo cánh buồm từ cảng Trà Nhiêu (Hội An) đi khắp nơi trên thế giới.

… Những thăng trầm

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Mã Châu vẫn là một làng nghề nổi tiếng với khoảng 4.000 khung cửi, nhà máy ươm lớn nhất thường xuyên phải ươm 3 ca/ngày, tiếng thoi đưa rầm rập ngày đêm… Làng lụa Mã Châu thịnh hành, thương hiệu lụa Mã Châu nức tiếng gần xa. Tuy nhiên sau đó, tơ lụa không có đầu ra, hàng trăm người thợ dệt lụa đã phải gác lại khung cửi để mưu sinh bằng nghề khác hoặc mang đi tứ xứ mưu sinh.

Dải lụa Mã Châu mềm mại, thanh thoát, giữ nhiệt mùa đông, thoát nhiệt mùa hè và tôn lên được vẻ đẹp của người phụ nữ…

Đỉnh điểm là chỉ trong vòng 2 năm (2006 – 2008), từ hơn 300 hội viên, HTX tơ lụa Mã Châu chỉ còn 16 người, rồi đến bây giờ còn 5 người và trở thành Công ty TNHH lụa Mã Châu bởi không đủ người để duy trì HTX theo quy định.

Đầu ra của lụa Mã Châu là một trong những nguyên do khiến nhiều nghệ nhân chia tay với khung cửi. Thị trường Hội An là địa chỉ tiêu thụ lụa lớn nhưng lụa Mã Châu lại không bén rễ. Nguyên nhân do lụa Mã Châu sản xuất 100% từ tơ tằm, chi phí nhân công và giá thành cũng rất cao.

Hồi sinh làng lụa

Ông Trần Hữu Phương - hậu duệ đời thứ 18 của tộc Trần Hữu, một trong số ít nghệ nhân quyết tâm giữ lấy nghề truyền thống, giữ hồn cho những khung cửi – chia sẻ: Dù chỉ còn 5 thành viên nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Dẫu khó khăn đến đâu, cũng phải vượt qua. Đến nay, nghề làm lụa cũng dần thấy những dấu hiệu khả quan.

Ông Phương kể: 11 tuổi, ông đã biết đứng dệt, 13 tuổi đã mày mò sửa máy dệt, 22 tuổi bỏ dở giảng đường đại học về nối nghiệp gia đình, đến bây giờ khi đầu đã 2 thứ tóc, ông vẫn say mê với lụa Mã Châu. Năm 2017, Công ty TNHH Lụa Mã Châu được thành lập, do ông Phương làm Giám đốc. Nhờ áp dụng máy móc vào sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, công ty đã từng bước xây dựng được chỗ đứng trên thị trường.

Giữ hồn cho khung cửi

Về bí quyết, ông Phương cho rằng, để có được tấm vải lụa tơ tằm 100%, ươm tơ dệt lụa phải là thủ công, đòi hỏi người dệt, nghệ nhân phải tích lũy được bề dày kinh nghiệm, kiên trì, ham học hỏi-những điều này thế hệ trẻ hầu như không làm được. Hơn 10 năm qua, ông Phương ngày ngày đau đáu với làng lụa, làm sao để giữ được chất lượng lụa tơ tằm, có thị trường ổn định, giữ được thương hiệu lụa Mã Châu… Theo ông Phương, tơ được kéo và dệt thẳng từ kén tằm sống, bởi vậy, lụa Mã Châu mang đầy đủ đặc tính sinh học của con tằm, có khả năng chống chọi với biến đổi bất thường từ môi trường bên ngoài, thoát nhiệt vào mùa nóng, giữ nhiệt vào mùa lạnh, chống hôi, chống mốc.

Chị Trần Thị Yến, con gái ông Phương là truyền nhân thứ 19 của dòng họ viết tiếp bằng việc sử dụng công nghệ để kết nối, quảng bá hình ảnh, đưa lụa Mã Châu đến với đông đảo người tiêu dùng. Mới tuổi 22, với vẻ ngoài mảnh mai nhưng cũng đầy quyết đoán, Yến đang nỗ lực dệt tiếp những trang sử về lụa Mã Châu và hiện thực hóa những giấc mơ mà một đời ông cha cô cố gắng gìn giữ, bảo tồn và phát triển.

“Đến bây giờ tôi đã có cảm giác yên tâm và hoàn toàn cho phép mình có quyền hy vọng. Hy vọng lụa Mã Châu có tên tuổi trên thị trường, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng lên, cơ hội tăng thu nhập cho người lao động. Chúng tôi mong muốn có sự hỗ trợ, chung tay của Nhà nước để bảo tồn và phát triển lụa Mã Châu” - ông Phương bộc bạch.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/giac-mo-lua-viet.html