Giấc mơ không thành của 'người rơm' và những thân phận không biết là nạn nhân của điều gì

Từng là du học sinh tại Anh Quốc và có những hiểu biết về cuộc sống của những 'người rơm' tại đây, vlogger Giang Ơi đã có những chia sẻ khiến mọi người xúc động.

“Người rơm” là một từ chứa đựng đầy sự nghiệt ngã và cay đắng mà cộng đồng người Việt tại Anh dùng để chỉ những người nhập cư bất hợp pháp, chấp nhận đánh đổi rủi ro lấy một tương lai không vững chắc.

Từ ngoài cuộc, có lẽ chúng ta chỉ biết theo dõi tin tức và có những cảm nhận cho riêng mình. Nhưng là một người đã sống ở Anh đủ lâu và có tiếp xúc với những gì đã và đang xảy ra với “người rơm”, vlogger Giang Ơi đã có những chia sẻ khiến ai cũng cảm thấy đau xót trước số phận của nhóm người này.

Nhân viên pháp y và cảnh sát đang khám nghiệm chiếc xe container chứa 39 thi thể người.

“Người rơm” - khi rơm chất chứa cả máu và nước mắt

Tại sao lại là “người rơm”? Không biết từ bao giờ, cụm từ này đã được mặc định dành cho họ. Rơm không chỉ là rơm rạ chất đống ngoài đồng, vô giá trị và không ai quan tâm, mà rơm ở đây còn chan chứa cả máu và nước mắt khi những cuốn hộ chiếu được xé bỏ và đốt nát, chối bỏ quốc tịch của chính mình để lên đường bắt đầu một cuộc hành trình sống chết còn chưa rõ.

Nữ vlogger Giang Ơi cho biết trong video mới nhất của mình: “Nói ra thì đau đớn nhưng 39 người trong thùng xe tải như một đợt hàng. Sự việc này xảy ra với con số thương vong quá lớn nên người ta cảm thấy bàng hoàng và chuyện cũng được làm lớn lên. Thế nhưng số người chết trong rừng trên đường trốn từ các nước Châu Âu sang Anh thì thực sự không thể biết hết được.

Người dân Anh xót thương bày tỏ sự tôn trọng với người đã khuất trong vụ thảm kịch đau lòng.

Khi sang Anh thì mình là một trong số những người “ăn trắng mặc trơn” vì mình đi có giấy tờ, có tiền bạc ở nhà gửi sang. Tất cả những gì mình phải làm là đi học, đi chơi và thỉnh thoảng đi du lịch. Nếu có làm thêm thì mình cũng đi làm thêm nhưng ở mức 20 tiếng/tuần để kiếm thêm thu nhập.

Nhưng mình đã từng tiếp xúc với những người sống ở Anh nhưng không có giấy tờ, những người này được gọi là “người rơm” khi người ta đã từ bỏ quyền sống và quyền được bảo vệ như một con người khi trốn từ quê hương sang đây”.

Vlog mới nhất của Giang Ơi chia sẻ về “người rơm” khiến mọi người xúc động.

Theo những điều luật về tị nạn của Liên minh Châu Âu, khi bị phát hiện nhập cư trái phép, bạn sẽ bị trục xuất thẳng về nơi quê hương gốc gác của mình. Nhưng nếu không có giấy tờ, người đó sẽ bị gửi về đất nước cuối cùng mà họ đến trước khi đến Anh, tức là Pháp, Đức hay Bỉ,… và do đó vẫn còn có cơ hội ở lại Châu Âu hoặc một lần nữa tìm đường đến Anh.

“Chui vào container là một đường đi khá phổ biến được rất nhiều người lựa chọn từ nhiều nước trên thế giới đổ xô vào Anh. Những con số không được công bố vì chưa được phát hiện. Đúng là “mắt không thấy thì tim không đau”, có thể mình không nhìn thấy nhưng không có nghĩa là nó không xảy ra”, nữ vlogger chia sẻ.

Nhóm người di cư tới từ Châu Á đang chờ được đưa họ vào Anh. Ảnh: The Sun.

Trước khi đến được Anh, những người nhập cư như vậy từ khắp nơi trên thế giới phần lớn sẽ ở lại Pháp để chờ cơ hội vượt eo biển Manche mà đến được Anh. Cảnh sát Pháp thừa biết chuyện gì đang xảy ra trên lãnh thổ của họ nhưng họ không mấy quan tâm vì điểm đến sau cùng của nhóm người kia phải là Anh.

Do đó, những vụ hành hung, cướp bóc hay tệ nạn, cưỡng bức diễn ra trong những khu tập kết tạm bợ không được ai đoái hoài tới bởi lẽ giờ đây họ đã trở thành những con người thầm lặng sống trong một cộng đồng vô chính phủ, không được một điều gì rõ ràng đứng ra bảo vệ cả.

Miền đất hứa đôi khi chỉ là lời hứa suông

Nói tiếp về cuộc sống của những người vượt biên trót lọt khi sang Anh, Giang Ơi cho biết thêm: “Những người trốn được sang Anh thì phải sống và làm việc một cách chui lủi. Vì không có giấy tờ nên các bạn sẽ phải sống chui, làm việc chui và các giao dịch đều phải bằng tiền mặt.

Họ không thể nào sinh hoạt như người bình thường và không có địa chỉ ở chính thức. Họ sẽ phải đi thuê nhà chui hoặc nhờ sinh viên đi thuê nhà và đứng tên giùm, thẻ đi tàu, thẻ ngân hàng đều phải đi mua của người khác. Du học sinh sau khi hoàn thành việc học thường để lại những chiếc thẻ ngân hàng còn giá trị sử dụng và có thể bán lại cho những “người rơm”.

Những “người rơm” thường đi làm chui cho các cơ sở của người Việt Nam, phổ biến nhất có thể nói đến là đi làm nail hoặc đi phục vụ ở nhà hàng (làm trong bếp chứ không được phục vụ ở phía trước). Tệ hơn nữa là phục vụ mại dâm hoặc đi trồng cần sa trái phép ở những nhà kín đáo trong rừng”.

Không cầm được xúc động khi nói về những “người rơm”, nữ vlogger ngậm ngùi chia sẻ: “Một khi đã lựa chọn trở thành “người rơm” thì bạn đã chấp nhận bạn không còn là con người nữa rồi và không được pháp luật hay bất cứ ai bảo vệ.

Việc này cay đắng đến mức mình không biết nên gọi những người này là nạn nhân của điều gì, nạn nhân của nạn buôn người hay là nạn nhân của chính quyết định của họ. Có cay đắng không khi bạn quyết định sử dụng một dịch vụ trái phép để đưa các bạn đến sống và làm giàu ở một nơi mà bạn biết nó là trái phép. Sau đó, cái dịch vụ đó lại không bảo toàn được mạng sống cho các bạn chứ đừng nói đến chuyện lừa tiền.

Ngày nay tuy đã có internet và người ở nông thôn cũng được biết nhiều thông tin hơn trước kia. Nhưng họ cũng vẫn chưa thực sự hiểu được những chuyện đó sẽ diễn ra như thế nào mà chỉ đơn giản là thấy anh A, chị B, anh em của họ trốn trót lọt sang bên kia và gửi tiền về.

Có một số trường hợp như sau: Một là họ đi làm kiếm tiền và gửi tiền về nuôi con, xây nhà ở quê trong khi ở Anh vẫn có bồ bịch và cuộc sống cứ thế trôi đi. Hai là đi làm và tích tiền để một ngày nào đó có thể trở về Việt Nam, một ngày nào đó có thể ra Đại sứ quán và trình bày về việc tôi muốn được trục xuất, tôi muốn được về Việt Nam.

Có một số trường hợp như sau: Một là họ đi làm kiếm tiền và gửi tiền về nuôi con, xây nhà ở quê trong khi ở Anh vẫn có bồ bịch và cuộc sống cứ thế trôi đi. Hai là đi làm và tích tiền để một ngày nào đó có thể trở về Việt Nam, một ngày nào đó có thể ra Đại sứ quán và trình bày về việc tôi muốn được trục xuất, tôi muốn được về Việt Nam.

Sau đó là làm thế nào đó để chuyển cục tiền về Việt Nam, có thể là một dịch vụ chuyển tiền chui nào đó, rồi dùng số tiền đó mà về Việt Nam làm ăn, sinh sống. Mình nghĩ đó là hy vọng của rất nhiều người. Không biết kế hoạch đó có thành công hay không nhưng đó là kế hoạch chung của rất nhiều người khi xác định sang Anh và làm “người rơm” như thế”.

Không oán trách cũng không phán xét, chỉ thấy đau lòng và cay đắng

Nói rõ từ đầu video, vlogger Giang Ơi chia sẻ quan điểm cá nhân rằng chúng ta không nên phán xét về việc làm của những “người rơm”, rằng như thế là đúng hay sai và cũng đừng trách móc họ tại sao lại chấp nhận đánh đổi và làm những việc như thế.

“Chắc chắn mình không thể hỏi người ta tại sao lại chọn cuộc sống như vậy, cũng không thể phán xét được là làm như thế đúng hay sai, vì mình không ở trong vị trí của người ta nên mình không hiểu hết nỗi niềm của người ta được”.

Thời gian này, thay vì phán xét, trách móc hay đưa ra những nguyên nhân lớn lao về quyết định chọn tử thần của những “người rơm”, ta nên im lặng một chút để cảm thông với họ vì chính họ cũng đã ở đáy sâu của sự tuyệt vọng và rơi vào cái hố không đáy của sự đau thương.

Giải đáp cho thắc mắc của nhiều người về việc tại sao phải bỏ ra cả tỷ đồng để chui lủi sang đó, trong khi với số tiền đó vẫn có thể làm được rất nhiều việc khi ở Việt Nam. Giang Ơi cho biết: “Khả năng cao đó là tiền đi vay mượn, phải đi sang Anh để làm việc trả nợ.

Khi đi làm chui, thu nhập tương đối cao cũng như không phải nộp thuế. Nếu đi làm cả tuần mà không có ngày nghỉ nào thì họ có thể kiếm đến mấy ngàn bảng mỗi tháng. Số tiền này ở Việt Nam họ chưa bao giờ dám mơ đến. Với mức thu nhập đó, họ có thể nuôi cả gia đình thậm chí cả họ hàng, giúp trả nợ trong nhà, cho con cái đi học, giúp đỡ em út. Khi họ sống trong một hoàn cảnh quá nghèo thì chẳng thể trách họ khi nhìn thấy cơ hội như vậy mà lại từ chối.

Nói đến trách nhiệm thuộc về ai, về những kẻ buôn người, những kẻ lừa đảo,… nhưng tất cả những tổ chức này đều đánh vào lòng tham của con người trước. Tức là những người lao động chủ động trả tiền cho những nhóm buôn người với hy vọng gian lận được chính quyền. Giữa những người trốn sang đó và những kẻ tổ chức cho họ trốn sang đó thì không biết ai mới là nạn nhân”.

Rất mong sự việc lần này là hồi chuông cảnh tỉnh. Miền đất hứa đôi khi chỉ là lời hứa suông, đừng ảo tưởng vào những lời mật ngọt và tự huyễn hoặc bản thân phải lựa chọn đánh đổi.

Cho dù những nạn nhân xấu số ở bên kia bán cầu là người Việt Nam hay người nước nào đi chăng nữa, thì ta nên dành cho họ những khoảng lặng để cảm thông vì cuối cùng thì họ cũng được nghỉ ngơi sau quá nhiều khổ cực và đau đớn.

Khánh Duy

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/mau-cuoc-song/giac-mo-cua-nguoi-rom-va-than-phan-khong-biet-la-nan-nhan-cua-gi-6336008.html